Những di tích lịch sử nhất định phải đến khi tới Điện Biên

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một 'thiên sử vàng' của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Điện Biên cách Hà Nội khoảng 450 km, giáp Sơn La, Lai Châu, có biên giới với Trung Quốc và Lào, thủ phủ là TP Điện Biên Phủ, có thị xã Mường Lay và 8 huyện.

Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông lạnh và ít mưa, mùa hè nóng, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 đến 23 độ C, nhiệt độ thấp nhất khoảng 13 độ C, cao nhất khoảng 25 độ C. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa thường từ tháng 5 đến tháng 8. Nắng nhiều nhất vào các tháng 3-4 và 8-9.

Điện Biên giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa - lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó Điện Biên nhiều hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như: rừng nguyên sinh Mường Nhé, hang động Pa Thơm, Thẩm Púa, suối khoáng nóng Hua Pe, U Va, các hồ Pá Khoang, Pe Luông.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Tọa lạc tại Phố 1, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Bảo tàng Điện Biên Phủ được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bảo tàng có năm khu trưng bày với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề: Vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ; Tập đoàn cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ; Đảng chuẩn bị đường lối chỉ đạo cho chiến dịch Điện Biên Phủ; Ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ; Điện Biên Phủ ngày nay.

Khi đến thăm Bảo tàng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh panorama lớn nhất thế giới “Trận chiến Điện Biên Phủ”. Bức tranh thể hiện tất cả giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ một cách sinh động và hấp dẫn.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ

Được đặt trên đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ – tỉnh Điện Biên, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ nằm ở vị trí trung tâm khu di tích, cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh. Cụm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là nhóm tượng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam từ trước đến nay. Tượng có chiều cao 12,6m được đúc bằng 217 tấn đồng, dựng trên bệ cao 3,6m và gồm 12 thớt, trong đó có những thớt nặng 40 tấn.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Đây cũng là điểm dừng chân không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến mảnh đất lịch sử anh hùng Điện Biên.

Đồi A1

Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi A1 nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, được coi là “cuống họng” bảo vệ phân khu trung tâm, trực tiếp bảo vệ căn hầm của tướng De Catries. Tên A1 là tên quân đội ta đặt cho ngọn đồi này, còn trước đây ngọn đồi này có những tên gọi khác nhau như Lạng Chượng, Eliane2.

Trên đỉnh đồi có căn hầm cố thủ, vốn là hầm rượu vang của tòa công sứ Pháp trước năm 1945. Sau khi nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, quân Pháp đã cho củng cố căn hầm ngầm thành một cứ điểm quân sự.

Trên đồi A1 vẫn vẹn nguyên dấu tích hố Bộc phá được tạo thành bởi 960kg thuốc nổ.

Hầm được chia thành hai ngăn, trong đó một ngăn là nơi làm việc của bộ phận thông tin điện đài. Hầm được làm bằng những vật liệu vô cùng chắc chắn bốn bên là tường gạch kiên cố, mái hầm được đổ những lớp bê tông dày, khi cần thiết có thể dùng làm nơi ẩn nấp cho hàng chục người.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đồi A1

Nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 (thành phố Điện Biên Phủ) không xa về phía nam, nằm đối diện Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đồi A1 được xây dựng năm 1958.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đồi A1 là nơi an nghỉ của 644 cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh anh dũng bảo vệ Tổ quốc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1994, nghĩa trang được tu bổ, quy hoạch và xây dựng thành một công trình lịch sử văn hóa, một nghĩa trang công viên với nhiều hạng mục. Bên trong khuôn viên là nhà quản trang được thiết kế theo kiểu ngôi nhà sàn đặc trưng của người Thái Điện Biên, lễ đài bên ngoài được thiết kế theo lối Khuê Văn Các hai bên là hai kiểu tường thành cổ với hai hào nước phía trước rộng 6m, bên ngoài tường thành là bức phù điêu đắp nổi tái hiện lại sự chiến đấu anh dũng của quân và dân ta và chín năm kháng chiến trường kỳ giành lại độc lập dân tộc.

Hầm De Castries

Được mệnh danh là căn hầm kiên cố nhất Đông Dương một thời, Căn hầm chỉ huy của tướng De Castries ở Điện Biên Phủ được thực dân Pháp xây dựng rất kỳ công, ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Hầm De Castries dài 20m và rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc của tướng De Castries và quân lính.

Hiện nay, cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Chung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, dưới chân núi Pú Đồn, cách trung tâm TP Điện Biên Phủ khoảng 40 km.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bên trong lán Ban tác chiến của Chiến dịch Điện Biên Phủ tại khu Sở Chỉ huy tại Mường Phăng.

Các công trình của Sở Chỉ huy được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, đảm bảo bí mật và an toàn tuyệt đối.

Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di tích có giá trị lịch sử như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy… Dù trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, hào hùng của lịch sử dân tộc.

Ngoài ra, du khách có thể tham quan, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng vào năm 2022.

Công trình được xây dựng nhằm mục đích đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ; giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ tiếp bước; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua việc thu hút người dân, du khách đến tham quan, du lịch.

Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được khởi công vào ngày 13/3/2021 – đúng ngày Kỷ niệm 67 năm Ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng trên di tích đồi F bởi đây là ngọn đồi lịch sử từng chứng kiến trận đánh ác liệt nhất của các chiến sĩ QĐND Việt Nam. Công trình Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ là công trình có kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, cảnh quan và tín ngưỡng truyền thống, là một điểm đến tâm linh rất linh thiêng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Phong Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/nhung-di-tich-lich-su-nhat-dinh-phai-den-khi-toi-dien-bien--i730298/