Những người kiếm tiền nhờ tìm đồ hộ

Nhiều cô gái đang kiếm tiền nhờ việc tìm hoặc mua đồ hộ người khác. Họ biết chỗ bán các món hàng hiệu hiếm có.

 Công việc personal shopper mang lại nguồn thu nhập ổn định cho Jennifer Nisan. Ảnh: Refinery29.

Công việc personal shopper mang lại nguồn thu nhập ổn định cho Jennifer Nisan. Ảnh: Refinery29.

Vào năm 2018, Jennifer Nisan thành lập tài khoản cá nhân chuyên tìm nguồn cung cấp hàng xa xỉ. Ở thời điểm đó, cô chưa xác định được hướng đi và tương lai cho dự án này.

Jennifer Nisan yêu thích thời trang, từng làm thực tập sinh ở tạp chí ElleMarie Claire. Công việc của cô trong ngành thời trang không quá thuận lợi. Dự án tìm nguồn cung hàng xa xỉ và săn lùng những món khó mua hộ khách hàng trở thành công việc chính của Jennifer Nisan.

Kiếm tiền nhờ những món đồ hiệu khó mua

Chia sẻ với Refinery29, Nisan nhận định dự án của cô thành công là nhờ mạng xã hội. Trên mạng xã hội, hashtag #personalshopper có hơn 500 triệu lượt xem. Ngoài ra, các hashtag tương tự có hơn 7 triệu bài đăng.

Năm 2018, Nisan chia sẻ hình ảnh về mẫu túi Gucci "Globetrotter" trị giá 2.000 USD. Mẫu phụ kiện nằm trong bộ sưu tập mùa thu năm 2018 của thương hiệu. Điều này đã thu hút sự chú ý từ bạn của Nisan. Người này đã hỏi cô chỗ mua. "Tôi tìm kiếm từng cửa hàng Gucci mà bản thân nghĩ đến. Sau 15 cuộc gọi, một người xác nhận rằng có hàng tại cửa hàng", Nisan chia sẻ.

 Jennifer Nisan chủ yếu kết nối các cửa hàng với khách. Điều này giúp người mua có cơ hội xây dựng mối quan hệ với thương hiệu. Ảnh: Jennifer Nisan.

Jennifer Nisan chủ yếu kết nối các cửa hàng với khách. Điều này giúp người mua có cơ hội xây dựng mối quan hệ với thương hiệu. Ảnh: Jennifer Nisan.

Tin tức về việc Nisan tìm được nơi bán mẫu túi khó mua dần lan rộng. Nhiều người khác cũng tìm đến cô để nhờ mua hộ mẫu túi tương tự. Sau đó, cô tìm mua khoảng 10 sản phẩm mỗi tuần.

"Công việc chính của tôi là kết nối khách với cửa hàng. Tôi chỉ tính phí phần công sức mình bỏ ra. Điều này cho phép các khách hàng tự xây dựng mối quan hệ với thương hiệu", cô nói. Mức phí của Nisan thay đổi tùy theo từng sản phẩm.

Công việc kinh doanh của Gab Waller cũng phát triển nhờ mạng xã hội. 6 tháng sau khi mở dịch vụ tìm đồ hiệu ở Australia, Waller đã nhận được yêu cầu của một người quen. Khách hàng của cô muốn tìm mẫu áo khoác của Celine từ thời Phoebe Philo còn làm giám đốc sáng tạo.

Waller đã tìm được mẫu áo tại một cửa hàng ở Đan Mạch. Sau 4 năm, Gab Waller chuyên tìm hàng hiệu cho những người nổi tiếng như Hailey Bieber, Khloe Kardashian và Hilary Duff. Gần đây nhất, Waller đã tìm mua hộ Hailey Bieber đôi boots nạm pha lê từ Saint Laurent.

Gab Waller có khoản phí cố định là 200 USD. "Đối với tôi, điều quan trọng nhất là có thể tiếp cận mọi người. Mọi khách hàng đều cảm thấy như họ là VIP", cô nói.

Lùng sục khắp nơi để tìm đồ

Stylist kiêm personal shopper (tạm dịch: người mua sắm cá nhân) Mary Higham phát triển sự nghiệp tương tự các đồng nghiệp. Cô tập trung vào nhóm khách hàng không ở trong các kinh đô thời trang. Mary Higham tìm được nhiều món hàng ấn tượng tại các chợ đồ cũ ở New York.

Cô bắt đầu sự nghiệp tại Washington vào năm 2018. Cô thu thập các yêu cầu từ khách hàng địa phương, sau đó đến New York tìm đồ. Danh tiếng của Mary Higham bắt đầu lan rộng. Sau 4 năm, danh sách khách hàng thân thiết của cô phát triển từ 15 lên 300 người.

Nhiều người tìm đến Gab Waller (bên trái), Mary Higham nhờ tìm mua hộ đồ hiệu. Ảnh: Refinery29.

Nhiều người tìm đến Gab Waller (bên trái), Mary Higham nhờ tìm mua hộ đồ hiệu. Ảnh: Refinery29.

Gần đây, Waller đang tìm mua hộp trang sức cổ điển của Louis Vuitton từ khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, Higham đến buổi bán hàng mẫu của Balenciaga - nơi một khách hàng chi 3.000 USD cho váy và túi xách.

Nisan dành nhiều ngày tìm kiếm đôi boots da cá sấu có giá bán lẻ 15.000 USD, cũng như tham dự một số buổi trình diễn lớn nằm trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang New York và Paris.

Tìm hàng và mua hộ người khác có vẻ là một phương pháp kiếm tiền thuận lợi. Tuy nhiên, các cô gái phải đối mặt với lượng công việc tương đối nhiều.

Waller nhận được hơn 100 yêu cầu từ khách hàng mỗi ngày. Cô thành lập đội 10 người để cùng giải quyết các yêu cầu. Bên cạnh đó, công việc này bao gồm luôn cả việc "ôm hàng". Cụ thể, Higham từng cầm theo 6 túi đựng headband khi rời khỏi buổi bán hàng sale của Lele Sadoughi.

Tuy nhiên, các personal shopper cho biết họ yêu thích cảm giác được thực hiện mong muốn của khách hàng và săn tìm một món hàng hiếm. Điều này thúc đẩy họ nỗ lực vì công việc.

"Các khách hàng của tôi rất phấn khích khi nhận được món hàng. Họ coi nó như kho báu", Higham nói.

Giai Kỳ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-kiem-tien-nho-tim-do-ho-post1370028.html