Những ngày văn học châu Âu bàn về đa dạng giới
Trong chương trình 'Những ngày văn học châu Âu' năm nay, văn học queer sẽ trở thành chủ đề bàn luận chính.
Sáng ngày 6/5, tại Viện Goethe, ban tổ chức chương trình “Những ngày văn học châu Âu” đã công bố chủ đề trọng tâm của năm nay sẽ hướng vào các tác phẩm nữ quyền, văn học queer.
Theo ông Oliver Brant, Chủ tịch Viện nghiên cứu văn hóa quốc gia Liên minh châu Âu (EUNIC), chương trình năm 2024 chọn chủ đề này để thúc đẩy các cây bút trẻ hướng tới phản ánh sự đa dạng trong xã hội. Qua hoạt động năm nay, Viện Goethe mong muốn có thể đóng góp cho tiếng nói của cộng đồng nữ giới cũng như LGBTQ+ tại Việt Nam và thế giới.
Tạo nên sự giao thoa cho văn học queer
Văn học queer, hay gọi cách khác là văn học hướng tới cộng đồng LGBTQ+, không phải là một khái niệm quá mới với các độc giả, nhà phê bình hay tác giả tại Việt Nam.
Ông Oliver Brandt, nói các tổ chức đa quốc gia cần tạo điều kiện để tạo nên sự giao thoa đời sống văn hóa, từ đó nâng cao hiểu biết và nhận thức về đa dạng giới.
“Những ngày Văn học châu Âu như một cơ hội để những người trong cộng đồng queer có thể nhìn thấy ai đó ‘giống’ họ. Từ đó, họ có thể cảm thấy được nâng đỡ, hỗ trợ nhau về mặt tinh thần nhiều hơn. Đối với những cây viết về văn học queer tại châu Âu, đây cũng là dịp để họ nhìn ngắm lại những vấn đề đã và đang tồn tại trong cộng đồng”, ông Oliver Brandt chia sẻ với Znews.
Hội đồng Anh (British Council) là đơn vị tiếp tục có các hoạt động về văn học queer nối tiếp các chương trình từ 2023. Theo bà Phạm Hồng - đại diện Hội đồng Anh - đây là sự tình cờ và cũng là một điều may mắn khi có thể giúp các bạn trẻ tiếp cận với đa dạng giới.
Đại diện Hội đồng Anh cho rằng có nhiều cây bút viết về văn học queer đều là nữ, thông qua đó, độc giả có thể nhận thấy được tiếng nói của nữ giới rõ ràng hơn. Với chương trình “Những ngày văn học châu Âu”, bà Phạm Hồng sẽ giới thiệu tới độc giả tác phẩm Căn phòng do các tác giả Việt Nam và xứ Wales hợp tác thực hiện.
“Văn học queer là một màu sắc không thể thiếu đối với đời sống nghệ thuật. Tại Việt Nam, xã hội đang có những sự thay đổi và chúng ta phải bắt kịp nó. Giới trẻ ngày càng hiểu và cảm thấy không còn xa lạ với các khái niệm về giới”, bà Phạm Hồng cho biết.
Những tác phẩm nào sẽ được giới thiệu
Tại chuỗi sự kiện “Những ngày Văn học châu Âu”, Nilufar Karkhiran khozani và Jayrome C. Robinet là hai nhà văn người Đức được mời đến Việt Nam để chia sẻ những góc nhìn về phong trào vận động quyền LGBTQ+ tại Đức. Đồng thời, đây là hai tác giả đã để lại những tác phẩm ấn tượng trong dòng văn học queer.
Bên cạnh đó, nhà văn Alena Mornstajnova - “bà hoàng” văn học Séc” sẽ có những chia sẻ trực tiếp với độc giả tại Hà Nội về tác phẩm Bác Hana ra mắt vào năm 2023. Đại diện đại sứ quán Séc chia sẻ rằng Mornstajnova là một cây bút đã có nhiều năm lăn lộn trên cánh đồng chữ nghĩa. Sách của bà hiện đã xuất bản được hơn nửa triệu bản trên khắp thế giới. Tác phẩm Bác Hana là câu chuyện về những nhân vật đầu giàu ý chí, quật cường và kiên định trước nhiều bão giông cuộc đời. Đây là một hình ảnh truyền cảm hứng cho những người phụ nữ vươn lên.
Các hoạt động sẽ diễn ra đến hết ngày 19/5 với nhiều cuộc thảo luận khác nhau về các tác giả văn chương kinh điển như nhà thơ Tây Ban Nha Federico Garcia Lorca. Đối với các cây bút trẻ, chương trình tạo ra các buổi trò chuyện về những vấn đề có tính đương đại hơn chẳng hạn việc AI đang thay đổi quá trình dịch thuật ra sao.
Theo nhận định của các đại diện tham gia chương trình, trong những năm gần đây, văn đàn châu Âu chứng kiến sự xuất hiện nhiều hơn của những cây viết nữ và queer. Các tác phẩm của họ đặt ra những thảo luận về đa dạng giới, đồng thời phản tư về những vấn đề của căn tính queer và người nữ, từ đó mở ra một hành trình nhiều chông gai nhưng cũng không ít vinh quang để đến với bình đẳng xã hội.
Đặc biệt, trong văn chương của những cây viết trẻ, độc giả có thể tìm thấy những cách biểu đạt và cảm thức khác về sự đa dạng giới.