Những góc đời riêng lạ của 'ông già Nam bộ' Sơn Nam

Kỷ niệm 15 năm ngày mất của cố nhà văn Sơn Nam (2008-2023), mới đây NXB Trẻ đã cho ra mắt tác phẩm 'Những góc đời riêng lạ', gồm tập hợp bài viết của các cá nhân có sự gắn bó đặc biệt với 'ông già Nam bộ'.

Đó là ký ức về thời thơ ấu của con gái ông – bà Đào Thúy Hằng, với một người cha bình dị và đầy yêu thương. Ngoài ra nhà báo – nhà văn Võ Đắc Danh, Phạm Sỹ Sáu cũng nói nhiều hơn về quá trình biên tập và cho ra mắt các tác phẩm của cố nhà văn tại NXB Trẻ.

Dịch giả - tác giả Lý Lan thì góp chuỗi bài Lần theo Hương rừng Cà Mau, đi tìm “nút giao” giữa biên giới văn chương và nguồn cảm hứng từ nơi chốn thật. Nhà báo Lam Điền, nhà văn Ngô Khắc Tài, Nguyễn Trọng Chức cũng sẽ lấp đầy với những ký ức và quãng thời gian có dịp tiếp xúc trực tiếp với ông.

Bìa sách Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ. Ảnh: NXB Trẻ

Sau ánh hào quang

Cuốn sách bắt nguồn từ những bài viết của bà Hằng trên mạng xã hội dành cho cha mình vào những dịp giỗ. Như bà chia sẻ, khi đọc được những dòng đầy thân thương ấy, NXB Trẻ đã quyết định tổng hợp và giới thiệu thành một tập sách đặc biệt. Qua những góc nhìn và những trải nghiệm của các tác giả, một nhà văn lớn đã được tái hiện sống động, chân thật bên cạnh sự giản dị, khiêm nhường mà ta dễ cảm nhận được trong các tác phẩm của ông.

Ở phần đầu tiên, bà Hằng đã tái hiện lại những mẩu ký ức từ thuở ấu thời tới khi bà đã trưởng thành. Tại đây ta sẽ thấy một Sơn Nam ở tuổi thiếu thời chất phác, đơn sơ. Đơn cử trong bài Gặp duyên cũng kết, bà đã kể lại cuộc gặp và rồi nên duyên của ba má mình. Ở đó có một Sơn Nam lùa thùa, không để ý ăn mặc, đã mang kiếng cận mà có lúc nực nội, ông sẽ cạo trọc đầu cho mát. Ngoài ông thì còn một thanh niên dáng hình cao ráo, đẹp trai, con nhà có điều kiện cũng để mắt đến người cô giáo tài hoa chính là mẹ bà.

May thay mẹ bà vốn trọng người tài, nên sau hai năm “thử thách”, cuối cùng một gia đình nhỏ cũng được xây dựng. Đối với cô con cái, ông luôn yêu thương và dành cho những tình cảm đặc biệt. Với mức lương ký giả tại Sài Gòn, ông đã xoay xở để gửi về nhà một ngàn đồng mỗi tháng, cũng như những món phục sức, đồ chơi… mà vùng thôn quê vốn chưa ai có.

Bà Hằng viết: “Những món đồ ông già đem về cho tụi tôi mua thì ít mà toàn là trả góp! Cuộc đời ông già gắn liền với chữ xin đồ cũ, vay, mượn và trả góp”. Bà kể cũng thường được ba mang đi khắp xóm, ở đó ông phụ xay lúa, giã gạo và rồi “ăn ké” nhiệt tình. Bà cũng cho rằng chính những lần đó là nguồn tư liệu quý cho Hương rừng Cà Mau sau này.

Đọc lại những ký ức này, lạ là ta không hề thấy một sự chua chát hay là cay đắng. Ngay cả trong việc ông có thêm một gia đình nữa ở Sài Gòn hay cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Sài Gòn rộng lớn giữa người cha suốt ngày lang bạt và người mẹ tìm tương lai tốt cho con cái mình, thì đó đều là hồi ức về một người cha tận tụy, cố gắng chăm lo cho gia đình nhỏ giữa một thời đại không hề dễ dàng.

Từ phải qua: Nhà báo Lam Điền, vợ chồng bà Đào Thúy Hằng - con gái và là người đứng sau Ngôi nhà lưu niệm Sơn Nam, tại buổi Tọa đàm về nhà văn Sơn Nam. Ảnh: NXB Trẻ

Từ phải qua: Nhà báo Lam Điền, vợ chồng bà Đào Thúy Hằng - con gái và là người đứng sau Ngôi nhà lưu niệm Sơn Nam, tại buổi Tọa đàm về nhà văn Sơn Nam. Ảnh: NXB Trẻ

Cũng như ký ức gia đình, các biên tập viên đã từng làm việc với ông cũng kể lại những ký ức cho thấy một con người lớn của thời đại. Tác giả Phạm Sỹ Sáu qua hai bài viết về quá trình biên tập Hương rừng Cà Mau đã cho thấy ông là người kỹ càng trong những trang viết, trong “cách ông tận dụng các khoảng trắng trong trang đánh máy với những chú thích viết tay chằng chịt tưởng rất lung tung nhưng cực kỳ hợp lý, làm cho người biên tập dễ dàng nhận ra những điểm nhấn mà tác giả cố ý cho người đọc dễ nhận biết và tiếp thu”.

Tính cách khiêm nhường và rộng rãi của ông cũng được kể lại qua những trang viết của nhà văn Võ Đắc Danh, Nguyễn Trọng Chức. Ở đó ta thấy có một “nhà văn làm kinh tế”, nhưng sau tất cả nhuận bút mà ông kiếm được đều được sử dụng cho những mục đích cao quý.

Sơn Nam có thể là người chi li trong việc tiền bạc, nhưng gặp chuyện cần thì ông không ngại ngần chi một cách hào phóng. Nhờ đó mà người giữ đền có thêm động lực, các thầy giáo ở vùng miệt xứ thấy được ủi an còn những trẻ nhỏ có được cơ hội cất bước đến trường…

Và tuy là một nhà văn đã có tên tuổi, thế nhưng ông luôn ủng hộ những cây viết trẻ. Như tác giả Ngô Khắc Tài kể lại, một khi ông đọc báo thấy dưới tỉnh có ai coi bộ viết được, chẳng đợi ai tìm tới mình thì ông sẽ tự động tìm đến nhà. Đây có thể nói là đặc điểm của ông mà các nhà văn lớn khác không được vậy.

Đối với bạn văn ông cũng không hề toan tính, mà lại phóng khoáng. Còn với những người lao động, những sinh viên trẻ, ông không tiếc gì để giúp đỡ họ. Qua đó chân dung cá nhân của một con người đã được thể hiện ẩn sau hào quang đến từ văn nghiệp.

Nhà văn Nguyễn Trọng Chức (phải) và nhà văn Ngô Khắc Tài (trái) tại buổi Tọa đàm về nhà văn Sơn Nam. Ảnh: NXB Trẻ

Nhà văn Nguyễn Trọng Chức (phải) và nhà văn Ngô Khắc Tài (trái) tại buổi Tọa đàm về nhà văn Sơn Nam. Ảnh: NXB Trẻ

Tiếp nối Hương rừng Cà Mau

Những góc đời riêng lạ cũng là một dịp hiếm hoi mà các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam được đặt dưới nhãn quan phê bình văn chương. Trong chuỗi bài Lần theo Hương rừng Cà Mau, nhà văn Lý Lan đã cho ta thấy những góc nhìn mới của cố nhà văn khi soi nó dưới những chủ điểm như lưu dân, lạc địa, giạt ra rìa, đa chủng tộc hay lưu văn hóa. Tuy Sơn Nam thường nói mình viết theo nguồn cảm hứng, thế nhưng chính sự tách bạch này đã làm rõ thêm một góc nhìn khác về vị nhà văn, tách bạch tiểu sử của người tác giả với các giá trị tự thân của tác phẩm.

Trong việc truy tìm nguồn gốc cái tên Rạch Giá, tìm lại nét văn hóa xưa mà đã có lần xuất hiện trong truyện Chiếc ghe “ngo” hay các truyện ngắn đã quá nổi tiếng về bắt sấu, chiến đấu với cọp, với rắn… nhà văn Lý Lan cũng cho ta thấy hóa ra nhà văn Sơn Nam đi trước rất lâu trong các trào lưu văn học xanh hay văn học sinh thái của toàn thế giới. Bằng sự hòa nhập cùng với tự nhiên và các khái niệm cấp tiến về chia sẻ môi trường sống vẫn còn giá trị cho đến hiện nay.

Đồng hành cùng chuỗi bài này, ta sẽ tìm thấy một sự phản chiếu giữa cuộc đời ông với những tác phẩm từng được viết ra. Chẳng hạn ta sẽ chẳng ngờ có nhiều truyện ngắn vốn dĩ đến từ trải nghiệm của bản thân ông, khi bà Hằng kể rằng lúc chừng 12 tuổi khi Tây “ruồng bố”, thì Sơn Nam đã từng trở thành thông ngôn đứng giữa dân làng cũng như quân Pháp. Ngay cả chi tiết làm bộ nói vòng vo rồi kêu đau bụng, trốn về nhà cũng đến từ chính những gì ông đã trải qua, sau này mới xuất hiện lại trong tập Hương rừng Cà Mau.

Qua đây độc giả cũng được biết rằng hóa ra việc viết về rừng U Minh vốn dĩ bắt nguồn từ một lời khuyên của Bình Nguyên Lộc. Theo đó ông từng khuyên Sơn Nam rằng “tôi thấy Sài Gòn bây giờ khá đông dân nhập cư từ miền Tây, hay là ông viết những chuyện xứ ông, chắc sẽ có nhiều người đọc” từ đó các tác phẩm này trở nên thu hút nhiều lớp độc giả. Tuy lúc sinh thời Sơn Nam không biết đi phương tiện nào ngoại trừ đi bộ, thế nhưng đúng như cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhận xét, chính việc đi bộ giúp ông “nghe cuộc sống gần hơn, chi tiết hơn và sinh động hơn”.

Nhà lưu niệm Sơn Nam (ấp 4, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Báo Long An

Nhà lưu niệm Sơn Nam (ấp 4, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Báo Long An

Lúc còn khỏe mạnh thì cứ 6 tháng Sơn Nam lại đi rong khắp Nam bộ như cách sau này gọi là “xâm nhập thực tế”, “đi điền dã” còn 6 tháng ông vào thư viện, văn khố tìm kiếm, tra cứu, như con tằm nhả ra sợi tơ óng ánh mà nhiều thế hệ sau sẽ vẫn phải đọc nếu muốn hiểu về xứ sở này. Ở mỗi vùng đất ông sẽ tìm kiếm và nhìn những nơi mình đã đi qua một cách sâu sắc, như một so sánh giữa ông với nhân vật chính Zadig của đại văn hào Voltaire.

Với các truyện ngắn nói về văn hóa của nhiều vùng đất, có thể thấy rằng sâu thẳm trong văn chương ông là lòng yêu nước vô cùng nồng nàn, như thứ ông từng định nghĩa: “Yêu nước là yêu cây cỏ sản vật con người lao động quê xứ mình, nói chung là yêu văn hóa và thổ nhưỡng xứ mình, giữ nước là giữ cái đó”. Ở đó, trong từng bước chân của “ông già Nam bộ”, ta sẽ thấy lại vùng đất vô cùng đa dạng cũng như phong phú về mặt bản sắc, và ông cũng chính là người đã lưu giữ chúng.

Thông qua Nhà văn Sơn Nam – Những góc đời riêng lạ, độc giả đã có cơ hội được biết nhiều hơn về một Sơn Nam ngoài những truyện ngắn của Hương rừng Cà Mau hay những biên khảo ấn tượng về miền Nam bộ. Ở đó có người cha hết lòng yêu thương con cái và cũng là một nhà văn không ngừng dấn thân làm giàu kiến văn, từ đó mang đến những trải nghiệm mới ấn tượng, thú vị và đầy độc đáo cho nhiều thế hệ người đọc.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhung-goc-doi-rieng-la-cua-ong-gia-nam-bo-son-nam-40664.html