Những kỷ vật quý

Đã mấy mươi năm trôi qua, nhưng nhiều người dân ở huyện Nghĩa Hành vẫn gìn giữ các vật dụng mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng sử dụng khi hoạt động cách mạng tại địa phương. Đó cũng là cách để bày tỏ tình cảm trân quý đối với bác Đồng.

Di tích Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ ở thị trấn Chợ Chùa ( Nghĩa Hành). ẢNH: KIM NGÂN

Di tích Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ ở thị trấn Chợ Chùa ( Nghĩa Hành). ẢNH: KIM NGÂN

Cuối tháng 11/1946, đồng chí Phạm Văn Đồng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam Trung Bộ đóng tại Quảng Ngãi. Cụ Nguyễn Công Phương - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Ngãi đã chọn nhà ông Ngô Đồng, ở tổ dân phố Phú Bình Trung, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), làm nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng. Một ngày chớm xuân, chúng tôi tìm về ngôi nhà ngày xưa bác Đồng ở và làm việc. Hai bên ngõ vào, những cành mai vàng khoe sắc thắm trước nắng xuân. Bên cạnh hiên nhà ba gian đậm kiến trúc xưa là tấm bảng bia di tích, với dòng chữ: “Tại đây, từ năm 1946 đến năm 1949, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ đã đặt trụ sở làm việc và cũng là nơi đồng chí Phạm Văn Đồng đã ở và trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam Trung Bộ (từ tháng 11/1946 đến tháng 1/1949)”.

Bà Đoàn Thị Đức - chủ nhà cho biết, ông nội tôi là ông Ngô Đồng lúc còn sống đã kể lại rằng, bác Đồng sống giản dị, hết lòng vì nước, vì dân. Bác Đồng đi đến đâu, người dân cũng hết lòng giúp đỡ và kính trọng. Ngôi nhà này trước đây được làm theo kiểu nhà rường, lợp tranh, ba gian và một chái ngang phụ, sau này do bom đạn chiến tranh tàn phá, đến năm 1974 mới được xây dựng lại cho đến giờ. Gia đình bà Đức vẫn còn lưu giữ chiếc thau đồng ngày xưa bác Đồng sử dụng. “Đây là kỷ vật quý gắn với bác Đồng nên gia đình tôi luôn gìn giữ, để thế hệ con cháu đời sau biết về kỷ niệm của gia đình đối với bác Đồng và ghi nhớ công ơn của bác”, bà Đức chia sẻ.

Bà Đoàn Thị Đức, ở tổ dân phố Phú Bình Trung, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), giới thiệu chiếc thau đồng được bác Phạm Văn Đồng sử dụng và gia đình lưu giữ đến nay. ẢNH: KIM NGÂN

Bà Đoàn Thị Đức, ở tổ dân phố Phú Bình Trung, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), giới thiệu chiếc thau đồng được bác Phạm Văn Đồng sử dụng và gia đình lưu giữ đến nay. ẢNH: KIM NGÂN

Từ năm 1946 - 1949, để đảm bảo hoạt động bí mật và an toàn trong công tác lãnh đạo kháng chiến, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh và huyện Nghĩa Hành đã chọn nhiều địa điểm trên địa bàn huyện để bố trí nơi ở và làm việc cho bác Đồng. Tại nhà của cụ Nguyễn Hồng Dương (86 tuổi), ở thôn Tình Phú Bắc, xã Hành Minh vẫn còn lưu giữ bộ phản bác Đồng nằm nghỉ ngơi. Ông Dương bảo, bộ phản này người ta trả giá cao mấy tôi cũng không bán, vì đây là kỷ vật gắn với bác Đồng. Ngày đó, bác Đồng đến ở nhà của cha tôi là ông Đại Lý Phúc. Bác Đồng ở và làm việc tại đây khoảng 6 tháng. Bác Đồng cũng từng ở và làm việc tại nhà của ông Tú Tiên, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh. Chiếc giường gỗ ngày xưa bác Đồng sử dụng đến giờ gia đình ông Tú Tiên vẫn còn lưu giữ... Dù bác ở chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng đó là quãng thời gian mà người dân địa phương mãi không quên và luôn trân quý, gìn giữ kỷ vật bác Đồng sử dụng như là cách để bày tỏ tình cảm đối với người con ưu tú của quê hương.

Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ ở thị trấn Chợ Chùa được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1994 và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Hào cho biết, với tư cách là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Trung Bộ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã đi sâu, đi sát, nắm chắc tình hình thực tiễn phong trào cách mạng, kịp thời đề ra nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, góp phần cùng quân và dân cả nước tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ thành quả to lớn đã giành được trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

KIM NGÂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202402/nhung-ky-vat-quy-2a126e2/