Những ngành đón 'tin vui' nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường

SSI Research cho rằng lợi ích từ việc công nhận quy chế kinh tế thị trường đối các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trong dài hạn là rất lớn.

Nhiều doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh khai thác thị trường Bắc Mỹ và Mỹ. (Ảnh minh họa: VCS)

Nhiều doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh khai thác thị trường Bắc Mỹ và Mỹ. (Ảnh minh họa: VCS)

Trong vài năm gần đây, Việt Nam hết vào rồi ra trong danh sách theo dõi các quốc gia thao túng tiền tệ mỗi khi Mỹ thực hiện công bố báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" định kỳ.

Tháng 11/2023, Bộ Tài chính Mỹ đưa 6 nền kinh tế vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, trong đó có Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước, qua kết quả này, Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.

Theo Đạo luật TFTAE, khi xác định một quốc gia có hành vi “thao túng tiền tệ” thì sẽ mở rộng các biện pháp “trừng phạt” các quốc gia được xác định là thao túng tiền tệ như áp dụng thuế quan và sử dụng các rào cản thương mại. Tuy nhiên, các biện pháp chỉ có thể được áp dụng sau ít nhất một năm đàm phán.

Trên thực tế, dù không thao túng tiền tệ, hiện tại, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 12 quốc gia có quy chế kinh tế phi thị trường của Bộ Thương mại Mỹ và sẽ bị sử dụng giá từ nước thứ ba thay thế để tính toán giá sản xuất khi tính biên độ phá giá trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam - những rào cản hạn chế tăng trưởng thương mại, giao thương hàng hóa và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Vào ngày 8/5/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với một số bên liên quan để xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Một khi được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường, theo các chuyên gia, Việt Nam càng có điều kiện chứng tỏ và gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, vì những nước chưa có quy chế thị trường thường dễ bị áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu.

SSI Research - CTCK SSI cho rằng, trên thực tế, những nỗ lực từ Việt Nam trong việc đáp ứng sáu tiêu chí để công nhận quy chế kinh tế thị trường được thực hiện từ khá lâu và đã được cụ thể hóa sau khi hai nước nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.

Theo kế hoạch, quyết định chính thức sẽ được Mỹ công bố vào ngày 26/7 và các ý kiến bình luận và phản biện lên Bộ Thương Mại Mỹ trước khi diễn ra phiên điều trần vẫn đang khá trung lập. Một số bên lên tiếng ủng hộ như Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA), Hiệp hội Các nhà xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI), Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ (NASDA), Hiệp hội Dệt may và da giày Mỹ (AAFA) tuy nhiên vẫn có một số bên phản đối như Liên minh sản xuất Mỹ (AAM) hay Công đoàn Công nhân thép (USW). Vấn đề công nhận quy chế kinh tế thị trường cũng đối mặt với nhiều thách thức pháp lý tiềm ẩn ở Mỹ. Trước đó vào năm 2016, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã từ chối đề xuất từ phía Trung Quốc.

"Lợi ích lớn nhất khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam. Kỳ vọng Hiện tại, Việt Nam đã được 72 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường trong đó có Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh và quyết định chấp thuận từ Mỹ sẽ tạo tiền đề giúp Liên Minh Châu Âu (EU) công nhận Việt Nam. Thời điểm từ nay đến ngày 26/7 sẽ là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi sự vận động mạnh mẽ và nỗ lực từ phía Chính phủ khi cần vượt qua các quy định pháp lý chặt chẽ từ Mỹ", nhóm SSI Research phân tích.

Các chuyên gia của Khối Nghiên cứu Phân tích thuộc SSI cũng cho rằng tác động tiềm năng đối với các doanh nghiệp niêm yết và ngành liên quan Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu có vị thế quan trọng trên thế giới, xuất khẩu chiếm 82% GDP năm 2023, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Đồng thời, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép, thủy sản, gỗ & sản phẩm gỗ.

Trong năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu là 97 tỷ USD, đóng góp 27% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu dệt may, giày dép, gỗ & sản phẩm gỗ và thủy sản sang Mỹ đóng góp lần lượt 43%, 35%, 54% và 17% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của từng ngành trong năm 2023.

"Nhìn chung, chúng tôi cho rằng, điều này sẽ không có tác động ngay tức thì trong ngắn hạn đối với các ngành liên quan và doanh nghiệp niêm yết (PTB có thể sẽ được hưởng lợi vì có thể tránh được thuế chống phá giá đối với một số sản phẩm nhất định).

Về dài hạn, như chúng tôi đã đề cập trước đó, lợi ích lớn nhất từ việc công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, từ đó có thể giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai và giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng hơn tại thị trường này", theo SSI Research.

Các ngành và doanh nghiệp niêm yết có tỷ trọng xuất khẩu cao vào thị trường Mỹ và một số phân tích về tác động tiềm năng từ việc Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường cụ thể là:

Chỉ số tài chính, thị giá của của các mã doanh nghiệp niêm yết có tỷ trọng hàng xuất khẩu vào Mỹ cao

Chỉ số tài chính, thị giá của của các mã doanh nghiệp niêm yết có tỷ trọng hàng xuất khẩu vào Mỹ cao

Lốp xe (thuộc nhóm Cao su) - DRC: Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể không ảnh hưởng nhiều đến DRC vì lốp TBR của DRC hiện không chịu bất kỳ khoản thuế AD/CVD nào. Trong trường hợp có bất kỳ kiến nghị nào về hành vi chống bán phá giá trong tương lai, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể giúp DRC giảm bớt khả năng bị áp dụng AD/CVD vì DRC được phép sử dụng dữ liệu chi phí của chính mình thay vì sử dụng dữ liệu cơ cấu chi phí của DRC từ nước thứ ba. Trong khi đó, lốp PCR của Việt Nam phải chịu 22,27% thuế AD và 6,46% thuế VCD. DRC đã tung ra thị trường lốp PCR vào quý 2/2023, nhưng thị trường xuất khẩu chính là Brazil chứ không phải Mỹ. Nếu DRC giới thiệu lốp PCR vào thị trường Mỹ trong tương lai, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể giúp DRC tránh được thuế AD/CVD. DRC có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ 15%.

Dệt may - TNG, MSH, TCM, STK: Nhóm này có thuế AD từ 0%- 2,58%; tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ/ tổng sản lượng xuất khẩu là 8%-46%. Theo SSI Research, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may (như TNG, MSH, TCM) không chịu thuế AD/CVD. Mặc dù sợi polyester phải chịu thuế 2,58%, tuy nhiên STK chỉ xuất khẩu 8% sang Mỹ (so với 70% doanh thu từ khách hàng trong nước). Vì vậy, chúng tôi đánh giá việc công nhận sẽ có tác động nhỏ đến các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Thép - HPG, HSG, NKG: Ba doanh nghiệp niêm yết ngành thép xuất khẩu sang Mỹ với thuế AD 0%; tỷ trọng xuất khẩu 10-20%. Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường dự kiến sẽ không có tác động lớn đến các doanh nghiệp thép trong ngắn hạn vì Mỹ không áp thuế chống bán phá giá (AD) đối với các doanh nghiệp thép của Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc công nhận có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam thuận lợi hơn trong việc né tránh việc áp thuế AD nếu có trong tương lai, vì các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng giá của chính doanh nghiệp trong trường hợp điều tra thuế AD, thay vì phải sử dụng giá tại các thị trường khác như Indonesia, để tham khảo. Mặt khác, việc nâng cấp sẽ không ảnh hưởng đến việc Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% vào thời điểm hiện tại.

Thủy sản - VHC, FMC, ANV: Thuế AD của nhóm này đang áp 0% - 2,84%; tỷ trọng xuất khẩu 5%-30%. (Mỹ là một trong những quan trọng với một số doanh nghiệp thủy sản vì là thị trường lớn). SSI Research phân tích, dựa trên POR 19, thuế AD đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra VHC và ANV sẽ là 0 USD/kg, trong khi IDI sẽ là 0,18 USD/kg (giảm từ 2,39 USD/kg). Vì vậy, các doanh nghiệp cá tra sẽ không có ảnh hưởng đáng kể từ việc công nhận. Tuy nhiên, Mỹ đang điều tra các doanh nghiệp xuất khẩu tôm về khả năng vi phạm chống trợ cấp, với kết quả cuối cùng sẽ có ngày 5/8/2024. Như vậy, việc công nhận có thể hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sử dụng giá của chính doanh nghiệp mình trong các vụ kiện. "Chúng tôi lưu ý rằng giá tôm Việt Nam cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh và mức thuế CVD sơ bộ thấp hơn đối thủ (Việt Nam bị áp mức 2,84% so với đối thủ 4,36%-7,55%)". Ngoài ra, lưu ý là kết luận sau kỳ hạn thực IUU của Ủy ban châu Âu (EC) cũng có thể ảnh hưởng theo chiều tích cực hoặc tiêu cực lên uy tín của các doanh nghiệp thủy sản.

Gỗ và sản phẩm gỗ - PTB. Không có thuế AD. Mỹ là thị trường chính với tỷ trọng chiếm tới 60-65%. Một số sản phẩm gỗ của Việt Nam như gỗ dán, tủ gỗ và bàn trang điểm bằng gỗ, nội thất phòng ngủ bằng gỗ, ghế khung gỗ hiện đang bị điều tra thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ như các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc (thuế chống bán phá giá của gỗ dán, tủ gỗ và bàn trang điểm bằng gỗ, ghế khung gỗ lần lượt là 183,36%; 4,37%-262,18%; 25%). Vào Mỹ, hàng của PTB có sản phẩm nội thất phòng ngủ bằng gỗ với doanh thu bình quân hàng năm đạt 80 tỷ đồng - 100 tỷ đồng/năm – đóng góp 1,78% vào tổng doanh thu của PTB.

Đá -VCS, PTB. Tương tự nhóm Gỗ và sản phẩm gỗ, ngành đá xuất khẩu vào Mỹ không có thuế AD. Tỷ trọng chiếm trên tổng lượng xuất khẩu cao tới 60-65% Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra cảnh báo sản phẩm đá thạch anh có nguy cơ bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá. Hiện tại, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm Trung Quốc là từ 265,81% đến 336,69%. Đáng chú ý với PTB, xuất khẩu thạch anh được xem là động lực mang đến triển vọng tươi sáng trong 2024 với kỳ vọng đà mở rộng mạng lưới khách hàng cho các sản phẩm đá thạch anh tại thị trường Mỹ giúp cho doanh thu xuất khẩu sản phẩm đá tăng. Song đi kèm là rủi ro cạnh tranh cao. Trong khi đó với VCS, đây cũng là trọng tâm trong kế hoạch kinh doanh 2024, với mở rộng phân phối tại thị trường Bắc Mỹ và chiến lược “thương hiệu lớn đồng hành”, phát triển mô hình xưởng chế tác ủy quyền để khai thác giá trị thương hiệu đá thạch anh.

Theo An Định/Diendandoanhnghiep.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nhung-nganh-don-tin-vui-neu-viet-nam-duoc-cong-nhan-la-nen-kinh-te-thi-truong.html