Niềm vui từ con đường mới

Con đường bê tông dài gần 3km trải dọc xóm Rộc, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kt-xh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kinh phí 2 tỷ đồng đã giúp người dân đi lại dễ dàng, giao thương hàng hóa thuận lợi…

Con đường bê tông dài gần 3km trải dọc xóm Rộc, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kt-xh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kinh phí 2 tỷ đồng đã giúp người dân đi lại dễ dàng, giao thương hàng hóa thuận lợi…

Đường xóm Rộc, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) được đầu tư giúp bà con đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đường xóm Rộc, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) được đầu tư giúp bà con đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sau vài năm tôi có dịp trở lại xóm Rộc, xã Ngọc Sơn. Trước đây, ấn tượng về xóm là gần trung tâm xã nhưng con đường đất đến xóm lầy lội. Ngày mưa thì trơn trượt, nhiều đoạn đi xe máy phải "bơi” bằng hai chân để khỏi ngã, ngày nắng sợ nhất gặp ô tô đi ngược chiều vì bụi mù mịt. Lần trở lại này xóm Rộc đã khác trước nhiều. Đi trên con đường dài hơn 3km thảm bê tông, hai bên đường là những vườn mía, vườn ngô xanh mướt cảm nhận được niềm vui của bà con nơi đây. Tuyến đường từ trung tâm xã vào xóm chỉ còn chừng hơn 300m đang rải đá chuẩn bị hoàn thiện.

Thấy tôi đứng lại chụp ảnh con đường, ông Bùi Văn Thông, xóm Rộc bắt chuyện: Đến giờ tôi vẫn không tin là có đường bê tông vào đến tận nhà mình. Trước đây mỗi lần có việc ra xã, xuống huyện phải đi trên con đường đất tạm bợ rất vất vả, khó khăn. Nắng thì bụi, mưa thì trơn. Ra đến đường xã mới thấy nhẹ người. Nhiều lúc chở con đi học bị ngã và lầy, phải nhờ người đẩy xe hộ. Nay con đường được đầu tư sạch đẹp không chỉ tôi mà bà con ở đây ai cũng phấn khởi.

Ở vùng cao huyện Lạc Sơn, ngoài thu nhập từ cây lúa, ngô, trồng rừng thì mía là cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Niềm mong mỏi lớn nhất của bà con là có con đường kiên cố để con em đi học cũng như việc sản xuất được thuận tiện. Từ khi có đường ô tô, sản phẩm nông sản của người dân bán được giá, không còn tự cung tự cấp. Cuộc sống khấm khá hơn, việc khám, chữa bệnh cũng không vất vả như trước khi phải gần chục người thay nhau khiêng người ốm xuống viện.

Vừa trồng ngô vừa trò chuyện, chị Bùi Thị Chìu, xóm Rộc phấn khởi cho biết: Con đường được làm từ đầu năm. Từ khi có đường bà con trồng ngô, mía không lo bị ép giá hay phải dùng xe máy chở từng bao ra xã để bán như trước. Mùa mưa vừa rồi xe tải vào tận vườn để chở ngô. Giờ cứ tích cực phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đến vụ tư thương lên tận xóm thu mua hoặc có thể tự mang xuống huyện bán. Cuộc sống và thu nhập của người dân nơi đây ổn định hơn.

Đồng chí Bùi Văn Phú, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Lạc Sơn cho biết: Xác định làm đường giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển. Những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đầu tư đường giao thông đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi đời sống, tư duy của người dân. Đường giao thông là một trong những động lực giúp các xã vùng cao phát triển, đổi thay trên các lĩnh vực. Do vậy, khi có nguồn vốn chương trình mục tiêu năm 2022, Phòng Dân tộc đã rà soát, xác định đây là con đường quan trọng của xã Ngọc Sơn, thực hiện đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/183895/niem-vui-tu-c111n-duong-moi.htm