Những mẹo giúp hạ sốt nhanh chóng và an toàn cho trẻ em ngay tại nhà

Paracetamol là loại thuốc hạ sốt được sử dụng phổ biến nhất hiện nay với tác dụng hạ sốt, giảm đau ở trẻ nên bố mẹ có thể dùng thuốc ở dạng siro hoặc bột để bé dễ uống và tiêu hóa hơn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Sốt là một biểu hiện của cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu.

Đặc biệt, nếu trẻ sốt cao và kéo dài có thể gây ra những hiểm họa khôn lường nếu bố mẹ không biết cách xử lý kịp thời.

Vậy khi trẻ bị sốt, bố mẹ cần làm gì để hạ sốt cho trẻ nhanh chóng, an toàn ngay tại nhà?

1. Nguyên nhân trẻ bị sốt

Trẻ bị sốt có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Nhiễm trùng: Đa số trẻ bị sốt là do nhiễm trùng. Đây là phản ứng của cơ thể giúp chống lại nhiễm trùng bằng cách kích hoạt cơ chế phòng vệ tự nhiên.

Sau tiêm phòng vaccine: Trong một số trường hợp trẻ có thể bị sốt nhẹ sau khi tiêm phòng, chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Giữ ấm cho trẻ quá kỹ, quá kín: Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh chưa thể tự điều tiết thân nhiệt của bản thân nên khi bố mẹ cho trẻ mặc quá nhiều quần áo, ủ quá kín hoặc đặt trẻ trong môi trường nóng sẽ khiến trẻ bị sốt.

Mọc răng: Sốt do mọc răng thường chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ. Vì vậy, nếu trẻ sốt trên 38 độ C, trẻ có thể sốt do một nguyên nhân khác, không phải do mọc răng.

Mắc các bệnh lý nguy hiểm: Khi trẻ mắc các bệnh như viêm phổi, sốt xuất huyết, sốt virus, viêm màng não, nhiễm trùng huyết,… sẽ sốt cao kèm theo các triệu chứng như run, xuất huyết, co giật, ngủ li bì, tím tái, khó thở, nôn, hôn mê,… Lúc này, trẻ cần được đưa đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt.

(Nguồn: Getty Images)

2. Dấu hiệu sốt ở trẻ em

Khi trẻ em bị sốt, thường kèm theo một số dấu hiệu đặc trưng như nhiệt độ cơ thể trên 37,5 độ C; hay quấy khóc; thở nhanh; sổ mũi, đau họng, ngạt mũi; đau đầu; kén ăn hoặc bỏ bú; hay mất ngủ về đêm; người lờ đờ, ít vận động; trẻ sốt kèm theo triệu chứng nôn liên tục; cơ thể trẻ mất nước, ra nhiều mồ hôi; đau đầu, cơ thể trẻ mệt mỏi.

3. Cách hạ sốt cho trẻ nhanh và an toàn

Khi trẻ bị sốt, bố mẹ có thể hạ sốt cho trẻ nhanh chóng tại nhà bằng các cách sau.

Lau người hoặc chườm bằng nước ấm

Đây là một trong những mẹo hạ sốt cho trẻ nhanh chóng và an toàn. Bố mẹ dùng khăn nhúng vào nước ấm và vắt ráo, sau đó tiến hành lau khắp người của bé. Bạn nên lau nhẹ nhàng, đừng lau mạnh vì da bé còn non rất dễ tổn thương.

Bên cạnh đó, bạn nên tránh những vùng da trầy xước hoặc đang bị thương để tránh bé bị đau. Bạn nên chọn loại khăn bằng vải xô mềm sẽ khiến bé dễ chịu hơn.

Bạn cứ lau nhiều lần như vậy trong ngày cho đến khi nhiệt độ hạ xuống mức bình thường.

Ngoài dùng khăn, trên thị trường hiện nay có nhiều bạn loại túi chườm. Bạn cho nước ấm vừa đủ vào túi và chườm cho trẻ cho đến khi nhiệt độ hạ xuống.

(Nguồn: Getty Images)

Bổ sung đủ nước

Khi bé bị sốt, cơ thể mất rất nhiều nước do da thoát mồ hôi liên tục để làm mất cơ thể. Do đó, thường xuyên cho bé uống nước là điều cần thiết và cũng là một trong những mẹo hạ sốt cho trẻ hữu hiệu.

Ngoài nước lọc, bạn nên bổ sung nước qua nước ép hoa quả hoặc các bột bù nước như oresol, sữa… Việc bổ sung đủ nước giúp cơ thể bé thanh lọc tốt hơn. Từ đó giúp bé hạ sốt.

Sử dụng thuốc hạ sốt

Nếu cơn sốt kéo dài và bé sốt trên 38,5 độ C, bạn nên cho bé uống thuốc. Paracetamol là loại thuốc hạ sốt được sử dụng phổ biến nhất hiện nay với tác dụng hạ sốt, giảm đau ở trẻ. Bạn có thể dùng thuốc ở dạng siro hoặc bột để bé dễ uống và tiêu hóa hơn.

(Nguồn: Getty Images)

Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát

Sốt có thể khiến trẻ cảm thấy lạnh nhưng việc cho trẻ mặc quần áo quá dày, quá kín sẽ khiến thân nhiệt của trẻ tăng cao hơn. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, có khả năng thấm hút tốt để có thể tỏa bớt nhiệt và giúp trẻ hạ sốt nhanh chóng.

Nghỉ ngơi nhiều

Giúp trẻ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi là cách hạ sốt cho trẻ nhanh và đơn giản nhất. Khi bị sốt, đa số trẻ sẽ thấy mệt mỏi, đau nhức. Lúc này, trẻ nên được nghỉ ngơi nhiều hơn cho đến khi cơn sốt được giảm nhẹ, thân nhiệt ổn định ở mức bình thường.

Bổ sung vitamin C

Vitamin C giúp tăng sức đề kháng, chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Chất này có nhiều trong trái cây nhiều múi như: cam, bưởi, quýt, chanh… Ngoài ra các mẹ có thể cho bé uống viên C sủi để hạ sốt nhanh hơn. Bạn nên kết hợp nhiều kinh nghiệm hạ sốt cho trẻ để trẻ nhanh hồi phục.

Bên cạnh đó, các mẹ nên xây dựng thực đơn với những món ăn giàu vitamin C cho bé từ các nguyên liệu như đu đủ, dâu tây, kiwi, dứa, ớt chuông…

(Nguồn: Getty Images)

Bổ sung đầy đủ canxi

Bên cạnh vitamin C, canxi cũng là một trong những chất quan trọng giúp bé nhanh hạ sốt. Hãy bổ sung cho bé qua thức ăn hoặc các sản phẩm uống chứa nhiều canxi.

Một số thực phẩm chứa nhiều canxi các mẹ có thể cho bé ăn như bột yến mạch, cá rau xanh, đậu, bông cải xanh, rau lang, sữa, bí đỏ, rong biển…Bổ sung những nhóm thực phẩm trên là một trong những kinh nghiệm hạ sốt cho trẻ an toàn mà các mẹ nên áp dụng.

4. Khi nào trẻ bị sốt nên đưa đi bệnh viện?

Nếu bạn đang điều trị hạ sốt cho bé tại nhà mà bé vẫn không hạ sốt, bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để bác sỹ thăm khám và điều trị.

Ngoài ra, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu trẻ có những dấu hiệu như trẻ bị mất nước nghiêm trọng, môi khô, da khô, rát cổ họng; xảy ra hiện tượng động kinh, sùi bọt mép; trẻ bị phát ban đỏ hoặc tím; thở gấp, khó thở, tức ngực; nôn mửa liên tục, chán ăn; sốc thuốc.

(Nguồn: Getty Images)

5. Những sai lầm không nên mắc phải khi chăm sóc trẻ em tại nhà

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà, bố mẹ nên lưu ý tránh mắc phải các sai lầm như sau:

- Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm lạnh: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bố mẹ không nên chườm lạnh để hạ sốt cho trẻ vì cách này sẽ khiến lỗ chân lông bị co lại, thân nhiệt không thể thoát ra ngoài. Hơn nữa, chườm lạnh có thể khiến trẻ bị bỏng lạnh và suy hô hấp.

- Ủ ấm cho trẻ khi sốt cao: Sốt cao sẽ gây ra tình trạng run, chân tay lạnh ngắt và lúc này trẻ sẽ cảm thấy lạnh. Nếu lúc này bố mẹ đắp chăn và ủ ấm cho trẻ sẽ vô tình đưa trẻ vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm, có thể khiến trẻ sốt cao co giật, da tím tái bởi cảm giác rét run này xảy ra do hiện tượng co mạch ngoại vi và thân nhiệt bên trong của trẻ vẫn đang ở mức độ rất cao, có thể trên 40 độ C.

(Nguồn: Getty Images)

- Không đo và theo dõi nhiệt độ của trẻ: Nhiều bố mẹ chỉ kiểm tra nhiệt độ của trẻ bằng cách dùng tay áp lên trán và bắt đầu thực hiện các cách hạ sống thông thường hoặc cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay khi thấy bé ấm, nóng hơn bình thường. Tuy nhiên, điều này có thể gây nguy hiểm cho trẻ với các tác dụng phụ của thuốc, bố mẹ không có biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời khi trẻ sốt cao.

- Kết hợp các loại thuốc hạ sốt với nhau: Trẻ sốt cao khiến bố mẹ lo lắng và mong muốn hạ sốt cho trẻ nhanh nhất có thể nhưng khi thân nhiệt của trẻ hạ xuống quá nhanh, trẻ có thể phải đối mặt với nhiều nguy hiểm./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-meo-giup-ha-sot-nhanh-chong-va-an-toan-cho-tre-em-ngay-tai-nha-post943167.vnp