Những lệnh cấm không có hiệu lực trong ngành thể thao

Hơn 1 tháng sau khi giải vô địch các câu lạc bộ Pencak Silat Quốc gia 2024 khép lại, tranh cãi một lần nữa nổi lên. Lần này, câu chuyện xoay quanh một VĐV bị đơn vị chủ quản cũ cấm thi đấu, nhưng vẫn đầu quân cho một địa phương khác và lên ngôi vô địch.

Lệnh cấm không hiệu lực

Ngày 19/3, đúng 1 ngày trước khi giải vô địch các câu lạc bộ Pencak Silat Quốc gia 2024 tiếp nhận đơn đăng ký thi đấu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Vĩnh Phúc phát đi công văn. Họ ban hành quyền định cấm thi đấu 5 năm với 2 VĐV. Một trong số đó là võ sĩ Pencak Silat Vũ Đức Hùng.

Đức Hùng từng giành HCĐ SEA Games 32 khi còn là VĐV của Vĩnh Phúc, nhưng đến năm 2024 đã đầu quân cho Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đức Hùng từng giành HCĐ SEA Games 32 khi còn là VĐV của Vĩnh Phúc, nhưng đến năm 2024 đã đầu quân cho Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo thông tin từ Sở VHTTDL Vĩnh Phúc, VĐV Vũ Đức Hùng đã làm đơn thôi không tập luyện tại địa phương. Anh cũng ký vào văn bản cam kết không thi đấu cho đơn vị khác sau khi nghỉ. Tuy nhiên, VĐV này bất ngờ xuất hiện với tư cách VĐV Bà Rịa Vũng Tàu, đồng thời giành HCV chung cuộc.

Đâu là lý do những rắc rối xung quanh VĐV Vũ Đức Hùng chỉ được chia sẻ trên truyền thông khá lâu sau khi giải vô địch các câu lạc bộ Pencak Silat Quốc gia 2024 kết thúc? Nguyên do chính bởi các HLV của Vĩnh Phúc đã không phản ánh sớm tại giải. Họ chỉ báo cáo với địa phương sau đó.

Theo lý giải từ Cục TDTT, đơn vị này hoàn toàn tiếp nhận được thông tin VĐV Vũ Đức Hùng bị đơn vị Vĩnh Phúc cấm thi đấu. Tuy nhiên, ở buổi họp chuyên môn trước khi bốc thăm phân nhánh đấu, Vĩnh Phúc lại không phản ánh lên ban tổ chức giải. Vì thế, VĐV này vẫn đấu bình thường.

Chia sẻ về câu chuyện của VĐV Vũ Đức Hùng, một HLV thể thao thành tích cao nhận định: "Các HLV của Vĩnh Phúc có lý do riêng để không lên tiếng. HLV Nguyễn Xuân Hùng và Nguyễn Bá Trình đều có thời gian làm việc ở đội tuyển quốc gia. Còn xét về mặt pháp lý, câu chuyện rất khác".

Cũng theo HLV kể trên, vào thời điểm VĐV Vũ Đức Hùng làm đơn xin nghỉ tại Trung tâm Huấn luyện và TDTT Vĩnh Phúc, anh chắc chắn đã nhận được Quyết định đồng ý nghỉ tập tại đơn vị cũ. Đây cũng là cơ sở để anh có thể ký hợp đồng cùng đơn vị mới, do đã hết ràng buộc với Vĩnh Phúc.

"Những văn bản như cam kết không thi đấu, hay bị cấm thi đấu có giá trị pháp lý không rõ ràng. Nếu VĐV vi phạm, chế tài xử phạt họ sẽ như thế nào? Đơn vị cũ có yêu cầu VĐV phải bồi thường kinh phí đào tạo không? Nếu có, liệu VĐV đó có khả năng bồi thường không?", HLV này nói thêm.

Câu chuyện liên quan đến VĐV Vũ Đức Hùng tạo nhiều hiệu ứng tiêu cực trong giới thể thao thành tích cao. Lý do bởi VĐV này từng là tuyển thủ quốc gia, có nhiều thành tích tốt tại các giải trong nước. Việc anh "ra đi tự do" như thế có thể tạo tiền lệ xấu trong giới VĐV sau này.

Những hệ lụy phía sau

Trong những năm gần đây, nguồn tiền được các địa phương chi cho hoạt động thể thao thành tích cao ngày càng lớn. Tuy nhiên, thay vì chú trọng phát triển từ nền móng, nhiều đơn vị lại chọn phương án đáp ứng thành tích trong ngắn hạn. Cách phổ biến là chiêu mộ VĐV địa phương khác.

Ở góc độ của VĐV, họ đương nhiên có nhu cầu muốn tìm những nơi có chế độ đãi ngộ tốt nhất cho mình. Tuy nhiên, đơn vị chủ quản cũng cần được bảo vệ. Họ phải mất 8-10 năm để đào tạo một VĐV thành tích cao, nhưng có nguy cơ mất trắng ngay thời điểm chuẩn bị gặt hái thành quả.

Những VĐV được chiêu mộ theo dạng chuyển nhượng thường gặp nhiều rắc rối về thủ tục giấy tờ, đăng ký thi đấu. Vũ Đức Hùng không phải VĐV hiếm hoi. Trước đây, môn Boxing cũng ghi nhận VĐV Nguyễn Thị Thu Nhi bất ngờ chuyển từ TP Hồ Chí Minh sang Cần Thơ sau khi có đai WBO thế giới.

Trong vòng chưa đầy 3 năm từ khi đầu quân cho Cần Thơ, Thu Nhi đã tiếp tục thi đấu dưới màu áo của 2 địa phương khác. Bà Rịa Vũng Tàu và Hậu Giang trở thành những điểm đến tiếp theo của VĐV này. Thu Nhi thậm chí đã suýt đầu quân cho một đơn vị phía Bắc trước khi đến Cần Thơ.

CLB Boxing chuyên nghiệp nơi Thu Nhi từng đầu quân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục cô tiếp tục thi đấu. Cuối cùng, đôi bên chọn phương án đường ai nấy đi. Ngoài Thu Nhi, đồng đội của cô trước đây là Sẳm Minh Phát cũng liên tục "luân chuyển" địa phương chủ quản.

Xét trên góc độ quản lý, kiểm soát VĐV, Hà Nội được xem là đơn vị tiên phong. Những VĐV hàng đầu do Hà Nội đào tạo ra được ràng buộc bởi rất nhiều văn bản, quy định về mặt pháp lý. Tuy nhiên, kẽ hở vẫn xảy ra, khiến một số VĐV từ Hà Nội vẫn có thể chuyển sang địa phương khác.

Từ góc nhìn người làm chuyên môn, các HLV khẳng định, thể thao đỉnh cao cần có quy định, chế tài rõ ràng về việc "chuyển nhượng" VĐV. Bởi, trong những trường hợp của Đức Hùng hay Thu Nhi, các bên liên quan rất cần có một phương án giải quyết tranh chấp theo hướng thấu tình đạt lý. Đó cũng là mô hình chung được với thể thao chuyên nghiệp. Chia sẻ thêm về câu chuyện VĐV "chuyển nhượng", một HLV khác giãi bày: "Việc lấy VĐV từ đơn vị khác, hay kiểm soát VĐV có sang nơi khác thi đấu được hay không còn cho thấy tầm ảnh hưởng của các địa phương nữa. Có thể bạn không tin, nhưng phòng làm việc của tôi từng bị VĐV đột nhập và lấy mất văn bản cam kết nghỉ thi đấu. Có những thứ chẳng ai lường được trong thể thao thành tích cao".

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/nhung-lenh-cam-khong-co-hieu-luc-trong-nganh-the-thao-i731647/