Những đoạn văn nghị luận xã hội lớp 12 được tuyển chọn hay nhất

Tuyển tập các đoạn văn nghị luận xã hội lớp 12 gồm nhiều đề thi nghị luận xã hội hay và bài làm tham khảo. Tài liệu được sưu tầm và đăng tải, với hy vọng các bạn học sinh lớp 12 ôn tập và chuẩn bị tốt nhất cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Mục lục

Đề 1: Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về Sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ
Đề 2: Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về lòng đố kỵ của con người
Đề 3: Viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề Đời người là cuộc hành trình vượt qua những thử thách
Đề 4: Viết đoạn văn ngắn trình bày quan điểm của em về ý nghĩa việc giữ gìn những phong tục tốt đẹp trong ngày Tết
Đề 5: Hãy viết một đoạn văn suy nghĩ về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh than vãn của con người
Đề 6: Hãy viết đoạn văn suy nghĩ về cách vượt qua áp lực trong cuộc sống
Đề 7: Anh/Chị hãy viết đoạn văn ngắn nói lên suy nghĩ về vai trò của tinh thần cầu tiến

Đề 1: Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về Sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Từ bao đời nay, cha mẹ luôn là những người có công lao to lớn trong việc sinh thành nuôi dưỡng con cái nên người. Bổn phận làm con như chúng ta sống cần có sự thấu hiểu đối với cha mẹ để cuộc sống thêm tràn ngập tình yêu thương hơn. Sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ là việc mỗi người con đặt mình vào vị trí của cha mẹ, hiểu cho cha mẹ, không cãi lời cha mẹ, nghe theo những lời khuyên bảo, chỉ dạy có ích của cha mẹ để hoàn thiện bản thân cũng như yêu thương cha mẹ nhiều hơn. Sự thấu hiểu nói chung và sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ nói riêng bao đời nay đều rất quan trọng và làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, văn minh hơn, tình cảm hơn. Cha mẹ mỗi người chỉ có một, ta không thể tìm người thay thế được cha mẹ mình trong cuộc sống. Cha mẹ cũng là người hết mực yêu thương ta, mang đến cho ta những điều tốt đẹp nhất, nuôi nấng ta, dạy dỗ ta nên người, chăm sóc ta từng miếng ăn giấc ngủ, cho đi mà không đòi hỏi đền đáp lại. Chính vì thế, việc thấu hiểu, biết ơn, yêu thương, trân trọng cha mẹ là những việc mà những người con chúng ta phải làm đối với cha mẹ. Khi con cái thấu hiểu cho cha mẹ sẽ khiến ta có những hành động thiết thực giúp đỡ cha mẹ, làm cho đời sống gia đình thêm hạnh phúc, viên mãn hơn. Thấu hiểu làm con người gắn kết hơn, trong gia đình nếu không có sự thấu hiểu sẽ mất đi liên kết, mọi người chỉ chú tâm vào bản thân mình mà không quan tâm, chăm lo cho người khác; gia đình ấy sẽ càng nguội lạnh đi và dần xa cách nhau. Là người học sinh - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước cũng là những người con trong gia đình, chúng ta cần có trách nhiệm thấu hiểu cho cha mẹ, yêu thương cha mẹ, nỗ lực giúp đỡ cha mẹ những công việc trong gia đình trong khả năng của mình; đoàn kết, đùm bọc các anh chị em của mình để cha mẹ được vui lòng. Gia đình có hạnh phúc hay không phụ thuộc vào con người, mỗi ngày chúng ta hãy cố gắng nhiều hơn một chút, vun đắp nhiều hơn một chút thì gia đình sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc và xã hội cũng từ đó trở nên tốt đẹp, văn minh hơn.

Đề 2: Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về lòng đố kỵ của con người

Mỗi chúng ta không phải đều được tạo nên từ những phần tươi đẹp, có những góc tối u ám mà mỗi người luôn cố gắng khắc phục. Và có lẽ, hai chữ “đố kỵ” là điều mà không ai mong muốn nhưng nó lại luôn hiện hữu mạnh mẽ trong ta. Trong bức thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học, ông đã viết “Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ”. Dù bức thư đã được viết hơn 200 năm trước nhưng dường như lời nhắn gửi của ông vẫn còn vẹn nguyên giá trị. “Đố kỵ” là một thói xấu phổ biến trong xã hội. Đó là cảm giác ghen ghét, hậm hực, uất ức trước sự thành công, trước sự uy việt hoặc trước uy tín của người khác. Nhà văn Tạ Duy Anh đã nói “thói ghen tị là một thuộc tính của con người – luôn luôn ẩn náu trong chúng ta và luôn luôn chờ thời cơ để nhảy bổ vào chi phối những suy nghĩ, ứng xử, hành động của ta…cái con rắn ghen tức, đố kị sẽ tìm cách khuất phục lý trí để ngóc đầu dậy tác oai tác quái”. Như vậy, tổng thống Lincoln không chỉ muốn nhắn gửi đến sự giáo dục – hãy dạy trẻ em tránh xa góc tối đố kỵ đó mà còn hướng đến tất cả mọi người, chúng ta cần chung tay để loại bỏ nó. Sự đố kỵ bắt nguồn từ đâu? Nó sẽ xuất hiện khi ta thấy xấu hổ bởi không thành công hay có được điều gì đó như những người khác. Nó cũng len lỏi khi ta muốn sở hữu thành công, danh vọng,…nhưng lại không chịu cố gắng, không học tập. Đã biết bao câu chuyện về sự đố kỵ. Trong truyện cổ tích “Sọ Dừa”, hai cô chị vì ghen ghét, đố kỵ với em lấy được Sọ Dừa – khi chàng đã trở nên khôi ngô mà hãm hại chính em gái ruột của mình. Nhưng rồi chính họ lại phải gánh chịu hậu quả. Hay như sự việc, một loạt những “anh hùng bàn phím” đã ra sức để chỉ trích, bôi nhọ MC Phan Anh khi anh có được sự tin cậy của đông đảo người dân để đóng góp vào quỹ từ thiện của mình. Đố kỵ gây ra vô vàn những hậu quả. Đối với cá nhân, nó làm thui chột những tình cảm tốt đẹp, nhiều mối quan hệ thiêng liêng, làm cho con người trở nên nhạt nhẽo, tầm thường, thậm chí độc ác, ích kỉ. Đối với xã hội, nó kìm hãm tài năng, cản trở phát triển hay kéo lùi sự phát triển của lịch sử. Trong quá trình học tập và rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của mình, chúng ta phải dũng cảm, phải kiên quyết loại bỏ thói ghen tị “Đừng để cho con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim” (Ét-môn-đô A-mi-xi). Thay vì ghen ghét, hãy coi thành công của người khác là tấm gương để chúng ta học tập, noi theo, phấn đấu. Cuộc sống sẽ rạng rỡ, tươi đẹp hơn nếu không còn sự hiện hữu của “đố kỵ”.

Đề 3: Viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề "Đời người là cuộc hành trình vượt qua những thử thách"

Đời người là hành trình vượt qua những thử thách. Thật vậy! Cuộc sống luôn có những thử thách ập đến bất ngờ khiến ta không lường trước được và những lúc như thế chúng ta cần mạnh mẽ, dũng cảm để vượt qua nó. Thử thách ở đây có nghĩa là gì? Nghĩa là những biến cố trong cuộc sống, khó khăn trong con đường học tập hay vấp ngã trên con đường đi đến thành công. Lúc nhỏ, để biết bò, biết đi chúng ta phải vất vả tập luyện rất nhiều, vượt qua sau bao lần vấp ngã đau đớn, lớn lên ta phải chịu đựng áp lực trên con đường học vấn, luôn nỗ lực cố gắng hết mình để sau này có một cuộc sống ấm no, chăm lo tốt cho gia đình. Về già chúng ta phải chịu đựng bệnh tật, ngày ngày chăm lo cho con cháu mong muốn chúng có một cuộc đời tốt đẹp. Không ai đi đến thành công mà không có khó khăn thử thách, cũng chẳng ai mãi bước ung dung, không có lo âu trên đường đời. Vì thế mỗi khi gặp khó khăn vất vả chúng ta hãy mạnh mẽ vững bước vượt qua bởi “thất bại là mẹ thành công”, đời người là hành trình vượt qua gian khổ.

Đề 4: Viết đoạn văn ngắn trình bày quan điểm của em về ý nghĩa việc giữ gìn những phong tục tốt đẹp trong ngày Tết

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại có một nét đẹp văn hóa khác nhau, là công dân của một nước, chúng ta cần có ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy những nét đẹp đó. Một trong những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam chính là ngày tết cổ truyền. Ngày Tết cổ truyền là ngày các thành viên trong gia đình tụ họp bên nhau sau một năm dài làm ăn, xa cách. Trong ngày Tết mọi người thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, bên cạnh đó còn là tục đi chùa xin lộc, cầu bình an, may mắn cho một năm tới. Ngày Tết cổ truyền từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam, là một phần không thể thiếu của cuộc sống, con người Việt Nam ta đi đến đâu cũng luôn nghĩ về ngày Tết, về truyền thống văn hóa này. Ngày tết người ta thường chúc nhau những lời chúc mừng, những điều may mắn nhất để có một năm mới thêm hạnh phúc, bình an và phát đạt hơn. Ngày tết cổ truyền gắn liền với mâm cỗ, với các món ăn truyền thống và với tục thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh việc tụ họp bên nhau thì ba ngày tết còn là thời gian con người du xuân, đi lễ chùa, du ngoạn, thưởng thức vẻ đẹp cuộc sống. Ngày tết cổ truyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng và to lớn đối với con người Việt Nam: Ngày tết như một nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam, mỗi năm đến tết con người lại háo hức, nô nức chuẩn bị để có một cái tết trọn vẹn. Ngày tết cũng là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của mọi người sau một năm làm việc vất vả. Ngày tết gắn kết con người lại với nhau khiến cho tình cảm gia đình thêm bền chặt. Mỗi chúng ta dù hằng năm có làm ăn đâu xa, bận bịu trăm nghìn công việc cũng nên dành khoảng thời gian ngày tết bên gia đình, bạn bè, người thân để cùng nhau trò chuyện, chia sẻ, có như vậy, cuộc sống không chỉ tươi đẹp hơn mà ngày tết cũng vẹn tròn hơn.

Đề 5: Hãy viết một đoạn văn suy nghĩ về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh than vãn của con người

Than vãn là thói quen của nhiều người. Nhưng để giải quyết tình trạng than vãn, than thở ấy, chúng ta cần phải tìm được nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Than vãn được hiểu là tình trạng chúng ta liên tục kêu ca trước một vấn đề nào đó xảy đến trong cuộc sống của bản thân. Nguyên nhân của tình trạng than vãn đó là vì chúng ta có nhu cầu giải tỏa cảm xúc. Chúng ta gặp phải những việc không tốt nên ta sẽ có xu hướng là được bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm bên trong của mình. Thêm vào đó, thói quen này còn xảy đến vì con người thường có xu hướng ỷ lại, muốn nhận được sự đồng cảm, muốn người khác hiểu cho mình. Than vãn xảy đến như một sự vô thức khi chúng ta gặp phải những khó khăn, bất hạnh. Về lâu dài, nhiều người than vãn không vì giải tỏa tâm trạng nữa. Họ than vãn vì muốn người khác phải thông cảm, phải hiểu cho họ. Đây chính là những việc làm, những hành vì mang tính trông chờ, mong đợi người khác phải giúp đỡ mình.

Đề 6: Hãy viết đoạn văn suy nghĩ về cách vượt qua áp lực trong cuộc sống

Tôi tự hỏi liệu loài chim có thể bay, nếu chúng không rời tổ và tập vỗ cánh bay đi? Liệu cây có còn xanh, nếu nó không dám vươn mình qua tầng đất dày để đón ánh mặt trời? Và liệu con người có trưởng thành, nếu như không dám đối mặt và vượt qua áp lực ? Áp lực chính những điều tiêu cực quẩn quanh trong cuộc sống của chúng ta, đó là những cảm xúc ta luôn tìm cách trốn trách và bao biện thay vì tìm cách giải quyết nó, đặc biệt là lớp trẻ ngày nay. Đúng là chẳng mấy ai dám đứng lên tự tin dõng dạc tuyên bố rằng mình chẳng sợ mà cũng chẳng có điểm yếu gì để che giấu. Thế nhưng, cuộc sống thì muôn màu, con người lại muôn vẻ, thế nên chỉ khi ta dám đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân thì đó mới là lúc ta dám đối diện với con người thực tại của chính mình. Để rồi ta mới biết " có áp lực mới tạo ra kim cương ", có sợ hãi mới dám đương đầu vượt qua, dám nghĩ dám làm để thúc đẩy bản thân tiến lên, vượt qua "ngọn núi" của chính mình. Bởi lẽ, "đời người không có hoàn mỹ, chỉ có hoàn thiện", vì vậy, thay vì trốn tránh nỗi sợ tại sao ta không dũng cảm đối diện để hoàn thiện bản thân, tại sao lại sợ sệt trong khi biết sợ là còn biết bản thân mình đang thiếu sót để cố gắng, nỗ lực hơn nữa? . Cũng giống như nữ xạ thủ Phí Thanh Thảo - "viên ngọc sáng" trong kỳ Sea Games 31, đằng sau tinh thần tự tin mạnh mẽ, góc khuất của những huy chương vàng chói rọi là những nỗi sợ hãi không tên dồn dập như những ngọn sóng lớn. Thế nhưng, cô gái trẻ sinh năm 2004 ấy đã vượt qua nỗi sợ của chính mình để mang lại vinh quang, làm đẹp thêm cho lá cờ đỏ sao vàng quê hương. Ấy thế mà, bên cạnh những "bông hoa" làm thơm thảo cho đời ấy, vẫn tồn tại một lớp người lại sống bi quan trước cuộc đời, tù túng trong cách nghĩ, yếu ớt trước hành động và gục ngã trước nỗi sợ để rồi bỏ mặc số phận bị đại dương sâu thẳm nhấn chìm. Vì thế nên, "đừng đợi rồi quật xuống người mình rồi mới biết nỗ lực chăm chỉ", chúng ta phải biết sống sao cho đẹp, cho đáng với đời, đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân để thắp sáng lên tương lai của chính mình và xã hội.

Đề 7: Anh/Chị hãy viết đoạn văn ngắn nói lên suy nghĩ về vai trò của tinh thần cầu tiến

Cầu tiến là tinh thần luôn luôn muốn học hỏi để bản thân mình hoàn thiện và tiến bộ hơn. Thái độ cầu tiến được biểu hiện trước hết ở việc biết lắng nghe những lời đánh giá nhận xét hay góp ý từ mọi người xung quanh, bạn phải luôn công nhận sự thật và nhận thức được rằng mình làm đúng hay sai để sửa chữa hoặc thay đổi. Người có tư duy cầu tiến là luôn chưa hài lòng với những gì mình có mà họ luôn có ý chí vươn lên, học hỏi và trau dồi kiến thức, họ không bao giờ muốn sống dựa dẫm vào người khác, họ luôn mang trong mình tinh thần trách nhiệm. Thái độ sống chủ động đó sẽ giúp bạn gặp được nhiều người tài giỏi, học được nhiều bài học quý báu. Ngược lại, người mà luôn ỷ lại vào người khác, chỉ biết than phiền khi gặp khó khăn thì có lẽ sẽ chỉ mãi sống sau cái bóng của người khác, không tạo lên được giá trị của bản thân và sự nghiệp cũng không phát triển được. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy chăm chỉ học tập, tích cực rèn luyện để có thể trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh.

Hùng Cường

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nhung-doan-van-nghi-luan-xa-hoi-lop-12-duoc-tuyen-chon-hay-nhat-200636.html