Nỗ lực thay đổi định kiến về giới

Trà Chẩu là thôn đặc biệt khó khăn duy nhất của xã Sơn Hà, Bảo Thắng được hưởng lợi từ Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em'.

Thôn Trà Chẩu có 114 hộ, 100% là dân tộc Dao. Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số vấn đề định kiến về giới tác động trực tiếp đến trẻ em, phụ nữ địa phương.

Những ngày này, một số thành viên của câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thôn Trà Trẩu đang hăng say tập luyện tiết mục kịch có tựa đề “Một đàn vịt giời” để chuẩn bị tham gia dự thi cuộc thi về bình đẳng giới do địa phương tổ chức và sẽ công diễn trong buổi họp thôn vào tháng tới. Nội dung vở kịch xoay quanh câu chuyện gia đình ông Páo, sinh được 4 cô con gái. Nhà thuộc hộ nghèo, cuộc sống khó khăn mọi bề nhưng ông vẫn nhất quyết muốn vợ sinh thêm cho bằng được 1 cậu con trai. Sau nhiều lần động viên, giảng giải của cán bộ xã, ông Páo đã hiểu chuyện, không sinh thêm con mà tập trung chăm lo cho 4 cô con gái và phát triển kinh tế gia đình.

 Thành viên câu lạc bộ đang tập luyện vở kịch "Một đàn vịt giời".

Thành viên câu lạc bộ đang tập luyện vở kịch "Một đàn vịt giời".

Câu chuyện của gia đình ông Páo trong vở kịch kể trên cũng tương tự như chuyện của một số gia đình tại thôn Trà Chẩu. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, muốn có con trai để nối dõi tông đường khiến cho một số người chồng, người cha tại đây mong muốn, bắt vợ phải sinh con trai.

Dẫn chứng câu chuyện cụ thể, chị Bàn Thị Quý, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Trà Chẩu kể về trường hợp gia đình anh Trương Văn S. Vợ chồng anh S năm nay hơn 40 tuổi, sinh được 6 người con gái. Buồn chán vì nhà toàn “vịt giờ”, anh S bỏ bê việc nhà, thường xuyên uống rượu rồi về đánh, mắng vợ, con; ép vợ tiếp tục sinh tiếp cho bằng được con trai. Câu chuyện của gia đình anh S kéo dài nhiều năm mà chưa có cách giải quyết thỏa đáng.

Năm 2022, khi thôn Trà Chẩu thành lập được Tổ truyền thông cộng đồng, các thành viên của tổ cùng với cán bộ phụ nữ, y tế địa phương đã mời anh S tham gia sinh hoạt, thường tới nhà để trò chuyện, động viên gia đình. Tổ cũng mời vợ chồng anh S dự một số chương trình về bình đẳng giới, gặp gỡ các tấm gương gia đình sinh con “một bề” ở xã. Hai con gái của anh S tham gia câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã trở thành hạt nhân tích cực để tuyên truyền, giải thích cho bố thay đổi định kiến về giới. Sau khi hiểu chuyện, anh S đã đưa vợ đến trạm xá xã để sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chăm chỉ lao động để cùng vợ nuôi dạy các con khôn lớn.

 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" thôn Trà Chẩu sinh hoạt nền nếp, ổn định vào ngày 20 hằng tháng.

Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" thôn Trà Chẩu sinh hoạt nền nếp, ổn định vào ngày 20 hằng tháng.

Nỗ lực thay đổi định kiến giới, khi được hưởng lợi từ Dự án 8, năm 2022, chính quyền địa phương đã thành lập câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và Tổ truyền thông cộng đồng thôn Trà Chẩu. Trong đó, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” có 15 thành viên là thanh, thiếu niên tại thôn, mục tiêu là tạo ra sự thay đổi trong nhận thức và hành động ngay từ thế hệ trẻ đồng thời hỗ trợ các bạn trẻ tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động cộng đồng an toàn, không định kiến giới.

Câu lạc bộ cũng trang bị cho các thanh, thiếu niên kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, góp phần tạo thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là vấn đề sức khỏe sinh sản và kết hôn trẻ em. Là thành viên câu lạc bộ, các em chính là người đi đầu để tuyên truyền gia đình và cộng đồng, phổ biến thông tin và kêu gọi sự tham gia của các bạn khác, cha mẹ và người dân xung quanh vào các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em trong gia đình, trường học và cộng đồng.

 Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng là nhân tố tích cực tuyên truyền, triển khai công tác bình đẳng giới cho người dân.

Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng là nhân tố tích cực tuyên truyền, triển khai công tác bình đẳng giới cho người dân.

Dưới sự hướng dẫn hoạt động của Hội phụ nữ xã Sơn Hà, đến nay, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thôn Trà Chẩu đã đi vào hoạt động nền nếp, định kỳ sinh hoạt vào ngày 20 hằng tháng. Mỗi tháng, câu lạc bộ sẽ tổ chức sinh hoạt và các hoạt động với chủ đề nhất định, như: Phòng, chống xâm hại trẻ em; bình đẳng giới; định hướng nghề nghiệp cho thanh, thiếu niên; phòng ngừa tảo hôn; phòng chống tai nạn thương tích...

Đối với Tổ truyền thông cộng đồng thôn Trà Chẩu, đã tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền thông qua các buổi truyền thông hay lồng ghép trong cuộc họp thôn. Đặc biệt, thành viên tổ truyền thông là nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động để trẻ em đi học đầy đủ, học lên đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông và phòng ngừa tảo hôn. Trong đó, đáng kể nhất là tổ đã ngăn chặn kịp thời trường hợp thanh niên Trần Văn Đ có ý định lập gia đình khi bạn gái chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Dù đã được tuyên truyền trước đó nhưng Đ vẫn nhất quyết tổ chức đám cưới. Ngay khi nắm được thông tin gia đình Đ đang chuẩn bị các điều kiện tổ chức hôn lễ, tổ truyền thông cùng với cán bộ địa phương lập tức tới gia đình, yêu cầu dừng các công việc và ký cam kết không tổ chức cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn.

 Hoạt động của Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đang góp phần tạo ra thay đổi bước đầu, góp phần xóa bỏ định kiến về giới tại thôn Trà Trẩu.

Hoạt động của Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đang góp phần tạo ra thay đổi bước đầu, góp phần xóa bỏ định kiến về giới tại thôn Trà Trẩu.

Những hoạt động tích cực của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và Tổ truyền thông cộng đồng thôn Trà Chẩu bước đầu đạt được kết quả nhất định trong công tác bình đẳng giới, nỗ lực chung tay xóa bỏ định kiến về giới và phòng ngừa tảo hôn, góp phần giúp phụ nữ, trẻ em địa phương được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và hạnh phúc.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/no-luc-thay-doi-dinh-kien-ve-gioi-post372716.html