Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 28)

Ra đời trong khói lửa chiến tranh, tuy gặp nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) - BĐBP Đắk Lắk ngày nay luôn gắn bó với biên giới, không tiếc máu xương, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Điển hình là các đơn vị như Đồn Biên phòng Ea H'Leo và Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk...

Bài 28: Trên tuyến lửa Đắk Lắk

Ea H’Leo: Mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu

Tháng 10/1975, lúc mới thành lập, Đồn CANDVT Ea H’Leo chỉ có 25 CB, CS được tăng cường vào từ CANDVT Lạng Sơn. Đồn trưởng đầu tiên là Trung úy Hà Chi và Chính trị viên là Trung úy Nông Quốc Trấn. Ngay sau đó, đơn vị đã hành quân vào biên giới, khắc phục nơi ăn chốn ở, tìm hiểu tình hình để xác định vị trí đóng quân.

CB, CS Đồn Biên phòng Ea H’Leo dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Phương Vy

CB, CS Đồn Biên phòng Ea H’Leo dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Phương Vy

Sau hơn 5 tháng khảo sát, đơn vị mới tìm được vị trí đóng đồn, địa điểm này nằm gần ngã 3 sông Ea H’Leo và Ia Lốp, thuộc xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. Bước đầu, đơn vị gặp vô vàn khó khăn, gian khổ như điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, đi lại hết sức khó khăn, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh, nhất là sốt rét hoành hành. Song, với tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, vất vả, lớp CB, CS đầu tiên của Đồn CANDVT Ea H’Leo đã tỏ rõ bản lĩnh kiên cường, bất khuất, đoàn kết, gắn bó, cộng đồng trách nhiệm, quyết tâm xây dựng đồn. Vậy nên, chỉ sau một thời gian ngắn, đơn vị đã dựng được hàng trăm mét vuông nhà ở bằng gỗ, tre, tranh; đào và làm mới toàn bộ hệ thống hầm hào công sự đảm bảo cho công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới.

Doanh trại vừa mới dựng lên còn thơm mùi gỗ, Đồn CANDVT Ea H’Leo đã phải đối diện với những thử thách mới, khốc liệt, gian khổ hơn. Đó là sự gây hấn, tấn công của bọn Pol Pot. Cũng như các đơn vị CANDVT và nhân dân ở các ấp, buôn, bon trên biên giới Đắk Lắk, Đồn CANDVT Ea H’Leo trở thành mục tiêu tập kích của địch.

Đại tá Nguyễn Lương Hòa, nguyên Chính ủy BĐBP Đắk Lắk nhớ lại: Trong hơn 3 năm, từ năm 1976 đến tháng 1/1979, chúng đã hàng chục lần tập kích vào doanh trại và vào đội hình tuần tra của Đồn CANDVT Ea H’Leo. Chúng cũng đã nhiều lần cắt dây điện thoại hữu tuyến giữa đồn và Đại đội cơ động CANDVT Đắk Lắk. Ngoài ra, chúng còn gài mìn, gây ra một số thương vong cho đơn vị (2 đồng chí hy sinh, 4 đồng chí bị thương). Mặc dù tình hình diễn biến phức tạp, căng thẳng, nhưng với quyết tâm cao, tinh thần chiến đấu mưu trí, kiên cường, dũng cảm, CB, CS Đồn CANDVT Ea H’Leo đã chiến đấu, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Nhiều tập thể, cá nhân đã dũng cảm, ngoan cường, kiên quyết đánh trả, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa.

Tiêu biểu như ngày 18/6/1977, một toán quân Pol Pot vượt biên giới, vào sâu trong đất ta. Ngay sau khi phát hiện, tổ tuần tra của Đồn CANDVT Ea H’Leo nổ súng tiêu diệt 1 tên, bắn bị thương 2 tên, thu 1 khẩu súng AK, đuổi chúng về bên kia biên giới. Sau trận này, đồng chí Nguyễn Đức Thôi và tập thể Đồn CANDVT Ea H’Leo được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Sau đó, ngày 15/10/1977, tổ tuần tra của đơn vị do đồng chí Hồ Xuân Ới, Trung đội trưởng vũ trang chỉ huy, phát hiện một toán Pol Pot xâm phạm lãnh thổ của ta. Tổ tuần tra nhanh chóng bao vây, nổ súng diệt 2 tên, số còn lại bỏ chạy về bên kia biên giới. Ngày 2/1/1979, trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, tổ tuần tra do đồng chí Nông Văn Lang chỉ huy gặp một toán Pol Pot vào sâu trong đất ta. Tổ tuần tra đã nổ súng tiêu diệt tại chỗ 2 tên, bắn bị thương nhiều tên khác. Như vậy, từ năm 1976 đến đầu năm 1979, Đồn CANDVT Ea H’Leo chiến đấu, bắn chết 10 tên Pol Pot, bắn bị thương 4 tên khác, thu 4 súng AK và M79, 10 quả mìn KP2 và một số trang bị khác của địch.

Chứng tích lịch sử Sê Rê Pôk

Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk (tiền thân là Đồn CANDVT Sê Rê Pôk) đóng ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, ngay bên cạnh bến phà Sêrêpốk huyền thoại. Trong chiến tranh chống Mỹ, đây được xem là cửa ngõ huyết mạch của tuyến vận tải chiến lược chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam và hai nước Lào, Campuchia. Ngay bên cạnh tuyến đường 14C, cách cổng Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk khoảng 300m là tấm bia ghi dòng chữ: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Nằm cạnh bến sông là đài tưởng niệm ghi danh 71 liệt sĩ thuộc 4 đơn vị đã anh dũng hy sinh tại khu vực Đồn Sê Rê Pôk. Đứng đầu danh sách là tên tuổi, quê quán, cấp bậc, chức vụ 57 liệt sĩ thuộc Sư đoàn 470 Công binh (Bộ Tư lệnh Trường Sơn). Tiếp theo là danh sách 14 liệt sĩ của 3 đơn vị gồm: Đại đội 5, Đồn Sê Rê Pôk và Đồn Bo Heng thuộc CANDVT Đắk Lắk hy sinh qua các thời kỳ.

CB, CS Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: CTV

CB, CS Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: CTV

Theo Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk: Nơi đây, đầu mùa khô năm 1973 đến tháng 5/1975, Trung đoàn 4, Sư đoàn 470 Công binh đã thi công một ngầm cho xe tăng và một cầu nổi cho ô tô, pháo binh hạng nặng, bộ binh vượt sông Sêrêpốk. Công trình hoàn thành đã đưa các binh đoàn chủ lực, xe tăng, xe cơ giới cấp tập hành tiến về các tỉnh miền Đông Nam Bộ để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong quá trình xây ngầm, bắc cầu nối hai bờ sông Sêrêpốk, không quân và pháo binh Mỹ, ngụy đánh phá ác liệt khiến 57 chiến sĩ thuộc Sư đoàn 470 Công binh anh dũng hy sinh...

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nơi đây cũng chứng kiến sự chiến đấu quật cường, đầy anh dũng của CB, CS các đơn vị CANDVT Đắk Lắk trong chiến đấu với bọn Pol Pot để bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong những năm tháng ấy, 14 CB, CS của Đại đội 5, Đồn Sê Rê Pôk và Đồn Bo Heng thuộc CANDVT Đắk Lắk đã vĩnh viễn hóa thân vào đất mẹ nơi vùng biên viễn thuộc huyện Buôn Đôn.

Những chứng tích lịch sử của bến vượt sông Sêrêpốk và sự hy sinh anh dũng của 71 CB, CS Sư đoàn 470 Công binh và các đơn vị CANDVT Đắk Lắk có giá trị vô cùng to lớn, trở thành địa danh văn hóa, tồn tại cùng lịch sử dân tộc và mãi mãi là kỳ tích hào hùng về cuộc chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và nhân ta. Năm 2013, bến vượt sông Sêrêpốk được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Đại tá Ngô Hùng Cường, nguyên Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk nhớ lại: Thành lập tháng 10/1975 trong điều kiện còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng CB, CS Đồn CANDVT Sê Rê Pôk luôn phấn đấu, không ngừng lớn mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Với ý chí và lòng dũng cảm, đơn vị đã lập nên nhiều chiến công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cơ quan Đảng, chính quyền Nhà nước nơi đơn vị đóng quân. Chiến công đó của Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk đã góp phần viết nên những trang sử chói lọi về truyền thống của BĐBP, tô thắm thêm hình ảnh anh "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng đồng bào các dân tộc nơi vùng biên viễn Đắk Lắk.

Bài 29: Gia Lai: Chủ động bung lực lượng, đánh địch từ xa

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-28-post465707.html