Những chuyện khó nói của cụ già 83 tuổi ở viện dưỡng lão

Ấy là một ngày cam go: các khớp xương trên cơ thể biểu tình răng rắc. Không gì ngăn cản được sức khỏe tụt dốc.

Chủ Nhật, ngày 6 tháng Giêng

Tôi bị són tiểu trầm trọng. Các vết bẩn màu vàng hiện rõ lên quần lót màu trắng. Thà là quần lót màu vàng thì đỡ hơn. Tôi thấy ngượng với những người phụ nữ giặt ủi đang xử lý quần áo bẩn của tôi.

Bởi thế, tôi cặm cụi vò tay các vết bẩn nhất rồi mới gửi đi giặt. Gọi là giặt sơ. Chứ tôi mà không gửi bất cứ thứ gì ra để người ta giặt ủi là sẽ bị nghi ngờ ngay. ‘Ông đã thay đồ lót rồi đấy phải không, ông Groen?’ Bà dọn phòng ú núc thể nào cũng hỏi. Câu trả lời của tôi thường là: ‘Không, bà dọn phòng ú núc ạ, cái quần này ôm mông lắm nên tôi sẽ tiếp tục mặc cho hết ngày.’

 Ảnh minh họa. Nguồn: MART PRODUCTION/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: MART PRODUCTION/Pexels.

Ấy là một ngày cam go: các khớp xương trên cơ thể biểu tình răng rắc. Không gì ngăn cản được sức khỏe tụt dốc. May mắn lắm mới có được ngày không bị đau nhức, nhưng điều đó cũng chẳng cải thiện được gì. Tóc tai sẽ không đột nhiên mọc trở lại. (Chí ít thì không mọc ở trên đầu; mà thò ra từ mũi và tai.)

Các động mạch chẳng tự nhiên mà sạch sẽ. Các bướu gù sẽ không mất đi giùm cho, và các lỗ rò ở bên dưới sẽ không ngừng rỉ nước. Tấm vé một chiều đến mộ phần, là như thế đấy. Bạn sẽ không trẻ lại được đâu, dù chỉ một ngày, một giờ, thậm chí là một phút.

Nhìn tôi này, chẳng khác nào là lão già đang than van rên rẩm cả. Đã thế thì tôi cứ vào Sảnh Tiếp Khách ở tầng dưới. Đây là chốn để phàn nàn. Trong này chẳng có được một ngân hàng. Mặt nạ cao su và mọi thứ khác. Chẳng phải là sẽ buồn cười sao, nếu những gã đàn ông nấp sau mấy cái mặt nạ kia đúng là những người về hưu?

Thứ tư, ngày 6 tháng ba

Ngày nắng đầu tiên trong năm luôn tuyệt nhất. Chiều hôm qua, tôi ngồi trên băng ghế ở lối vào cửa trước suốt bốn mươi lăm phút đồng hồ. Tôi là người đầu tiên ở đó. Không lâu sau, băng ghế đã kín chỗ. Vài người chậm chân tỏ ra thèm muốn, cứ đi đi lại lại chờ chúng tôi rời đi. Đen đủi quá.

Khi năm tháng trôi qua, mọi thứ đều chậm lại. Đi lại, ăn uống, chuyện trò, suy nghĩ. Đọc sách báo cũng vậy. Tôi phải mất từ ba đến bốn ngày mới ngốn xong tất cả các phụ trương chủ nhật, bởi nếu chỉ đọc nhật báo thôi thì tôi vẫn bị tụt hậu mất.

Cuối cùng thì hôm qua, tôi cũng đã đọc xong chuyên mục về sự lão hóa. Tôi đã chú ý đến nó từ trước: tuổi già đang là vấn đề nổi cộm hiện nay. Những đứa trẻ được sinh ra trong thời hậu chiến về hưu; một vài năm nữa sẽ đến lượt thế hệ hippie.

Nhóm tuổi nắm quyền hiện nay đã phát hiện ra một điều quan trọng: mình phải tự chăm sóc bản thân thật tốt. Không ai mong muốn mất nhiều thời gian để lo lắng về những kẻ được gọi là Người Về Hưu trong ít nhất mười lăm năm nữa.

Những người trên năm mươi này dù có thế nào thì cũng không giống với những người trên tám mươi tuổi, bởi vì viện dưỡng lão này là nơi nghỉ ngơi áp chót của họ. Chúng tôi đã học cách chăm sóc chu đáo cho những người khác, cụ thể là con cái của chúng tôi, hiện đang ở vào thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời chúng.

Thực ra, ngay lúc này đây, chúng tôi cảm thấy mình bị những đứa trẻ đó bỏ rơi. Nhiều bạn đồng cư của tôi rất căng thẳng vì bị hoàn cảnh ép buộc: già cả và ốm yếu đến mức không thể sống độc lập được, và nghèo khó đến độ không thể thuê người giúp việc cần thiết. Họ phải chấp nhận sống những năm tháng xế chiều của cuộc đời trong viện dưỡng lão.

Sau đó, cụm từ ‘viện dưỡng lão’ bắt đầu làm cho người ta cảm thấy bứt rứt. Nó đã được thay thế bằng cụm từ ‘cộng đồng hưu trí’. Bệnh xá trở thành ‘nhà chăm sóc’.

Nhà chăm sóc trở thành ‘trung tâm chăm sóc’. Và trong phiên bản mới nhất, hình như tôi đã đăng ký vào một ‘tổ chức y tế định hướng thị trường cung cấp dịch vụ chăm sóc phù hợp với từng người’. Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao chi phí chăm sóc sức khỏe cứ tăng vùn vụt.

Hendrik Groen/NXb Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-chuyen-kho-noi-cua-cu-gia-83-tuoi-o-vien-duong-lao-post1463749.html