Nỗ lực với nhiều giải pháp giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô

Phương tiện giao thông tăng nhanh, hạ tầng cơ sở còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến xung đột khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, CATP Hà Nội đã nỗ lực với nhiều giải pháp quan trọng làm giảm ùn tắc, phục vụ người dân.

Bất cập trong giải quyết ùn tắc giao thông

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dân số đông, cùng với đó là sự phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô.

Giờ tan tầm, các phương tiện di chuyển chậm

Giờ tan tầm, các phương tiện di chuyển chậm

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến tháng 12/2023, tổng số phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố là hơn 7,9 triệu phương tiện, trong đó có 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện. Tốc độ tăng trưởng phương tiện giai đoạn 2019 - 2022 bình quân trên 10%/năm đối với ô tô, 3%/năm đối với xe máy.

Với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, trong khi hệ thống giao thông của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 37 điểm ùn tắc giao thông, trong đó có nhiều điểm ùn tắc kéo dài nhiều năm, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tuyến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) trong tình trạng đông đúc giờ cao điểm

Có thể kể đến một số điểm ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên địa bàn thành phố như: Ngã Tư Sở, Giảng Võ, Láng Hạ, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt, Trần Duy Hưng... Những điểm ùn tắc này thường xảy ra vào các khung giờ cao điểm, gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài, giao thông ách tắc, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân.

Nguyên nhân của ùn tắc giao thông phần lớn ở sự chênh lệch giữa phương tiện tăng nhanh và phát triển hạ tầng cơ sở

Nguyên nhân của ùn tắc giao thông phần lớn ở sự chênh lệch giữa phương tiện tăng nhanh và phát triển hạ tầng cơ sở

Nguyên nhân có thể kể đến chính là sự chênh lệch quá lớn giữa tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân và đầu tư phát triển hạ tầng cũng như mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Ngoài ra, theo đánh giá của Trung tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội, nhiều tuyến xuyên tâm hiện có các công trình giao thông đang được xây dựng như tuyến tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, hay nhiều điểm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình TTATGT, gây ra ùn tắc dọc tuyến.

CATP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp làm giảm ùn tắc giao thông, giải quyết các "điểm đen" ùn tắc trong nội đô

CATP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp làm giảm ùn tắc giao thông, giải quyết các "điểm đen" ùn tắc trong nội đô

“Hiện tại CATP đang quản lý hơn 7 triệu phương tiện, trong đó 1,1 triệu phương tiện là ô tô, 6 triệu là mô tô, còn lại là phương tiện giao thông khác, chưa kể đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, còn có nhiều phương tiện từ tỉnh khác di chuyển vào địa bàn Thủ đô để làm việc, nên áp lực giao thông đối với Thủ đô rất phức tạp…” - Trung tá Đào Việt Long nhấn mạnh.

Những giải pháp căn cơ, khoa học

Với những nguyên nhân đó, có thể nói đã tạo ra một số “điểm đen” về ùn tắc giao thông. Đứng trước tình hình đó, CATP đã chủ động bố trí lực lượng mà cụ thể là ban hành Phương án 04, huy động các lực lượng Công an, nòng cốt là lực lượng CSGT để phân luồng, phòng chống ùn tắc.

“Phương án 04 đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác chỉ huy chỉ đạo phân luồng, phòng ngừa ùn tắc, được thực hiện dưới sự chỉ đạo tuyệt đối toàn diện của Ban Giám đốc CATP, trực tiếp là một đồng chí Phó Giám đốc làm thường trực và dưới sự chỉ huy của Trung tâm Chỉ huy CATP điều hành, hướng dẫn với phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ địa bàn, không chồng chéo và tuân thủ theo quy định phân công, phân cấp theo tuyến tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng CSGT” - Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội thông tin.

Áp lực lớn hàng ngày đối với CSGT

Áp lực lớn hàng ngày đối với CSGT

Theo đó, đơn vị được giao trách nhiệm chính trong phối hợp tuần tra kiểm soát chính và xử lý vi phạm chịu trách nhiệm chính trong công tác bố trí lực lượng chỉ huy phân luồng, phòng chống ùn tắc giao thông trên tuyến và xung quanh khu vực mà mình phụ trách.

Vào những ngày có sự kiện chính trị hay cao điểm, giao thông phức tạp thì trực tiếp Lãnh đạo Phòng CSGT cùng với Lãnh đạo CATP từ trung tâm chỉ huy kết hợp hệ thống camera giám sát sẽ điều hành trên những tuyến và nút giao thông toàn thành phố.

“Nếu chỉ có một đơn vị thực hiện thì sẽ rất khó, vì phải thông toàn tuyến chứ không chỉ riêng một điểm cố định. Ví dụ tuyến đường Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy đi vào trung tâm trải dài từ địa bàn Nam Từ Liêm qua Cầu Giấy, Ba Đình đến Hoàn Kiếm.

Nên để thông toàn tuyến đó cần có sự phối hợp với nhịp nhàng từ đầu Nam Từ Liêm đến Hoàn Kiếm dưới sự chỉ huy của Trung tâm thông tin chỉ huy CATP. Vì nếu thông đèn một nút thì lượng phương tiện sẽ dồn lên nút trên.

Thứ hai, tại các vị trí giáp ranh giao thoa giữa nhiều đơn vị, phải thống nhất phân công cho một đơn vị thực hiện, không để chồng chéo mà chưa chắc đã hiệu quả” - Trung tá Đào Việt Long phân tích.

Ùn tắc giao thông đã giảm đáng kể, có những tín hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn, thách thức về hạ tầng giao thông cơ sở

Ùn tắc giao thông đã giảm đáng kể, có những tín hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn, thách thức về hạ tầng giao thông cơ sở

Cũng theo Chỉ huy Phòng, việc giải quyết ùn tắc giao thông trong Phương án 04 cũng được đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm thông tin chỉ huy và Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Tại Trung tâm thông tin chỉ huy, qua hệ thống camera giao thông sẽ nắm bắt được tình hình ùn tắc, sự cố giao thông, chu kỳ đèn tín hiệu giao thông để điều chỉnh chu kỳ đèn khoa học, phù hợp, tăng khả năng lưu thông cho các phương tiện.

“Ví dụ như vào giờ cao điểm, các tuyến đi từ ngoại thành vào trung tâm Hà Nội tăng cường chu kỳ đèn, ví dụ từ 60 giây tăng chu kỳ lên 75 giây hoặc 90 giây để đảm bảo các phương tiện di chuyển khoa học, căn cứ tình hình thực tế. Tương tự thì vào giờ tan tầm, chu kỳ đèn cũng sẽ được điều chỉnh tăng hướng từ trung tâm Hà Nội ra ngoại thành”.

Trên cơ sở điều tra cơ bản, nắm tình hình, hiện tại, Phòng CSGT - CATP Hà Nội bố trí cán bộ chiến sĩ phân luồng tại các nút giao thông trọng điểm từ 6h30 đến 8h30, chiều từ 16h30-19h30. Nhưng nếu tình hình phức tạp thì sau 8h30 sáng và 19h30 tối vẫn sẽ tiếp tục duy trì lực lượng cho đến khi giao thông ổn định trở lại.

Ngoài ra, tại các vị trí chốt chỉ huy giao thông phân luồng, phòng ngừa ùn tắc, lực lượng được bố trí bao gồm CSGT là nòng cốt; Cảnh sát trật tự, Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng, lực lượng tình nguyện được bố trí độc lập tại các vị trí ít phức tạp về ùn tắc giao thông như các ngõ, các khu vực như cổng trường học…

Có thể khẳng định, trước những khó khăn, thách thức, nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới ùn ứ, tạo ra những “điểm đen” ùn tắc giao thông, CATP Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai các biện pháp, giải pháp căn cơ, khoa học để giải quyết dần vấn nạn trên, chứ cũng không thể trong ngày một, ngày hai.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/no-luc-voi-nhieu-giai-phap-giam-un-tac-giao-thong-tren-dia-ban-thu-do-post565794.antd