Những 'lỗ hổng' ngăn Mỹ kiềm chế công nghệ chip của Trung Quốc

Washington đã đưa ra một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm ngăn chặn những tiến bộ trong ngành bán dẫn của Trung Quốc, tuy nhiên những hạn chế này dường như không có mấy tác dụng, theo Reuters.

 Sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, Nhật Bản và Hà Lan đã hưởng ứng các biện pháp này.

Sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, Nhật Bản và Hà Lan đã hưởng ứng các biện pháp này.

Hãng tin Reuters trích dẫn dữ liệu từ Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (USCC) cho thấy các công ty Trung Quốc đang tiếp tục mua thiết bị sản xuất chip của Mỹ nhờ lợi dụng những lỗ hổng trong kiểm soát xuất khẩu của Washington.

Mỹ đã đưa ra các hạn chế đối với các chip điện toán tiên tiến nhất được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị sản xuất chip vào năm 2022 với mục đích ngăn chặn khả năng sản xuất và phát triển chất bán dẫn tiên tiến giúp tăng cường năng lực quân sự của Trung Quốc. Danh sách hạn chế kể từ đó đã được mở rộng và một số công ty công nghệ Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen.

Theo báo cáo thường niên của USCC, trong khi các biện pháp hạn chế khiến xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ sang Trung Quốc giảm khoảng 50% kể từ năm ngoái (6,4 tỷ USD), quốc gia Nam Á này vẫn mua được khoảng 3,1 tỷ USD chip và thiết bị sản xuất chip của Mỹ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay.

Báo cáo lưu ý rằng những mặt hàng xuất khẩu này có thể bao gồm các công nghệ tiên tiến bị cấm bán, vì “các nhà nhập khẩu thường có thể mua thiết bị nếu họ cho biết nó đang được sử dụng trên dây chuyền sản xuất cũ hơn”.

Theo cơ quan giám sát, “với khả năng kiểm soát cuối cùng còn hạn chế, rất khó để xác minh thiết bị không được sử dụng để sản xuất chip tiên tiến”.

Hơn nữa, báo cáo cho thấy các biện pháp kiềm chế của Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường mua các công cụ sản xuất chip tiên tiến từ các quốc gia khác, chủ yếu là Nhật Bản và Hà Lan, những quốc gia đã đưa ra các hạn chế riêng đối với xuất khẩu công nghệ này vào đầu năm nay.

Chẳng hạn, Trung Quốc đã nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn trị giá 3,2 tỷ USD từ Hà Lan trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8, ghi nhận mức tăng hàng năm là 96,1%. Báo cáo lưu ý rằng tổng lượng nhập khẩu thiết bị bán dẫn của nước này đạt 13,8 tỷ USD trong giai đoạn này. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, chỉ riêng trong quý III, nhập khẩu liên quan đến chip của nước này đã tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo chỉ ra rằng các biện pháp hạn chế rõ ràng cũng không cản trở được tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Vào tháng 9 vừa qua, “ông lớn” công nghệ Huawei của Trung Quốc đã bắt đầu bán điện thoại thông minh Mate 60 Pro sử dụng chip 7 nanomet cao cấp. Vì có nghi ngờ rằng công nghệ này có thể được sản xuất mà không cần thiết bị do Mỹ sản xuất, một số chuyên gia trong ngành cho rằng Trung Quốc có thể đã tạo ra con chip này bằng các thiết bị cũ hơn không nằm trong danh sách hạn chế.

USCC cảnh báo rằng những tiến bộ trong công nghệ Trung Quốc “đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc thực hiện kiểm soát xuất khẩu hiện tại”, lưu ý rằng các biện pháp hạn chế “không chỉ nhằm đảm bảo Mỹ luôn đi trước Trung Quốc vài thế hệ” mà còn cả các công ty công nghệ Mỹ “duy trì vị trí dẫn đầu càng lâu càng tốt .”

Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ, cho rằng chúng đi ngược lại các quy luật thị trường được công nhận trên toàn cầu.

Mộc An

Theo Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nhung-lo-hong-ngan-my-kiem-che-cong-nghe-chip-cua-trung-quoc-20180504224291688.htm