Những chiếc áo dài của má

Đã hơn nửa thế kỷ qua rồi nhưng vẫn còn nguyên trong ký ức tôi những buổi chiều được theo má đi xe lam từ Thành xuống Nha Trang. Xe dừng ở trạm Ty Thông tin, hai má con đi bộ băng qua đường Độc Lập (đường Thống Nhất bây giờ) để má may áo dài.

Hồi đó, má may áo dài ở tiệm Phương Thảo. Tôi không biết tiệm Phương Thảo có nổi tiếng nhất Nha Trang thời ấy hay không, nhưng cách má chọn tiệm may phải đi 10 cây số thì đoán là nơi má rất yêu thích. Nếu có vải sẵn, má đi thẳng đến Phương Thảo. Nếu chưa có vải, má dắt tôi đến một trong hai tiệm vải Phạm Thị Một hay Phạm Thị Hai cũng trên đường Độc Lập để mua vải. Trong khi chờ má nói chuyện, chọn vải, tôi tha thẩn trong tiệm và sờ tay hay thích nhất là được áp má vào những cuộn vải trên kệ, tận hưởng cảm giác mát lạnh, mịn màng, ngửi mùi thơm từ vải, thích lắm! Mùi vải mới tung tăng theo tôi và má đến tiệm may áo dài Phương Thảo. Sau đó, thể nào má cũng đưa tôi đến tiệm Hưng Hoa, góc đường Độc Lập - Công Quán (nay là đường Yết Kiêu) ăn bánh patéchaud và uống chai sữa đậu nành. Tôi còn được đi hai lần như vậy nữa mới xong cái áo dài là ngày hẹn thử áo và cuối cùng là lấy áo.

Tác giả và má mặc chiếc áo dài may ở tiệm Phương Thảo trong ngày cưới.

Trong ký ức của tôi loanh quanh trung tâm Nha Trang thời ấy có mấy tiệm may áo dài nổi tiếng như: Sơn Nữ Đà Lạt, Phương Thảo, Song Hiệp... Tôi đã từng may áo dài ở Sơn Nữ Đà Lạt và ở tiệm may Dáng Tiên trên đường Tô Vĩnh Diện.

Ngược dòng thời gian thời tôi đi học, từ năm lớp 6 chúng tôi đã được mặc áo dài. Lớp tôi có bạn biết cắt may áo dài. Hôm rồi gặp nhau, bạn kể mùa hè năm lớp 8, bạn được má cho đi học may ở một tiệm lớn chỉ vì bạn thích công việc may vá này. Học xong, má mua cho bạn cái máy may hiệu Singer, từ đó bạn chỉ may áo dài cho bạn bè. Sau này có gia đình, nghỉ đi dạy học xa, bạn chuyển sang nghề may, một thời nuôi con cái học hành.

Thế hệ tôi có lẽ được biết qua nhiều mẫu áo dài. Cuối thập niên 60, chiếc áo dài có cổ cao 3-5cm, kiểu “tay ráp”, đường nối thân áo với ống tay ở bắp tay. Thân áo dài gần đến gót chân, tà rộng, có chít eo, mặc với quần ống túm hay rộng vừa phải, màu trắng hay đen. Còn có thêm kiểu áo cổ rộng. Qua thập niên 70, chiếc áo dài không còn “tay ráp” mà chuyển thành “tay raglan” đến bây giờ, chiều dài quá gối một chút, cổ thấp khoảng 2-3cm, bỏ chít eo áo. Một giai đoạn ở thời bao cấp, chiếc áo dài vắng bóng ngay cả trên bục giảng. Tôi nhớ không nhầm thì mãi đến cuối thập niên 90, chiếc áo dài mới thịnh hành trở lại, vẫn kiểu truyền thống mặc trong những dịp long trọng: Cổ thấp, dài quá gối một chút, không chít eo, quần ống rộng 36-40cm. Sau đó nở rộ kiểu mặc nguyên bộ, áo quần cùng màu vải. Rồi trở lại kiểu chít eo, áo dài gần chấm gót…

Tiệm may áo dài Phương Thảo. Ảnh: KHANG NGUYỄN

Mấy chục năm vật đổi sao dời, tiệm Sơn Nữ Đà Lạt giờ không còn may áo dài nữa mà chuyển sang kinh doanh quần áo thời trang. Một ngày nhớ má và những chiếc áo dài xưa, tôi ghé đến tiệm may Phương Thảo giờ đây vẫn còn. Chị chủ tiệm tên là Thu Thủy kể tôi nghe gia đình chị mở tiệm may áo dài từ năm 1960 trên đường Độc Lập. Năm 1972, tiệm may dời về vị trí bây giờ. “Vẫn còn những khách hàng đến may áo dài là khách quen từ thời má tôi. Hồi ấy, hai tiệm Sơn Nữ Đà Lạt và Song Hiệp ra cùng thời điểm, Phương Thảo ra trễ hơn. Song Hiệp thì nghỉ lâu rồi. Bây giờ, chỉ còn Phương Thảo nhưng theo nghề má mấy chục năm, rồi đến lúc tôi cũng phải nghỉ thôi vì tuổi lớn”, chị nói.

Tôi nhìn những chiếc ái dài treo trong tiệm và nhớ rất rõ tủ áo dài của má với những chiếc áo dài má chỉ may ở Phương Thảo, mỗi lần mở tủ ra thơm thoảng mùi băng phiến. Có những chiếc áo dài hoa nhỏ, màu nhã, cổ cao 3-5cm, kiểu tay ráp, thân áo dài gần đến gót chân, tà rộng, có chít eo, mặc với quần ống túm hay rộng vừa phải, trắng hay đen. Cũng có những chiếc áo dài tay raglant, màu trơn, thêu, cổ thấp, chiều dài quá gối một chút...

Tôi nhìn quanh không gian tiệm may, thật quen thuộc khi vẫn còn đó hàng chữ “Nhà may Phương Thảo”, kiểu chữ thịnh hành thập niên 70, và cả hàng gạch ốp trang trí bên dưới không thể nhầm lẫn trong trí nhớ.

Tự nhiên tôi nhớ má quá chừng, nhớ những chuyến xe lam, nhớ ly sữa đậu nành và cái bánh patéchaud… của một thời Nha Trang xưa đẹp và êm đềm quá đỗi!

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202307/nhung-chiec-ao-dai-cua-ma-19f50cd/