Những vấn đề rút ra trong quá trình tổ chức lực lượng khống chế cháy rừng

BHG - Trong 2 ngày 26 – 27.4, trên địa bàn huyện Vị Xuyên xảy ra 2 vụ cháy rừng tại điểm cao 2.000 m thuộc thôn Tả Ván (giáp ranh 3 xã Xín Chải, Lao Chải, Phương Tiến) và giữa 2 thôn Hòa Bắc - Mịch A (xã Thuận Hòa). Trong quá trình chữa cháy rừng, 2 cán bộ kiểm lâm đã hy sinh, 1 cán bộ kiểm lâm bị thương, thiệt hại khoảng 15 ha rừng...

Ngay sau khi nhận được tin báo, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ứng phó với cháy rừng. Huy động 151 CBCS thuộc các đơn vị: Ban CHQS huyện Vị Xuyên, Trung đoàn 877, Đại đội 18 Thông tin/Phòng Tham mưu; cùng 324 CBCS dân quân, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng, nhân dân tham gia chữa cháy. Với tinh thần quyết tâm cao, chủ động, mưu trí, sáng tạo; không quản ngại ngày đêm, nắng lửa, dốc cao, vực thẳm... lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và nhân dân phát đường băng cản lửa, khống chế các đám cháy, không để bùng phát trở lại; tham gia tìm kiếm, vận chuyển và thực hiện công tác hậu sự đối với 2 đồng chí cán bộ kiểm lâm hy sinh.

Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 877 tham gia khống chế cháy rừng trên điểm cao 2.000 m (thuộc dãy Tây Côn Lĩnh).

Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 877 tham gia khống chế cháy rừng trên điểm cao 2.000 m (thuộc dãy Tây Côn Lĩnh).

Quá trình tham gia khống chế 2 vụ cháy rừng, nhiều bài học thành công và chưa thành công đã được các lực lượng rút ra kinh nghiệm, trong đó yếu tố mấu chốt của sự thành công là việc xác định quá trình tham gia khống chế cháy rừng không khác gì một trận chiến đấu. Từ khi nhận tin báo, quán triệt nhiệm vụ, tính toán thời gian, xác định những việc cần làm ngay cho cơ quan, đơn vị; chuẩn bị con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, hậu cần, trinh sát xác định đường cơ động, vị trí đặt sở chỉ huy, trạm dừng chân… Trong đó, chuẩn bị bộ đàm, đèn pin, dụng cụ chữa cháy nhẹ, nước uống và thức ăn khô cho bộ đội được ưu tiên hàng đầu. Các trung đội, tiểu đội, tổ từ hai người trở lên đều có người chỉ huy, phụ trách, phân công nhiệm vụ rõ ràng, hiệp đồng, tổ chức bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ. Quá trình hành quân tiếp cận khu vực cháy, phát đường băng cản lửa, khống chế đám cháy… đến việc tìm kiếm nạn nhân, bảo vệ hiện trường, vận chuyển nạn nhân về phía sau và rút quân, đều được chỉ huy thống nhất, chặt chẽ từ trên xuống dưới. Trong điều kiện sóng điện thoại di động không ổn định, hành quân đường rừng trong đêm thì thông tin bằng bộ đàm, thông tin vận động, thông tin tín hiệu và thông tin bằng hiệp đồng đã phát huy tối đa tác dụng. Đã thiết lập 5 tổ, mỗi tổ 2 đồng chí chốt tại 5 vị trí dọc đường hành quân để giữ thông liên lạc và làm công tác hậu cần, tiếp tế từ phía sau lên, tránh bị lạc đường. Thực tế, trong các lực lượng tham gia chữa cháy chỉ có lực lượng của Bộ CHQS tỉnh là bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt từ đầu đến cuối, bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng, các hướng, tốp, tổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Có một quyết định mà sở chỉ huy đưa ra, sau này được kiểm chứng rất đúng đắn, đó là: Từ chiều ngày 26.4, bộ đội hành quân xuyên rừng, đến 21 giờ 40 phút vẫn chưa tiếp cận khu vực cháy. Nhận định, đường rừng, dốc cao, vực sâu, hiểm trở cơ động khó khăn, nếu tiếp tục hành quân để cố tiếp cận đám cháy, khả năng mất an toàn rất cao. Chính vì thế, qua máy bộ đàm, Thượng tá Trần Văn Chiến, Phó Tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh ra lệnh cho bộ đội chọn vị trí thích hợp dừng nghỉ trong đêm. Đây là một quyết định rất kịp thời, chính xác. Có mặt tại hiện trường, đồng chí Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhận xét: “Tôi đã đi nhiều nơi, tham gia chữa cháy rừng nhiều vụ, nhưng đúng chỉ có bộ đội mới tổ chức điều hành chặt chẽ được như vậy; còn các lực lượng khác, kể cả Kiểm lâm chúng tôi, cũng không làm được như vậy”.

Trong gần 6 tiếng đồng hồ hành quân tiếp cận khu vực cháy, trong điều kiện đêm tối, hành quân bộ, đường rừng, núi cao, dốc đứng, nguồn nước rất khó khăn, áo quần của anh em ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt… Khi tiếp cận gần đám cháy, gió to, thực bì dày, lửa lớn, nhiệt độ cao, khói bụi, nhưng bộ đội vẫn giữ nghiêm kỷ luật, giữ được cự ly đội hình, giữ được liên lạc, quan trọng nhất là giữ được tinh thần chiến đấu và bảo đảm an toàn tuyệt đối cả người lẫn trang bị… Điều đó chỉ được giải thích bởi quá trình huấn luyện, giáo dục bài bản, thường xuyên, liên tục, chất lượng ngay từ những ngày đầu vào quân ngũ; bộ đội có đủ sức khỏe, đủ dũng khí, đủ quyết tâm, đủ kỹ năng chiến đấu, kỹ năng bảo vệ mình và tương trợ đồng đội. Trong gian khó, nguy nan, hành động mẫu mực của đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là mệnh lệnh không lời, lan tỏa trong bộ đội, tạo niềm tin, giữ vững ý chí, nhân lên gấp bội sức mạnh để anh em vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thực tế, bộ đội hành quân đường rừng, đèo dốc, lượng nước vận chuyển theo không được nhiều, mỗi người lại chỉ một bình tông đeo bên hông; gặp nắng, lửa, nhiệt độ cao, nước uống hết rất nhanh, chứ chưa nói đến nước để dấp vào khăn mặt và nước để dập lửa. Trong điều kiện đường xa, núi cao, thực bì dày, nguồn nước khó khăn, dụng cụ chữa cháy tỏ ra đắc dụng hơn cả là cuốc và xẻng. Vừa có thể làm gậy chống khi hành quân, vừa có thể đào bới, san lấp tạo bậc, vừa có thể phát đường băng cản lửa, dập tàn than hoặc hất đất dập tắt lửa cháy nhỏ… nếu điều kiện cho phép nên trang bị flycam và phải tính toán làm sao vận chuyển bảo đảm kịp thời nước, trước hết là nước uống cho bộ đội đủ sức chiến đấu.

Những kết quả, thành tích tham gia chống giặc lửa nêu trên của LLVT tỉnh trong 2 ngày 26 - 27.4 vừa qua là rất thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thể hiện tinh thần “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội ta, tinh thần của các chiến sỹ Điện Biên năm xưa nói chung, truyền thống “Trung thành, đoàn kết, kiên cường, chiến thắng” của LLVT Hà Giang nói riêng; thể hiện lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm, sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy, có thể hy sinh cả tính mạng, góp phần lan tỏa và tô thắm thêm hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Bài, ảnh: Đình Trọng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202405/nhung-van-de-rut-ra-trong-qua-trinh-to-chuc-luc-luong-khong-che-chay-rung-1771fcc/