Những người khai phá vùng đất mới

Hơn nửa thế kỷ trước, với lòng yêu nước sục sôi và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ 'Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên', 600 đoàn viên thanh niên ưu tú được lựa chọn ở các tỉnh Nam Hà, Hải Hưng, Vĩnh Phú (cũ) và Thái Bình đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng vùng kinh tế mới - Khu kinh tế Thanh niên, một mô hình lao động, trường học thực tiễn kiểu mới, góp phần đào tạo, rèn luyện thanh niên vừa lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước và đi đến bất cứ đâu khi Tổ quốc cần…

Kỳ I: Bản hùng ca tuổi trẻ

Tiên phong xây dựng kinh tế mới

Cách trung tâm thành phố Việt Trì 60km, 52 năm trước, xã Minh Đài huyện Tân Sơn được chọn làm trung tâm Khu kinh tế Thanh niên theo Quyết định 268/TTg ngày 23/12/1970 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép Đoàn thanh niên Lao động Hồ Chí Minh xây dựng Khu kinh tế thanh niên gồm bảy xã: Tân Phú, Mỹ Thuận, Văn Luông, Long Cốc, Tam Thanh (huyện Tân Sơn), Văn Miếu (Thanh Sơn).

Ông Nguyễn Tuyên Huấn - Bí thư Đảng ủy Khu kinh tế thanh niên (1978-1988) là một trong 100 cán bộ nòng cốt tiên phong đi xây dựng Khu kinh tế

Ông Nguyễn Tuyên Huấn - nguyên Bí thư Đảng ủy Khu kinh tế thanh niên giai đoạn 1978 - 1988 nay là Trưởng ban liên lạc Khu kinh tế thanh niên đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng còn rất dẻo dai, nhanh nhẹn đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè thanh niên. Đi đến đâu, ký ức của một thời tuổi trẻ sống, chiến đấu, lao động sản xuất và học tập nơi đất rừng Minh Đài lại ùa về trong ông. Là một trong 100 cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật làm nòng cốt được Đoàn thanh niên Lao động Hồ Chí Minh (nay là Trung ương Đoàn thanh niên) lựa chọn đi xây dựng Khu kinh tế thanh niên khi đó ông Huấn đang là giáo viên giảng dạy của Trường Y khoa nay là Đại học y Hà Nội.

Ông chia sẻ: Thời điểm năm 1970, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go ác liệt, Trung ương Đảng khẳng định quyết tâm cả dân tộc kiên trì đánh đuổi Đế quốc Mỹ giành thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời xây dựng CNXH ở miền Bắc, đặc biệt xây dựng vùng kinh tế mới để chuẩn bị cho ngày Bắc - Nam xum họp, kiến thiết đất nước. 600 thanh niên được lựa chọn từ các tỉnh: Nam Hà, Hải Hưng (cũ), Thái Bình mỗi tỉnh 150 người, Vĩnh Phú (cũ) 50 người còn lại 100 người là cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật làm nòng cốt.

Những người khai phá vùng đất mới ôn lại truyền thống hào hùng trong Khu Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - Khu Trung tâm Kinh tế Thanh niên Minh Đài

Sau khi đi khảo sát ở Hòa Bình và Vĩnh Phú, Đoàn thanh niên Lao động Hồ Chí Minh chọn bảy xã của huyện miền núi Thanh Sơn (cũ) làm địa bàn phát triển khu kinh tế mới, bởi đáp ứng đầy đủ các yếu tố: Đất đai rộng, đồi núi bỏ hoang nhiều, giao thông đi lại khó khăn; người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tin tưởng, nhiệt tình ủng hộ chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước. Đúng ngày 23/2/1972, tại xóm Bông Lau, xã Minh Đài, 600 đoàn viên, thanh niên làm lễ ra quân, bắt tay vào khai hoang đồi nương, gieo trồng, chăn nuôi, đắp đập làm thủy lợi… Trong điều kiện và hoàn cảnh vô cùng khó khăn, song các anh, các chị vẫn thực hiện nghiêm tám giờ lao động sản xuất, hai giờ luyện tập quân sự, hai giờ học văn hóa. Với tinh thần “Ba sẵn sàng” đã hình thành một lực lượng thanh niên xung phong tích cực hăng hái sản xuất, sẵn sàng chiến đấu.

Sau những thất bại liên tiếp ở miền Nam, Đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, ra sức phá hoại các mục tiêu chiến lược như nhà máy và các thành phố lớn Hải Phòng-Hà Nội… Trưa 20/9/1972, nhiều tốp máy bay Mỹ đã bất ngờ tấn công vào Trung tâm Khu kinh tế thanh niên ở Minh Đài, chúng liên tục chút 126 quả bom xuống khu vực xóm Vinh Quang, Đồng Tù và Bông Lau là nơi ở của anh chị em ở Khu kinh tế. Trận ném bom dữ dội với mật độ dầy đặc đã hủy diệt toàn bộ khu trung tâm kinh tế. Sau loạt ném bom đó, 45 chiến sỹ thanh niên xung phong đã hy sinh, 25 người bị thương. Các anh, các chị ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ (17-18 tuổi) như: Chị Phùng Thị Cúc, ở An Lão - Hải Phòng; chị Hoàng Thị Tình, ở thị xã Phú Thọ; anh Nguyễn Danh Hiên, ở Tuy Lộc - Cẩm Khê...

Ban lãnh đạo Khu kinh tế Thanh niên đã phát động phong trào “Biến đau thương thành sức mạnh, con cháu Bác Hồ làm việc bằng hai để trả thù cho đồng chí đồng đội”. Các đồng chí trong khu vừa lo chôn cất, mai táng cho đồng đội, chăm sóc các đồng chí bị thương vừa nỗ lực kiến thiết lại cơ sở vật chất, đẩy mạnh khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi…

Năm 2021, Nhà máy chè Thanh Niên xuất khẩu được 1.300 tấn chè khô, đảm bảo chế độ cho người lao động

Trái ngọt từ nhiệt huyết tuổi trẻ

Biến đau thương thành hành động cách mạng, những người còn sống vừa tiếp tục lao động sản xuất và chiến đấu, với tinh thần dám nghĩ dám làm, sức mạnh nhiệt huyết của tuổi trẻ. Trong thời gian ngắn, 500ha đồi nương đã được khai phá, hệ thống giao thông hồ chứa nước và mương máng thủy lợi được xây dựng; 20.000m2 nhà làm việc, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh xá… được xây mới; 27ha ao hồ được đào mới để chăn nuôi, thả cá; trồng 240ha chuối trên đồi; xây dựng hệ thống tưới tiêu với khối lượng đào đắp 52.000m3 đất, chứa 800.000m3 nước, làm 4km đường trục chính; 20km đường tạm cùng với mạng lưới điện thắp sáng, đài truyền thanh, gây được một số giống kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp như giống chuối tiêu đồi, dứa không gai, ngô lai, cây phân xanh, đàn lợn Móng Cái… Năm 1976, Khu kinh tế thanh niên hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, diện tích trồng chè mới tăng 10%, diện tích trồng dứa mới tăng 50%, sản lượng dứa tăng ba lần, sản lượng thịt lợn tăng năm lần, nhà cửa bán kiên cố tăng 50% so với năm 1975…

Theo thời gian, khi cây chuối không còn phù hợp, đồng chí Nguyễn Công Tạn - Giám đốc Khu kinh tế Thanh niên (giai đoạn 1973-1977) nguyên là Phó Thủ tướng Chính phủ đã thử nghiệm đưa cây chè trồng trên đất đồi. Ba hec-ta chè được nhân giống bằng phương pháp giâm cành lấy từ trại ươm Phú Hộ đã được trồng thí điểm trên đất đồi Minh Đài. Sau hai năm, cây chè đã sinh trưởng, phát triển tốt, chứng tỏ khả năng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Không chỉ mở rộng diện tích cây chè trong khu kinh tế, các kỹ sư còn vận động nhân dân các xã lân cận phát triển cây chè, giúp lập quy hoạch đất đai, hỗ trợ về giống và kỹ thuật. Tinh thần thanh niên, tác phong làm việc kỷ luật nghiêm túc đã biến các xã miền núi khó khăn trở thành vùng chè trù phú, xanh tươi.

Nhà máy chè Thanh Niên (tiền thân là Xí nghiệp chè Thanh Niên) đầu tư máy móc hiện đại đáp ứng sản xuất chè đen OTD và CTC

Nhiều năm nay, cùng với sự lớn mạnh của Xí nghiệp chè Thanh Niên, Xí nghiệp chè Tân Phú, Xí nghiệp chè Phú Long thì các tổ, đội sản xuất của Khu kinh tế thanh niên năm xưa vẫn duy trì và phát triển. Ông Nguyễn Hồng Quân - Giám đốc Nhà máy chè Thanh Niên (trước là Xí nghiệp Chè thanh niên) cũng là con trai ông Nguyễn Tuyên Huấn cho biết: “Trên những nương, đồi chè mà các vị tiền bối đã dày công xây dựng, chúng tôi thế hệ con cháu tiếp tục nỗ lực phát triển sản xuất, tăng thu nhập và đảm bảo các chế độ cho CNLĐ”. Hiện Nhà máy chè có khoảng 450ha vùng nguyên liệu, mỗi năm xuất sang Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 1.300 tấn, chủ yếu là chè đen OTD và CTC…

Cùng với cây chè, những quả đồi hoang khi xưa nay đã được thay thế bằng những đồi cây nguyên liệu giấy, xen kẽ những nương chè xanh mướt, là nơi yên nghỉ của 45 liệt sĩ thanh niên xung phong dưới chân núi Bụt.

Kỳ II: Khởi sắc vùng kinh tế mới

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/nhung-nguoi-khai-pha-vung-dat-moi/185987.htm