Những 'hạt mầm' cho giải thưởng Dế Mèn năm sau

Tại 'Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023', BKG đã quyết định tặng thưởng cho hai tác giả: Phạm Anh Xuân với tập truyện dài 'Nghé ọ Hai Xoáy' (NXB Văn học - Tân Việt Books) và tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương, 10 tuổi với chùm bản thảo 'Tôi, bố tôi, và…' và 'Từ những bức thư'.

Nhà văn "nhí" Đoàn Lữ Thụy Phương (phải) tại lễ trao "Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023".

Nhà văn "nhí" Đoàn Lữ Thụy Phương (phải) tại lễ trao "Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023".

Trả lại cho trẻ em một không gian sinh tồn

"Nghé ọ Hai Xoáy" (truyện dài của Phạm Anh Xuân, NXB Văn học - Tân Việt Books) là câu chuyện về đám trẻ mục đồng, mà nổi bật nhất là nhân vật Hùng.

Vì mải mê đọc sách mà Hùng để con trâu sắp đến ngày sinh gặp nạn, trước khi chết, nó đã sinh ra chú nghé có hai xoáy trên đầu. Qua biến cố đầu đời này, cùng với những diễn biến khác qua các tình huống “Trận chiến”, “Cuộc bán trâu”, “Thất bại”… Hùng đã có được cho mình những bài học của sự trưởng thành.

“Rồi nó nhớ lại cái buổi chiều phiêu lưu cùng con dế mèn trong cuốn truyện nhỏ. Nó đã ra sát mép sông, vặt cọng cỏ xanh vứt xuống nước và nhìn nó trôi đi mãi. Nó hiểu rằng nó cần phải học và làm chủ chuyến phiêu lưu của chính cuộc đời mình.

Qua nhân vật Hùng, tôi muốn xây dựng một thông điệp: Cần phải trả lại cho trẻ em một không gian sinh tồn và không gian tương tác đúng nghĩa của tuổi thơ. Tức là các em được tự do chơi đùa, chạy nhảy và từ đó học được những bài học.

Rộng hơn, việc để trẻ em được trải nghiệm thực tại với tất cả những va chạm, cọ xát của cuộc sống (khác với “tương tác ảo” như hiện nay) sẽ giúp các em thể hiện được sức sống nội tâm, và học được những bài học hình thành nên một phần nhân cách con người” - tác giả Phạm Anh Xuân bày tỏ.

Sự chững chạc bất ngờ của một cây bút 10 tuổi

"Tôi, bố tôi, và…" và "Từ những bức thư" (chùm bản thảo của Đoàn Lữ Thụy Phương, 10 tuổi, Hà Nội) mà một truyện dài có dung lượng khá đồ sộ của cô bé 10 tuổi – Đoàn Lữ Thụy Phương, với hai phần tương đối độc lập, nên được Ban sơ khảo gợi ý nên tách ra thành 2 chùm truyện.

Mới đọc, cảm thấy truyện mô tả hơi lan man, tự nhiên, thấy gì kể nấy, không có ý tứ rõ ràng; nhưng đọc kỹ thấy cả 2 chùm truyện đều khá.

Chùm "Tôi, bố tôi, và..." là những mẩu chuyện về gia đình qua góc nhìn của cô bé, dù có vẻ như thấy gì kể nấy, nhưng tổng thể lại toát lên được bầu không khí của một gia đình vô cùng ấm áp. Ông bố thích "cà khịa", không biết tiếng Anh, chơi bóng bàn dở… nhưng xâu chuỗi tất cả các tình huống vào lại làm nổi bật lên hình tượng của một ông bố cực kỳ thú vị. Hay "cà khịa" làm cô bé phát bực nhưng đó cũng chính đó là một ông bố rất hay ho, rất mực tôn trọng con và chơi với con theo triết lý bình đẳng. Ở đó có mục đích giáo dục sâu xa.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật - nguyên mẫu của ông bố cà khịa trong tác phẩm của con gái mình - chia sẻ : “Đối với tôi, không chỉ với Thụy Phương mà cả các em nhỏ xung quanh, tôi chơi đều rất bình đẳng. Tức là tôi chơi với trẻ con giống như khi tôi là trẻ con, chứ tôi không chơi áp đặt theo cách tôi là một người lớn. Bởi vì khi chơi như vậy, chúng sẽ rất dễ chia sẻ và kể những suy nghĩ của chúng cho mình. Cách nói chuyện hằng ngày giữa tôi và con gái giống như 2 người bạn, không có khoảng cách nhiều”.

Anh nói thêm: “Ở thành phố, trẻ con thiệt thòi hơn rất nhiều vì các con không có không gian. Chính vì thế, tôi đã cùng con chơi những trò chơi của trẻ con, đọc những cuốn sách của trẻ con, nghe những bài hát của trẻ con, để thấy niềm vui của con cũng là niềm vui của mình...".

Sức tưởng tượng và cả ngôn ngữ văn chương của của cô bé 10 tuổi thật đáng khâm phục: Nhìn cánh chim bố vẽ, em cảm thấy nó “muốn bay lên chơi với cánh chim của tôi”. Chùm truyện "Từ những bức thư" cũng rất kỳ lạ. Chẳng hạn, bức thư của chiếc dép bị bỏ đi. Chiếc dép kể, nó được đưa vào nhà máy tái chế, và "... một anh công nhân hỏi: “Em có muốn mất đi trí nhớ không?” Tớ biết, khi mất trí nhớ thì tớ sẽ không còn nhớ bạn nữa nên dứt khoát trả lời: “Không ạ!” Tái chế xong, tớ thành một đôi giày cao gót đen trắng cho trẻ em. Ngày mai, tớ sẽ được bày bán tại một của hàng giày dép. Hôm nay, nhớ bạn và hy vọng bạn sẽ tìm mua được tớ để chúng ta lại có thể chu du cùng nhau" (Ký tên: Đôi dép cũ của bạn).

Giám khảo Lê Linh nhận xét: “Câu chuyện Từ những bức thư có ý tưởng rất độc đáo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Việc biết lắng nghe từ những vật tưởng chừng như vô tri sẽ khiến chúng ta sống tốt đẹp hơn với mọi người, mọi vật xung quanh vì ai cũng có tâm hồn. Còn lại là những câu chuyện gia đình được kể rất hồn nhiên, trong sáng với lối viết rất hóm hỉnh, đôi lúc khá lan man nhưng ta vẫn thấy trong đó ẩn chứa tình yêu thương to lớn của cô bé 10 tuổi với gia đình của mình và ngược lại".

PV

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/nhung-hat-mam-cho-giai-thuong-de-men-nam-sau-20230531134556953.htm