Nợ công, thâm hụt ngân sách của Mỹ khiến giới tài chính bất an

Nợ của Chính phủ liên bang Mỹ đến nay đã tăng gần 50% nếu so với ở thời điểm những ngày đầu của đại dịch Covid-19...

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill - Ảnh: Reuters.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill - Ảnh: Reuters.

Điều này đang làm gia tăng mối lo ngại không chỉ của các nhà hoạch định chính sách ở Washington mà cả giới tài chính Phố Wall.

Khối nợ chính phủ Mỹ đang ở mức 34,5 nghìn tỷ USD, nhiều hơn khoảng 11 nghìn tỷ USD so với mức của tháng 3/2020. Nếu so với quy mô nền kinh tế Mỹ, nợ chính phủ của nước này đang tương đương 120% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Cho tới gần đây, những con số khổng lồ về tình trạng nợ nần của chính phủ Mỹ chủ yếu gây lo ngại cho các nghị sỹ ở Đồi Capitol và những cơ quan giám sát như Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB). Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, thời gian gần đây, mối lo này đã bắt đầu ngấm tới Chính phủ Mỹ và các định chế tài chính lớn ở Phố Wall. Một ngân hàng đầu tư có tên tuổi thậm chí đã đặt câu hỏi liệu chi phí vay nợ của Chính phủ Mỹ có thể đặt ra rủi ro lớn đối với xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán nước này.

“Mỹ đang có thâm hụt ngân sách mang tính cơ cấu ở mức cao. Đây là một vấn đề mà sớm hay muộn chúng tôi sẽ phải giải quyết, mà giải quyết được sớm thì tốt hơn nhiều”, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu tại một sự kiện ở Amsterdam, Hà Lan vào tuần vừa rồi.

Từ trước tới nay, ông Powell thường tránh bình luận về những vấn đề như thế này, nhưng tại sự kiện nói trên, ông khuyến khích khán giả đọc báo cáo gần đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) về tình trạng của nền tài khóa nước này. “Mọi người nên đọc những thông tin được xuất bản về thâm hụt ngân sách của Mỹ, và sẽ thấy rằng đây là một vấn đề mà giới chức được dân bầu cần phải bắt tay vào giải quyết sớm hay muộn’, ông nói.

HƯỚNG ĐI NGUY HIỂM CỦA NỢ CÔNG MỸ

Những con số mà CBO là đáng lo ngại, nếu xét về việc những con số này cho thấy hướng đi tiềm tàng của nợ và thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ. CBO ước tính nợ công của Mỹ sau khi trừ đi nghĩa vụ nợ giữa các cơ quan chính phủ với nhau đang ở mức 27,4 nghìn tỷ USD, tương đương 99% GDP và tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 116% GDP trong vòng 1 thập kỷ tới.

Nợ công của Mỹ sau khi trừ đi nghĩa vụ nợ giữa các cơ quan chính phủ với nhau đang ở mức 27,4 nghìn tỷ USD, tương đương 99% GDP và tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 116% GDP trong vòng 1 thập kỷ tới - Nguồn: CBO/CNBC.

Nợ công của Mỹ sau khi trừ đi nghĩa vụ nợ giữa các cơ quan chính phủ với nhau đang ở mức 27,4 nghìn tỷ USD, tương đương 99% GDP và tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 116% GDP trong vòng 1 thập kỷ tới - Nguồn: CBO/CNBC.

“Mức nợ như vậy sẽ lớn hơn ở bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử Mỹ”, CBO viết trong báo cáo cập nhật gần đây nhất. Thâm hụt ngân sách gia tăng đang là nguyên nhân chính đẩy nợ công của Mỹ tăng cao, nhưng CBO cho rằng tình hình sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Cơ quan này dự báo ngân sách liên bang thâm hụt 1,6 nghìn tỷ USD trong tài khóa 2024, và con số thâm hụt trên thực tế trong 7 tháng đầu của năm tài khóa đã lên tới 855 tỷ USD. Cũng theo CBO, đến năm 2034, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng lên mức 2,6 nghìn tỷ USD. Nếu xét theo tỷ trọng so với GDP, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tăng từ 5,6% trong tài khóa hiện tại lên 6,1% chỉ trong vòng 10 năm.

“Từ Đại suy thoái 1930 đến nay, thâm hụt ngân sách của Mỹ chỉ cao hơn mức đó trong các giai đoạn gồm Đại chiến thế giới II, khủng hoảng tài chính 2007-2009, và đại dịch Covid-19”, báo cáo của CBO cho biết.

Nói cách khác, mức thâm hụt ngân sách cao như vậy chủ yếu chỉ xuất hiện trong các giai đoạn kinh tế suy thoái sâu, thay vì khi tình trạng kinh tế Mỹ tương đối mạnh như hiện nay. Sau một đợt suy thoái sâu chớp nhoáng khi Covid mới trở thành đại dịch hồi tháng 3/2020, kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ và đến nay vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng tốt. Nếu để so sánh, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải tuân thủ nguyên tắc thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% GDP.

Trong một cuộc trao đổi với trang tin Sky News của Anh vào tuần vừa rồi, CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase đã bàn về ảnh hưởng dài hạn của nợ công Mỹ. “Nước Mỹ cần nhận thấy nên chú trọng xử lý thâm hụt ngân sách hơn nữa. Và đó cũng là một vấn đề quan trọng đối với thế giới”, ông Dimon nhấn mạnh.

“Sẽ đến lúc thâm hụt ngân sách và nợ công lớn gây ra vấn đề, vậy thì sao lại phải chờ? Vấn đề sẽ xảy đến trên thị trường, và sau đó giới chức sẽ buộc phải giải quyết, có thể bàng một cách ít dễ chịu hơn nhiều so với việc hành động luôn ngay từ đầu”, vị CEO nói thêm.

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách hàng năm so với GDP của Chính phủ Mỹ - Nguồn: CBO/CNBC.

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách hàng năm so với GDP của Chính phủ Mỹ - Nguồn: CBO/CNBC.

Tương tự, trong một cuộc trao đổi với tờ báo Financial Times, nhà sáng lập Ray Dalio của công ty quản lý quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates bày tỏ lo ngại về mức nợ tăng cao của Mỹ, cho rằng điều này sẽ khiến trái phiếu kho bạc Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn “nhất là khi nhà đầu tư quốc tế lo ngại về bức tranh nợ nần của Mỹ”.

Cho tới hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài có vẻ vẫn rất thiết tha với trái phiếu kho bạc Mỹ. Ở thời điểm tháng 3, tổng lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trong tay nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,1 nghìn tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm thứ Tư tuần trước. Trái phiếu kho bạc Mỹ vốn được xem là một tài sản an toàn, một địa chỉ hấp dẫn để nhà đầu tư cất tiền mặt. Tuy nhiên, quan niệm này có thể thay đổi nếu Chính phủ Mỹ không kiểm soát được chi tiêu.

TÌNH HÌNH NGÂN SÁCH MỸ CÓ THAY ĐỔI SAU BẦU CỬ?

Một mối lo của giới đầu tư hiện nay là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường cổ phiếu. “Vấn đề lớn hiển hiện là nợ liên bang của Mỹ đang có một hướng đi dài hạn hoàn toàn không bền vững”, một báo cáo của công ty Wolfe Research nhận định. Các nhà phân tích thực hiện báo cáo này lo ngại rằng giới đầu tư sẽ dừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ trừ phi Chính phủ Mỹ lập lại được trật tự tài chính, trong khi chi phí lãi vay tăng cao đặt ra áp lực phải cắt giảm các khoản chi tiêu.

“Chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách của cả hai đảng đều chưa sẵn sàng giải quyết tình trạng mất cân đối tài khóa dài hạn một cách nghiêm túc chừng nào thị trường còn chưa chưa có phản ứng mạnh với tình trạng thiếu bền vững này”, báo cáo của Wolfe viết. “Chúng tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách và thị trường đang đánh giá thấp số tiền lãi suất ròng mà Chính phủ Mỹ phải trả trong tương lai”.

Việc Fed tăng lãi suất để chống lạm phát đã làm phức tạp thêm tình hình nợ của Chính phủ Mỹ. Bắt đầu từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, Fed đã tăng lãi suất 11 lần, với lượng tăng tổng cộng 5,25 điểm phần trăm. Việc thắt chặt này dẫn tới lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, đồng nghĩa Chính phủ Mỹ phải trả lãi suất cao hơn khi phát hành trái phiếu để vay nợ.

Lãi ròng từ nợ của Chính phủ liên bang - tính bằng tổng số tiền lãi mà Chính phủ phải trả trừ đi thu nhập từ đầu tư của Chính phủ - đã lên tới 516 tỷ USD trong năm tài khóa này. Con số này lớn hơn cả chi tiêu cho quốc phòng hoặc chương trình y tế Medicare, đồng thời gấp khoảng bốn lần số tiền chi cho giáo dục.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 lẽ sẽ chỉ mang tới một vài khác biệt nho nhỏ trong tình hình tài khóa liên bang. Nợ công của Mỹ đã tăng vọt dưới thời Tổng thống Joe Biden và trước đó cũng đã leo thang mạnh dưới thời đối thủ Đảng Cộng hòa của ông, cựu Tổng thống Donald Trump, một phần do việc chi tiêu ồ ạt để ứng phó với đại dịch.

Mức thâm hụt ngân sách hàng năm của Chính phủ Mỹ. Đơn vị: nghìn tỷ USD - Nguồn: CBO/CNBC.

Mức thâm hụt ngân sách hàng năm của Chính phủ Mỹ. Đơn vị: nghìn tỷ USD - Nguồn: CBO/CNBC.

Các nhà kinh tế Alec Phillips và Tim Krupa của ngân hàng Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo: “Cuộc bầu cử có thể dẫn tới thay đổi triển vọng tài khó trung hạn, nhưng khả năng này là thấp hơn so với những gì mà mọi người có thể hình dung”.

Một chiến thắng áp đảo thuộc về Đảng Cộng hòa có thể dẫn đến việc gia hạn chương trình cắt giảm thuế doanh nghiệp sắp hết hạn mà ông Trump đã khởi xướng vào năm 2017. Ngược lại một chiến thắng của Đảng Dân chủ có thể khiến thuế tăng, nhưng “phần lớn số tiền thuế thu thêm được có thể sẽ dành cho các khoản chi tiêu mới”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đối với ngân sách liên bang Mỹ hiện nay là chi tiêu cho hai chương trình An sinh xã hội và Medicare. Hiện không có kịch bản nào liên quan đến cuộc bầu cử mà hai chương trình này có thể được cải cách để giảm chi tiêu chính phủ, theo Goldman Sachs.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/no-cong-tham-hut-ngan-sach-cua-my-khien-gioi-tai-chinh-bat-an.htm