Những diễn biến mới nhất của thế giới trước căng thẳng Iran-Israel
Trước những diễn biến căng thẳng giữa Iran và Israel, nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, các quốc gia tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra lời kêu gọi các bên kiềm chế.
Trước những diễn biến căng thẳng giữa Iran và Israel, nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, các quốc gia, tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra lời kêu gọi các bên kiềm chế.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi các bên liên quan kiềm chế
Ngày 14/4, Tổng thống Iraq Abdel Latif Rashid đã kêu gọi giảm căng thẳng ở Trung Đông sau cuộc tấn công chưa từng có của Iran vào Israel, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn xung đột lan rộng.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong tuyên bố, ông Rashid cho rằng cần phải giải quyết cuộc xung đột ở Dải Gaza và tìm giải pháp cho vấn đề Palestine, vì đây là yếu tố cơ bản cho sự ổn định của khu vực.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian, trong đó ông Fidan nhấn mạnh Ankara không muốn căng thẳng leo thang hơn nữa trong khu vực.
Về phần mình, Ngoại trưởng Iran cho hay chiến dịch tấn công đáp trả của nước này nhằm vào Israel đã kết thúc, đồng thời khẳng định Tehran sẽ không phát động chiến dịch mới trừ phi bị tấn công.
Trong một động thái liên quan, Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 14/4 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước chiều hướng leo thang quân sự gần đây ở Trung Đông sau cuộc tấn công trực tiếp chưa từng có của Iran vào lãnh thổ Israel đêm 13/4.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng của tình trạng leo thang căng thẳng và kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa.
Tuyên bố của cơ quan này hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc can thiệp và ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao UAE ra tuyên bố nêu bật “mối quan ngại sâu sắc” trước những diễn biến gần đây và sự cần thiết phải ngăn chặn leo thang. UAE cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp đối thoại và ngoại giao, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Ngoài ra, Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jasem Mohamed Albudaiwi cũng khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ duy trì ổn định khu vực và toàn cầu, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai những nỗ lực ngoại giao chung để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ngày 14/4 bày tỏ hy vọng tình trạng căng thẳng giữa Iran và Israel sẽ không tiếp tục leo thang thành chiến tranh, đồng thời kêu gọi hai nước kiềm chế và duy trì hòa bình.
Phóng viên TTXVN tai Mexico City dẫn phát biểu của Tổng thống Obradro trên mạng xã hội X khẳng định chiến tranh là phi lý bởi sẽ không mang lại bất cứ lợi ích gì ngoài khổ đau và chết chóc, không chỉ đối với dân thường mà cả giới tài phiệt hay những nhóm hiếu chiến.
Tổng thống Obrador nhấn mạnh Chính phủ Mexico ủng hộ hòa bình và tình hữu nghị, đồng thời trích dẫn câu châm ngôn cho rằng chính trị, cũng như nhiều công cụ khác, được phát minh ra để tránh chiến tranh và mục tiêu này không nên bị lãng quên.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nam Phi ra tuyên bố bày tỏ “đặc biệt quan ngại” trước những diễn biến ở Trung Đông sau hành động trả đũa của Iran nhằm vào Israel.
Dẫn tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres liên quan đến “một mối nguy hiểm thực sự về sự leo thang tàn khốc trên toàn khu vực,” phía Nam Phi hối thúc tất cả các bên kiềm chế tối đa và tránh mọi hành động có thể làm leo thang căng thẳng ở một khu vực đặc biệt mong manh.
Đồng thời, Nam Phi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hành động để theo đuổi nền hòa bình bền vững và công bằng cho tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nam Phi cũng đề nghị phải triển khai lệnh ngừng bắn ngay lập tức và tiếp cận nhân đạo khẩn cấp ở Gaza, kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế.
EU ấn định thời gian thảo luận về tình hình Trung Đông
Trong một diễn biến khác có liên quan, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ngày 14/4 xác nhận ông đã triệu tập Ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU tham dự hội nghị trực tuyến bất thường vào ngày 16/4 để thảo luận về những diễn biến ở Trung Đông và góp phần hạ nhiệt leo thang xung đột trong khu vực.
Trên mạng xã hội X, ông Borrell nêu rõ: “Sau những cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel, tôi đã triệu tập hội nghị trực tuyến bất thường của Ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU vào ngày 16/4. Mục đích của chúng tôi là góp phần giảm leo thang và đảm bảo an ninh trong khu vực.”
Đồng quan điểm với ông Borlell, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên mạng xã hội: “Phải làm mọi việc để ngăn chặn tình hình khu vực tiếp tục leo thang. Phải tránh đổ máu thêm. Chúng tôi và các đối tác sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình.”
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề nghị tất cả các bên liên quan phải “kiềm chế leo thang thêm và nỗ lực khôi phục ổn định trong khu vực.”
Mỹ khẳng định không muốn chiến tranh với Iran
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn lời Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 14/4 tuyên bố Mỹ không muốn sa vào cuộc chiến với Iran.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình “State of the Union” trên kênh truyền hình CNN, khi được hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có ủng hộ chiến dịch đáp trả trực diện của Israel nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran hay không, ông Kirby quả quyết: “Như Tổng thống (Biden) đã nhiều lần tuyên bố, chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến lan rộng hơn trong khu vực. Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến với Iran.”
Trước đó, các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ dẫn thông tin từ giới chức Nhà Trắng xác nhận trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Biden đã khẳng định Mỹ sẽ không tham gia hoặc hỗ trợ bất kỳ chiến dịch tấn công nào của Israel nhằm vào Iran.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng khuyên ông Netanyahu “tính toán kỹ lưỡng” đối với lựa chọn tấn công trả đũa Iran. Đáp lại, phía Israel khẳng định “sẽ không tìm kiếm hành động leo thang nghiêm trọng với Iran."
Ai Cập, Nga nỗ lực ngoại giao giảm căng thẳng ở Trung Đông
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 14/4, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã tiến hành các nỗ lực ngoại giao thông qua các cuộc điện đàm với những người đồng cấp từ Mỹ, Iran và Israel nhằm giảm căng thẳng ngày càng gia tăng ở Trung Đông.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập, trong hai cuộc điện đàm riêng rẽ với Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và Ngoại trưởng Israel Katz, ông Shoukry nhấn mạnh mối đe dọa nghiêm trọng do sự leo thang quân sự đối với an ninh và ổn định khu vực.
Ông Shoukry bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Ai Cập trước sự leo thang quân sự chưa từng có giữa Iran và Israel, có nguy cơ khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, gây nguy hiểm cho sự ổn định khu vực và ảnh hưởng tới lợi ích của người dân các nước này.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập kêu gọi Iran và Israel kiềm chế tối đa và tránh các chính sách “bên miệng hố chiến tranh,” cũng như khiêu khích lẫn nhau có thể làm leo thang thêm căng thẳng và bất ổn ở Trung Đông.
Ông Shoukry cũng truyền đạt thông điệp tới cả hai quan chức Iran và Israel rằng Ai Cập sẵn sàng tăng cường nỗ lực phối hợp với các đối tác, nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay, vốn đang có xu hướng leo thang nguy hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Gaza.
Ngoài ra, ông kêu gọi hai nước củng cố và tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao, nhằm duy trì sự ổn định ở Trung Đông và đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.
Ngoài ra, ông Shoukry nhấn mạnh lập trường vững chắc của Ai Cập trong việc kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận viện trợ nhân đạo.
Ông Shoukry cũng nhấn mạnh Cairo bác bỏ bất kỳ hành động nào nhằm di dời người Palestine khỏi vùng đất của họ, bao gồm cả các hoạt động quân sự trên thực địa ở thành phố Rafah của Palestine.
Cùng ngày, ông Shoukry cũng có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, nhằm bàn về những diễn biến trong khu vực, đặc biệt liên quan đến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Iran nhằm vào Israel.
Ông Shoukry đã thông báo ngắn gọn cho người đồng cấp Mỹ về những kết quả liên lạc của Ai Cập với cả phía Iran và Israel, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng và ngăn chặn nó vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông Shoukry nói thêm việc mở rộng quy mô xung đột sẽ không phục vụ lợi ích của bên nào, mà chỉ mang lại thêm căng thẳng và bất ổn cho người dân trong khu vực.
Ông cũng nêu bật sự quan tâm của Ai Cập trong việc phối hợp chặt chẽ với Mỹ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Iran và Israel.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh cam kết của Ai Cập trong việc thực hiện mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận viện trợ nhân đạo.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian. Trong cuộc điện đàm, ông Lavrov cảnh báo chiều hướng tiếp tục leo thang và “những hành động khiêu khích nguy hiểm mới có nguy cơ làm gia tăng hơn nữa căng thẳng ở Trung Đông.”
Bộ Ngoại giao Nga dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ: “Ngăn chặn những tình huống như vậy và xóa bỏ căn nguyên chính dẫn tới những tình huống đó phải là vấn đề ưu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.”
Liên hợp quốc tìm cách tháo ngòi “thùng thuốc súng” Trung Đông
Theo phóng viên TTXVN tại New York, chiều 14/4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel hôm 13/3.
Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng Trung Đông đang ở bên bờ vực nguy hiểm. Người dân trong khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ xung đột toàn diện và hiện giờ là thời điểm để xuống thang, giảm căng thẳng và kiềm chế tối đa.
Ông Guterres nhắc lại tuyên bố trước đó bày tỏ lo ngại về vụ tấn công quy mô lớn từ Iran nhắm vào Israel, đồng thời kêu gọi các bên “lập tức chấm dứt hành động thù địch.”
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi các bên liên quan tôn trọng tuyệt đối sự an toàn của các cơ sở và nhân viên ngoại giao, lãnh sự trong mọi tình huống.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng vấn đề cấp thiết trong thời điểm hiện nay là tránh mọi hành động có thể dẫn tới đối đầu quân sự quy mô lớn, trên nhiều mặt trận khác nhau ở Trung Đông. Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm, nghĩa vụ chung trong tiến trình can dự chủ động với tất cả các bên liên quan để ngăn chặn căng thẳng leo thang.
Phiên họp khẩn được thực hiện theo thư yêu cầu Israel gửi tới Chủ tịch Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên hợp quốc ngày 13/3. Trong thư, Israel mô tả cuộc tấn công của Iran vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, Phái đoàn thường trực Iran tại Liên hợp quốc cũng gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng Bảo an nêu rõ vụ tấn công Israel là cách Iran thực thi quyền tự vệ chính đáng, viện dẫn Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc.
Nhật Bản, Pháp, Hà Lan khuyến cáo công dân không đến Iran và Israel
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tối 14/4 đã phát đi thông báo khuyến cáo công dân nước này không nên đến Iran.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã kêu gọi công dân nước này đang ở Iran cân nhắc rời đi khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động. Công dân Nhật Bản ở Iran cũng được khuyến nghị cập nhật thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và chú ý đảm bảo an toàn cho bản thân.
Theo hãng tin Kyodo, tính đến cuối ngày 14/4 vẫn chưa ghi nhận có thông tin nào về việc có công dân Nhật Bản bị thương vong trong vụ tấn công của Iran vào Israel đêm 13/4.
Cũng trong ngày 14/4, Đại sứ quán Pháp tại Tehran khuyến cáo công dân nước này nên tạm thời rời khỏi Iran do căng thẳng trong khu vực tăng cao. Tuyên bố của Đại sứ quán Pháp tại Tehran nêu rõ: "Công dân Pháp ở Iran hãy tạm thời rời khỏi đất nước này."
Trong khi đó, Chính phủ Hà Lan khuyến cáo công dân không đến Israel do tình hình an ninh bất ổn sau vụ tấn công của Iran./.