Những huyền thoại truyền thống về người Mỹ

Xã hội Mỹ chia vụn ra thành rất nhiều mảnh, do đó có nhiều tầng văn hóa phụ và tránh được không khí quy ước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vào thế kỷ XVIII, một người Pháp sống ở Mỹ là Crèvecoeur (Hector St. John Crèvecoeur sang Mỹ năm 23 tuổi, làm nghề nông. Ông là Lãnh sự Pháp trong 10 năm, 1731-1813) đã tự hỏi: “Vậy thì người Mỹ, con người mới” ấy là ai?”.

Ông đã phác ra nguồn gốc người Mỹ là một người châu Âu hoặc con cháu một người châu Âu, do đó có một sự trà trộn các dòng máu không hề có ở nước nào khác. Thí dụ như một gia đình có chồng là người Anh, vợ là người Hà Lan, con trai lấy vợ Pháp và bốn đứa cháu lấy vợ thuộc bốn dân tộc khác nhau. Crèvecoeur là một người Mỹ, đã vứt lại đằng sau tất cả những định kiến và phong tục cũ để tiếp nhận những định kiến và phong tục mới của lối sống mới, Chính phủ mới và vị trí xã hội mới.

Ở nơi đây, những cá nhân thuộc đủ các dân tộc đã được hun đúc thành một chủng tộc mới mà lao động và con cái một ngày kia sẽ thay đổi rất nhiều bộ mặt thế giới…Ở nơi đây, những phần thưởng cho sự cần mẫn của người Mỹ theo bước tiến bộ của lao động, lao động của họ dựa trên cơ sở thiên nhiên và quyền lợi cá nhân; cần chi đến một yếu tố nào hấp dẫn mạnh hơn nữa? Người Mỹ là con người mới hành động theo nguyên tắc mới.

Theo các nhà báo Ronald Koven và Dinah Louda, người Mỹ không còn tính cách của người Anh theo Tân giáo đổ bộ sang Mỹ hồi đầu, ít nhất trong một thời gian dài, họ tin tưởng là người Mỹ phải là gốc rễ da trắng. Nhưng Mỹ vẫn là đất nhập cư, mỗi năm có thêm một triệu rưỡi người đến, nhiều nhất từ Nam Mỹ và châu Á.

Cái nồi hầm nhừ (melting pot) hun đúc các dân tộc nhập cư không còn tác dụng hấp thụ nữa. Các yếu tố dân tộc tưởng chừng đã hun đúc nhuần nhuyễn thì nay lại tách nhau ra. Suốt nửa đầu thế kỷ XX, mục tiêu của những người nhập cư là nhanh chóng trở thành người Mỹ, sống giấc mơ Mỹ, quên Cựu thế giới. Nay thì nước Mỹ đang trở thành một Liên bang ghép các dân tộc. Người Mỹ cũng là người Việt Nam, người Ấn Độ, người Mexico… Tôn giáo bộ ba cũ (Tân giáo + Thiên chúa giáo + Do Thái giáo) được thêm một bộ ba mới (Hồi giáo + Phật giáo + Ấn Độ giáo).

Có hiện tượng nước Mỹ chuyển sang tính chất Thế giới thứ ba do dân nhập cư nhiều. Tuy vậy, các cộng đồng sắc tộc ở Mỹ không hòa nhập mà lại tăng cường bản sắc riêng. Lấy người da đen làm thí dụ: những tầng lớp thượng lưu da đen có hòa nhập chút ít, nhưng đại đa số vẫn tách biệt. Sau cuộc bầu cử tháng 1/2008, ông Barack Obama đă trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ. Đã có người da đen làm thống đốc bang hay thị trưởng thành phố lớn nhưng không thay đổi một sự thực: mỗi nhóm sắc tộc mới nhập cư đều bắt đầu ở bậc thang thấp của xã hội, nhưng rồi cuối cùng người da trắng tiến lên, để người da đen tụt lại sau với nỗi đắng cay.

Chiến tranh lạnh đã kết thúc đúng lúc đối với người Mỹ. Sau cuộc thất bại ở Việt Nam, rồi bẽ mặt ở Iran, Lebanon, Afganistan… trong thâm tâm người Mỹ hẳn cũng cảm thấy thời kỳ làm mưa làm gió tuyệt đối đã qua. Những cuốn sách về sự suy thoái của Mỹ (như sách của Paul Kenedy) thu hút nhiều độc giả. Lòng tự tin truyền thống bị lung lay.

Huyền thoại về giá trị vĩnh cửu của nông dân Mỹ (giá trị lao động và đức hy sinh) được đề cao trong các phim về cao bồi miền Viễn Tây; chính Reagan, “vị tổng thống” của những phim ấy, đã cho một đòn chấm dứt kinh tế nông dân cá thể. Lĩnh vực công nghiệp cũng bị một đòn nặng với “cú” của các nhà kinh doanh Nhật về điện tử A. Morita. Trong chính trường, những vụ bê bối Watergate và Iran, số người đi bầu cử giảm đi, sự thờ ơ đối với nhiều sự kiện quốc tế… đều đáng chú ý. Báo Washington Post viết: “Không phải là chúng ta thắng Chiến tranh Lạnh, mà là địch thủ của chúng ta thua. Chúng ta không còn biết đấu tranh để làm gì”. Nước Mỹ hoài nghi. Người Mỹ truyền thống vốn tin vào những giá trị văn hóa phương Tây của Do Thái-Thiên chúa giáo, triết học Ánh sáng… Giá trị văn hóa của những sắc tộc khác vẫn tồn tại bên cạnh thì bản sắc dân tộc Mỹ sẽ ra sao?

Tiêu chuẩn lớn ở Mỹ nói chung vẫn là lao động để thành công với bất cứ giá nào; do đó không có ý thức giai cấp sâu sắc như ở châu Âu. Những người Mỹ mới từ Thế giới thứ ba đến rất thấm nhuần huyền thoại Mỹ về sự cần thiết của sáng kiến cá nhân, về phương diện chính trị, một tư tưởng lớn của Mỹ thông qua lịch sử là tôn trọng tự do cá nhân và dè dặt đối với Nhà nước, đặt tin tưởng vào sự tương trợ của các nhóm người tự động gắn bó với nhau, tự nguyện để làm việc chung. Thí dụ: phần nhiều các đám cháy đều do các công dân cứu hỏa tự nguyện đứng ra dập tắt.

Một đặc điểm nữa của người Mỹ là đầu óc thực tiễn, không muốn vướng mắc vào hệ tư tưởng. Ngay khi buổi đầu xuất hiện mầm mống quốc gia đã có tình trạng đa nguyên tôn giáo. Do đó, có sự khoan dung không những đối với đa nguyên tôn giáo, mà còn cả với đa nguyên ý thức hệ.

Xã hội Mỹ chia vụn ra thành rất nhiều mảnh, do đó có nhiều tầng văn hóa phụ và tránh được không khí quy ước. Người Mỹ vẫn tin đa nguyên tư tưởng là nguồn gốc của dân chủ. Mỗi người Mỹ có thể ít nhiều tự do tạo ra nước Mỹ theo kiểu của mình. Nền dân chủ Mỹ có một không hai. Bề ngoài có thể là công thức, ít tranh luận ý kiến sôi nổi như ở Pháp, nhưng tính đa dạng ở Mỹ khiến cho luôn luôn có sự thay đổi cái đúng cái sai. Nếu không còn là thầy dạy và sen đầm quốc tế thì Mỹ sẽ trở thành một quốc gia bình thường như những quốc gia khác chăng? Bình thường nhưng vẫn có những điều khác vì bản thân Mỹ đã có rất nhiều cái khác ngay ở bên trong. Người Mỹ mới sẽ ra sao?

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-huyen-thoai-truyen-thong-ve-nguoi-my-257125.html