Ninh Thuận lên kế hoạch xây dựng khu công nghiệp xanh

Tỉnh Ninh Thuận lên kế hoạch xây dựng khu công nghiệp Cà Ná theo hướng khu công nghiệp xanh.

Ngày 27-4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo Năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon. Hội thảo này nằm trong chuỗi sự kiện công bố quy hoạch, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận năm 2024.

Tiềm năng trở thành trung tâm năng lượng xanh

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, cho biết tỉnh này đặt ra mục tiêu đến năm đến năm 2025 trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Tỉnh ủy Ninh Thuận cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề này.

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận nói tỉnh có tiềm năng lớn để sản xuất hydrogen. Ảnh: H.H

Theo ông Phạm Văn Hậu, hiện nay việc phát triển sản xuất hydrogen tập trung vào các công nghệ bảo đảm không phát thải hoặc phát thải carbon thấp. Hydrogen được sản xuất từ các công nghệ này được coi là hydrogen sạch, hydrogen sạch được xác định là công nghệ đột phá nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Trong đó, Ninh Thuận được đánh giá là một trong các tỉnh có tiềm năng, cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydrogen xanh.

“Đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường”- ông Hậu nói. Ông bày tỏ mong muốn thông qua hội thảo, Ninh Thuận sẽ là điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất hydrogen.

Trình bày tham luận, ông Eric HU, Giám đốc giải pháp khu công nghiệp Net-Zero, Tập đoàn Envision Group (Trung Quốc), đánh giá Ninh Thuận có vị trí chiến lược là nút giao kết nối ba vùng kinh tế trọng điểm là Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tỉnh cũng có quỹ đất dồi dào, giao thông thuận lợi, nguồn năng lượng gió, nắng dồi dào.

Ông Eric HU, Giám đốc giải pháp khu công nghiệp Net-Zero, trình bày tham luận. Ảnh: H.H

Ông Eric HU nhận định với lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên, vị trí thuận lợi, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng cao để phát triển các cụm công nghiệp Net-Zero.

Đại diện Tập đoàn Envision Group cam kết sẽ hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận khởi xướng quy hoạch “hệ sinh thái công nghiệp net-zero” để triển khai khu công nghiệp Net-zero đầu tiên và trở thành trung tâm năng lượng xanh của Việt Nam.

Xây dựng khu công nghiệp xanh

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho biết tập đoàn này có kế hoạch phát triển một số tổ hợp năng lượng xanh để sản xuất hydrogen, amoniac xanh tại Việt Nam. Dự kiến, tập đoàn sẽ sản xuất 250.000 tấn/năm hydrogen xanh vào năm 2030 và 2,5 triệu/năm tấn vào năm 2050.

Theo ông Tiến, năng lượng gió, mặt trời là những nguồn chính để sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh. Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng này. Nắm bắt nhu cầu hydrogen và tiềm năng của Ninh Thuận, Trung Nam đang nghiên cứu và phát triển mô hình khu phức hợp năng lượng xanh tại đây.

Giới thiệu mô hình khu phức hợp năng lượng xanh tại hội thảo. Ảnh: H.H

Quy mô dự án có ba hợp phần gồm nhà máy hydrogen xanh Cà Ná, tổ hợp năng lượng tái tạo cấp nguồn và tổ hợp cảng xuất hàng lỏng. Mục tiêu của dự án là sản xuất hydro, oxy và amoniac xanh phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Đồng thời, sản xuất các sản phẩm dẫn xuất từ hydro như pin nhiêu liệu, phân bón, khí metan xanh, methanol xanh và nhiêu liệu xanh theo nhu cầu thị trường… Bên cạnh đó, Trung Nam cũng sẽ xây dựng khu công nghiệp Cà Ná với tổng diện tích 827 ha tại huyện Thuận Nam theo hướng khu công nghiệp xanh.

Khu công nghiệp Cà Ná định hướng thu hút đầu tư và sẽ cùng với các đối tác phát triển khu công nghiệp theo hướng sử dụng năng lượng xanh và hoạt động sản xuất chọn lọc phù hợp tiêu chí xanh, bền vững.

Dự kiến, tại hội nghị công bố quy hoạch, xúc tiến tỉnh Ninh Thuận ngày mai (28-4), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với Trung Nam Group dự án nghiên cứu, phát triển hydro xanh với vốn đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng và dự án khu công nghiệp Cà Ná với tổng mức đầu tư gần 5.500 tỉ đồng.

Chuyển đổi năng lượng bền vững

Theo ông Đặng Hà Anh, Trưởng nhóm vận chuyển và chế biến dầu khí- Vụ Dầu khí và than Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định có mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo.

Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

HUỲNH HẢI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ninh-thuan-len-ke-hoach-xay-dung-khu-cong-nghiep-xanh-post787912.html