Nỗ lực chống khai thác IUU để phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản
Tỉnh Kiên Giang hiện có gần 10.000 tàu cá từ 6m trở lên; trong đó có gần 4.000 tàu 15m trở lên đánh bắt xa bờ. Để góp phần gỡ 'thẻ vàng' IUU của Ủy ban châu Âu (EC), các đơn vị Biên phòng trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kiên quyết xử lý vi phạm về khai thác thủy sản.
Là một trong những đơn vị quản lý nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ của tỉnh Kiên Giang, trong đó có trên 1.000 tàu cá, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông, huyện Kiên Lương luôn thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác. Đơn vị đặc biệt chú trọng thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến từng chủ tàu, ngư dân về quy định khai thác hợp pháp nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm của ngư dân trong khai thác đánh bắt.
Ông Nguyễn Văn Tùng, thuyền trưởng tàu cá ở cửa biển Hòn Chông (xã Bình An, huyện Kiên Lương) cho biết, hoạt động khai thác hải sản trong năm 2023 và những tháng đầu năm tương đối thuận lợi. Số lượng tôm, cá, mực đánh bắt được ở các ngư trường khá dồi dào nên sau các chuyến vươn khơi bám biển (40 ngày), mỗi ngư dân được chia từ 20 - 30 triệu đồng. Công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được lực lượng chức năng triển khai thường xuyên, liên tục, giúp cho các thành viên trên tàu nắm rõ và thực hiện nghiêm.
“Các cán bộ bên Đồn Biên phòng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Cảnh sát biển tổ chức họp mặt, gặp gỡ phát tài liệu, tờ rơi hướng dẫn cho chủ tàu, ngư phủ, phổ biến những quy định nào được phép và không được phép. Đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, ngư lưới cụ, giấy phép khai thác thủy sản, giấy tờ của ngư dân... Chúng tôi hiểu rõ nên trang bị đầy đủ mọi thứ và chỉ đến khai thác trong vùng biển nước mình, không đến gần hoặc đánh bắt ở vùng biển nước ngoài để không vi phạm pháp luật”, ông Tùng cho hay.
Là một trong những ngư dân gắn bó lâu năm với nghề khai thác đánh bắt, ông Nguyễn Tấn Dũng (65 tuổi), chủ tàu cá ở xã Bình An, huyện Kiên Lương cho biết, bản thân ông cũng như nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ ở địa phương đều nóng lòng mong muốn ngành khai thác thủy sản nước ta được gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU để tình hình xuất khẩu thủy sản được sôi động và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những năm gần đây.
“Với sự vào cuộc tích cực của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trong việc tuyên truyền, nhắc nhở, các quy định về khai thác, đánh bắt hợp pháp trong thời gian qua đã giúp "thấm sâu" tới mỗi chủ tàu, tài công, ngư dân. Không còn tình trạng chủ tàu hay ngư phủ vi phạm do thiếu hiểu biết như trước đây. Quan trọng là mỗi người tham gia hoạt động khai thác cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm để thực hiện nghiêm các quy định, không còn để xảy ra những vi phạm, để nước ta sớm được gỡ bỏ thẻ vàng”, ông Dũng bày tỏ.
Trung tá Danh Nguyễn Thanh Hải, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông, huyện Kiên Lương cho biết, đơn vị đã quán triệt và triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên liên quan đến công tác phòng chống khai thác IUU. Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền được cán bộ, chiến sĩ đơn vị đặc biệt chú trọng với nhiều hình thức.
“Bên cạnh các mặt công tác thường xuyên, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông phối hợp với một số đơn vị mở các đợt cao điểm từ 20 ngày đến 1 tháng để kiểm tra, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm như: thiếu giấy phép hoạt động khai thác đánh bắt, không lắp thiết bị giám sát hành trình, hoặc ngắt thiết bị để nhằm qua mặt sự giám sát của lực lượng chức năng… Cùng với đó, đơn vị cũng bố trí 1 tổ kiểm soát lưu động và 5 trạm kiểm soát tại các bến để kiểm soát chặt chẽ các giấy tờ, người và phương tiện. Đơn vị cương quyết không cho xuất bến ra khơi đối với các phương tiện không đảm bảo”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, tỉnh hiện có gần 4.000 tàu đánh bắt xa bờ và có nhiều hòn đảo, cửa biển, đặc biệt là ngư trường khai thác tiếp giáp với nhiều nước. Do đó, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của lực lượng gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Thực hiện Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; liên tục mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi vi phạm liên quan đến chống khai thác IUU.
Đại tá Doãn Đình Tránh, Phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang thông tin thêm: “Biển Kiên Giang cũng tiếp giáp với biển Cà Mau nên chúng tôi thường xuyên trao đổi với Bộ đội Biên phòng Cà Mau, Hải quân vùng 5, Cảnh sát biển vùng 4 để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nắm tình hình trên biển; tuyên truyền, ngăn chặn, hạn chế, dần đi đến chấm dứt vi phạm khai thác IUU. Trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, các lực lượng, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát các phương tiện ra vào các cảng”.