Những giọt máu hồng - kho báu tình người

Sau khi cuộc sống đã trở lại trạng thái bình thường mới, ngay lập tức những đơn vị truyền máu huyết học tại các bệnh viện lên đường đến các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động hiến máu tình nguyện. Hiểu được ý nghĩa của hoạt động này, đông đảo người dân đã có mặt, tiếp sức, qua đó bổ sung nguồn máu dự trữ và kịp thời cứu chữa nhiều người bệnh đang chờ máu.

Hiến máu nhân đạo đã trở thành phong trào mang ý nghĩa nhân văn, thu hút nhiều người tham gia

Hiến máu nhân đạo đã trở thành phong trào mang ý nghĩa nhân văn, thu hút nhiều người tham gia

Mỗi giọt máu cho đi…

Chỉ trong tháng 10-2021, Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh đã tổ chức 6 đợt hiến máu tại các huyện, thị xã, thành phố. Tham gia hiến máu, có người mới lần đầu nhưng cũng có những người là gương mặt quen thuộc đối với hoạt động này.

Anh Trần Hoàng Vũ ở xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú đã 40 lần hiến máu. Chính vì vậy, khi nghe có chương trình hiến máu ở huyện, anh và các thành viên trong gia đình đã nhanh chóng có mặt và làm thủ tục theo quy định.

Không chỉ tích cực hiến máu, anh còn vận động người thân, hàng xóm cùng tham gia hoạt động này. Chính vì vậy, mỗi lần đi hiến máu ngoài anh còn có cả vợ, em trai đi cùng. Khi được mọi người hiểu và đồng hành, anh cảm thấy mình đã làm được việc có ý nghĩa. “Có nhiều thông tin nói rằng hiến máu sẽ dẫn đến bệnh tật… nhưng các thành viên trong gia đình tôi, hàng xóm chưa thấy có vấn đề gì, thậm chí sau hiến máu sức khỏe còn tốt hơn. Tôi không có của cải vật chất, chỉ có sức khỏe tốt, cũng mong được đóng góp một chút vào việc cứu người” - anh Vũ chia sẻ thêm.

Bản thân tôi hiến lượng máu 350ml là không lớn nhưng với người đang cần máu thì phần đóng góp của mình sẽ kịp thời giúp họ vượt qua giai đoạn nguy kịch. Tôi nghĩ vậy nên còn khỏe là còn hiến máu để kịp thời cứu người.

Anh TRẦN HOÀNG VŨ, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú

Không chỉ với người trẻ, hiến máu nhân đạo bây giờ đã trở thành hoạt động thường xuyên của nhiều người, thậm chí với người đã có tuổi, như trường hợp bà Hồ Thị Y ở xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú. Năm nay đã 52 tuổi, thế nhưng bà luôn có mặt trong các buổi hiến máu ở huyện Đồng Phú. Khác với lo lắng của nhiều người, việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe của bà, thậm chí bà Y còn cho rằng đó cũng là cách để bà “cứu” người và “cứu” mình.

Là người đi vận động người dân hiến máu, bà Y thường xuyên tìm hiểu các kiến thức liên quan đến việc hình thành cũng như ý nghĩa, vai trò của từng nhóm máu. Có nhiều người sau khi được bà tư vấn thì xác định chỉ đi hiến máu 1 lần cho biết, nhưng sau đó cảm thấy sức khỏe vẫn tốt nên hiến máu đợt 2, đợt 3 và có người đã vận động cả gia đình cùng đi. “350ml máu của mình, bệnh viện sẽ trữ trong kho 5, 10 ngày hay 5 tháng, 10 tháng cũng được chứ người bệnh đang nguy kịch thì rất khó để chờ máu. Mình cho máu dù dùng ngay hay để trong kho đều tốt cả, không mất đi đâu” - bà Y phân tích.

… Một cuộc đời ở lại

Thực tế cho thấy, từ phong trào hiến máu tình nguyện đã có nhiều cuộc đời kịp thời được cứu giúp, vượt qua cửa tử trở về cuộc sống bình thường. Ông Nguyễn Văn Bình ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú là một trường hợp như thế. Trong cơn nguy kịch của bệnh tim, ông được bệnh viện yêu cầu phẫu thuật tim gấp để cứu tính mạng. Ông Bình nhớ lại: Năm 2015, cảm thấy trong người khó chịu, đi khám thì các bác sĩ Viện Tim TP. Hồ Chí Minh yêu cầu phẫu thuật gấp và bác sĩ nói người phải tiếp máu nhưng không đủ. Biết được hoàn cảnh của tôi, các thành viên Hội Chữ thập đỏ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú đã có mặt và kịp thời hỗ trợ 4 đơn vị máu để tôi vượt qua ca phẫu thuật. Sau phẫu thuật tim, dù sức khỏe yếu đi nhưng tính mạng an toàn, nay tôi đã ổn định trở lại.

Nói về ý nghĩa của phong trào hiến máu nhân đạo, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Lê Đại, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Ngoài nguồn máu dự trữ trong kho, khi có những trường hợp đột xuất, bệnh viện luôn nhận được sự đồng hành và ủng hộ của người dân. Bởi từ các thông tin đại chúng, người dân đã thực sự hiểu được ý nghĩa của phong trào này.

Máu là một sản phẩm đặc biệt mà trên thế giới hiện không có sản phẩm nào thay thế được. Những trường hợp khẩn cấp, cấp cứu ở bệnh viện nếu không có máu thì bệnh nhân sẽ bị đe dọa đến tính mạng vì không có phương pháp nào thay thế được. Máu là một sản phẩm mà phải tự tấm lòng của người lành dành cho người bệnh. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong sẽ có nhiều tấm lòng sẵn sàng hiến những giọt máu của mình để cứu sống bệnh nhân.

Bác sĩ chuyên khoa II NGÔ LÊ ĐẠI, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh

350ml máu từ 1 người hiến tặng không quá nhiều, thế nhưng “góp gió thành bão”, đông đảo người dân tham gia hiến máu đã nhân lên hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đơn vị máu, kịp thời cứu sống nhiều mảnh đời, hoàn cảnh ngặt nghèo. “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, câu nói này đã thể hiện một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống “tương thân thương ái”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, là hành động giúp đỡ người bệnh đang cần những giọt máu quý giá để duy trì sự sống. Phong trào “Hiến máu nhân đạo” đang dần trở thành lối sống hết sức cao đẹp của người Việt Nam, được cả xã hội tôn vinh và ghi nhận, thể hiện sự yêu thương, san sẻ giữa con người với nhau.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/127975/nhung-giot-mau-hong-kho-bau-tinh-nguoi