Những nhạc công ẩn mình sau sân khấu chèo

Phía sau những vở diễn hấp dẫn của Nhà hát Chèo Hải Dương, ít người biết có sự đóng góp không nhỏ và lặng thầm của những nhạc công.

Nhạc công của Nhà hát Chèo Hải Dương tập luyện trước khi công diễn vở "Chuyện tình bên sông"

Nhạc công của Nhà hát Chèo Hải Dương tập luyện trước khi công diễn vở "Chuyện tình bên sông"

Đi trước, về sau

Tiếng trống chèo thúc giục, rộn ràng của hoạt cảnh “Tát nước đêm trăng” do đoàn Nhà hát Chèo Hải Dương biểu diễn tại sân đình Thanh Kỳ vẫn khiến ông Nguyễn Văn Thành ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) nhớ mãi. Buổi diễn chèo hôm ấy sân đình Thanh Kỳ chật cứng người. Lâu lắm người dân ở đây mới được thưởng thức những điệu chèo cổ hấp dẫn đến vậy.

Ông Thành cho biết từ nhỏ đã mê chèo nên từng xin bố mẹ cho đi học đàn bầu để tương lai theo gánh chèo của tỉnh nhưng không được. “Mẹ tôi bảo, sau mỗi vở diễn, người xem chỉ biết đến diễn viên chứ mấy ai nhắc đến mấy ông nhạc công, không danh, không phận”.

Các nhạc công Nhà hát Chèo Hải Dương phải đến từ rất sớm để chuẩn bị cho buổi biểu diễn (ảnh Nhà hát Chèo Hải Dương cung cấp)

Các nhạc công Nhà hát Chèo Hải Dương phải đến từ rất sớm để chuẩn bị cho buổi biểu diễn (ảnh Nhà hát Chèo Hải Dương cung cấp)

Đây cũng là nỗi niềm của không ít nhạc công của Nhà hát Chèo Hải Dương. Nhạc công Trịnh Văn Luyến, gần 60 tuổi, một trong những người nhiều tuổi nhất của dàn nhạc Nhà hát Chèo Hải Dương cho biết: “Nhạc công luôn phải đi trước về sau. Trước mỗi vở diễn chúng tôi phải đến từ rất sớm, chuẩn bị vị trí, nguồn điện, kiểm tra lại thiết bị, nhạc cụ. Thiếu hay quên một vài nhạc cụ là buổi diễn ấy không thành công. Khi nghệ sĩ hoàn thành vở diễn và có thể hân hoan ra về thì chúng tôi phải ở lại cất nhạc cụ cùng với bộ phận hậu cần khác thu dọn sân khấu”.

Anh Lê Văn Hiền, phụ trách dàn nhạc của Nhà hát Chèo Hải Dương chia sẻ, phía sau màn nhung luôn có nụ cười và mồ hôi của những nhạc công. Dàn nhạc của Nhà hát Chèo Hải Dương hiện có 8 người. Mỗi người có thể chơi thành thạo từ 1-2 nhạc cụ. Trong mỗi vở diễn, nhạc công cũng có những chuyện dở khóc dở cười. “Có lần đang biểu diễn thì trời bất chợt mưa to. Cả dàn nhạc hò nhau bê nhạc cụ chạy vào gầm sân khấu. Phía trên nghệ sĩ biểu diễn còn dưới gầm sân khấu nhạc công ướt như chuột lột vẫn say theo từng tiếng đàn, nhịp trống”, anh Hiền kể.

Để có thể chơi thành thạo nhạc cụ truyền thống, ngoài năng khiếu, nhạc công phải khổ luyện trong một thời gian dài. Phần lớn nhạc công Nhà hát Chèo Hải Dương thuộc thế hệ 7X, 8X. Đam mê, gắn bó với chiếu chèo, nghệ thuật truyền thống của quê hương nhưng nhiều người thường nói vui “Cơm áo không đùa với nhạc công”, bởi số tiền lương ít ỏi mỗi tháng nhận được và sự mai một của nghệ thuật chèo khiến họ khó vơi được nỗi lo.

Giúp nghệ thuật chèo tỏa sáng

Chèo đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người Hải Dương. Hải Dương nổi tiếng với "Chiếng chèo Đông" - 1 trong các chiếng chèo nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa. Chèo Hải Dương nổi tiếng không chỉ bởi có những nghệ sĩ tên tuổi như: Phạm Thị Trân, Trùm Thịnh, Trùm Bông, Cả Tam (Trịnh Thị Lan), Minh Lý, Kim Ly, Thúy Mùi, Hồng Tươi... mà còn có một dàn nhạc công cần mẫn.

Âm nhạc giúp các nghệ sĩ chèo tỏa sáng và thể hiện tốt vai diễn trên sân khâu

Âm nhạc giúp các nghệ sĩ chèo tỏa sáng và thể hiện tốt vai diễn trên sân khâu

Chiếng chèo Đông trải qua nhiều thăng trầm, biến cố nhưng đến nay vẫn giữ được những giá trị và sự hấp dẫn nhất định trong lòng công chúng. Để tiếp tục giúp nghệ thuật chèo xứ Đông tỏa sáng không thể không nhắc đến vai trò của nhạc công.

Theo nghệ sĩ Vũ Kim Hoàn, nguyên chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Chèo Hải Dương thì nhạc công là những người tạo nên hồn cốt của mỗi điệu chèo. Khi vở diễn bắt đầu, âm thanh của dàn nhạc sẽ giúp gắn kết từng màn, từng cảnh với nhau. Âm nhạc còn giúp diễn tả tâm trạng nhân vật, tạo nên không khí, tiết tấu, tốc độ cho vở diễn.

Dù phải biểu diễn ngoài trời rét, các nhạc công Nhà hát Chèo Hải Dương vẫn rất say mê để diễn viên thể hiện hết mình

Dù phải biểu diễn ngoài trời rét, các nhạc công Nhà hát Chèo Hải Dương vẫn rất say mê để diễn viên thể hiện hết mình

Còn theo Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương Nguyễn Văn Cường thì mỗi vở diễn là sản phẩm của một tập thể. Các nhạc công cũng góp phần không nhỏ giúp nghệ thuật chèo tỏa sáng. Không có họ, nghệ sĩ sẽ khó có thể vào vai thành công.

Vai trò của nhạc công đối với các vở chèo quan trọng như vậy nên Ban lãnh đạo Nhà hát Chèo Hải Dương luôn canh cánh nỗi lo tìm người kế cận. Những nhạc công của Nhà hát Chèo hiện nay đều đã cứng tuổi. Nếu không lo tìm lực lượng nối nghiệp sớm thì sẽ khó có thể giúp các em có điều kiện được trải nghiệm, rèn giũa trong môi trường nghệ thuật chèo trước khi “chín” nghề.

Anh Lê Văn Hiền, phụ trách dàn nhạc của Nhà hát Chèo Hải Dương cho biết thêm, hiện nay dàn nhạc của Nhà hát Chèo Hải Dương còn mỏng nên phải thêm từ 3-4 người nữa mới đáp ứng được công việc tốt hơn. Ban lãnh đạo Nhà hát Chèo đã từng lặn lội lên các trường chuyên đào tạo âm nhạc tại Hà Nội rồi đến từng địa phương trong tỉnh... để kiếm nhạc công kế cận nhưng vẫn rất khó khăn. Nguyên nhân ngoài đồng lương ít ỏi còn do giới trẻ ngày nay ít đam mê nhạc cụ truyền thống nên không dễ tuyển dụng. Nhiều em có năng khiếu, học hành bài bản lại muốn ở lại Hà Nội làm việc mà không thích về Hải Dương.

Chính phủ đã cho phép tỉnh Thái Bình phối hợp 14 tỉnh, thành phố đồng bằng, Trung du Bắc Bộ, trong đó có Hải Dương xây dựng hồ sơ nghệ thuật chèo đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Trong hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể và giúp nghệ thuật chèo lan tỏa, Hải Dương cũng cần một đội ngũ nhạc công tốt để có thể duy trì, phát triển thương hiệu "Chiếng chèo Đông".

HƯƠNG LAN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-nhac-cong-an-minh-sau-san-khau-cheo-381735.html