Nợ xấu tăng cao, ngân hàng, công ty tài chính kiến nghị cho phép dịch vụ thu hồi nợ
Việc không cho phép dịch vụ thu hồi nợ khiến các ngân hàng, công ty tài chính gặp khó khăn, là một phần nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng cao, hoạt động cho vay tiêu dùng bị thu hẹp.
Nợ xấu các công ty tài chính tiêu dùng chiếm gần 18%
Chia sẻ tại hội thảo về vấn đề thu hồi nợ trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng sáng nay (16/4), ông Nguyễn Hồng Quân - Thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, Phó tổng Giám đốc TP Bank cho hay, những tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Tín dụng tiêu dùng là động lực cho tăng trưởng tín dụng nhưng lại thu hẹp dư nợ.
Nguyên nhân chính do hoạt động thu hồi nợ khó khăn, do: Ý thức trả nợ của người đi vay không tốt, người vay cố tình không trả nợ; cố tình chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ thu nợ; Không có hành lang pháp lý cho hoạt động thu hồi nợ tài chính tiêu dùng, dẫn đến ngân hàng thương mại, công ty tài chính không có công cụ để thu hồi nợ.
Cùng với đó, nợ xấu tăng cao, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính phải trích lập dự phòng lớn, trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến buộc phải thu hẹp kế hoạch tăng trưởng.
Còn số liệu được ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng), đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Tài chính Mcredit, thì tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khoảng 138,8 nghìn tỷ, dư nợ xấu chiếm tới gần 18% nợ xấu cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống.
Điều này khiến các công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao…
Trong khi đó, hoạt động thu nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân do sự khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ trên thực tế của nhóm khách hàng mục tiêu của các công ty tài chính tiêu dùng, vốn đa phần là người có thu nhập thấp, dễ bị ảnh hưởng, tổn thương do tác động của tình hình kinh tế, xã hội.
Thứ hai, tình trạng khó thu hồi nợ do khoản vay phát sinh từ giả mạo, lừa đảo kéo theo khó khăn trong việc xử lý các khoản vay.
Nguyên nhân thứ ba là khách hàng cố tình không trả nợ. Theo ông, hiện nay xuất hiện xu hướng "bùng nợ có chủ đích", theo đó, trên các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều hội nhóm chia sẻ cách thức bùng/trốn tránh trả tiền vay từ các website/ứng dụng trực tuyến.
Một số thủ đoạn đang được chia sẻ như: điền những thông tin "ảo" về email, địa chỉ và số điện thoại công ty nơi làm việc; cố tình thay đổi thông tin liên hệ, nơi sinh sống và nơi làm việc sau giải ngân.
Bên cạnh đó, do không phân biệt được hoạt động cho vay tiêu dùng và thu hồi nợ hợp pháp với hoạt động cho vay, thu hồi nợ trái phép nên khi truyền thông đưa tin về việc cơ quan chức năng liên tục triệt phá những đường dây đòi nợ trái phép đã dẫn đến khách hàng có xu hướng chây ỳ, chống đối, thậm chí đe dọa, hành hung cán bộ thu hồi nợ.
Kiến nghị cho phép hoạt động đòi nợ chuyên nghiệp
Ngoài ra, theo đại diện các tổ chức tín dụng, hiện nay, Luật Đầu tư 2020 đã cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong khi đây là một nhu cầu thiết yếu đối với việc quản trị hiệu quả khoản vay.
Do vậy, lãnh đạo CLB Tài chính tiêu dùng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý để cho phép và kiểm soát hoạt động cung cấp dịch vụ xử lý nợ chuyên nghiệp.
Theo ông Lê Quốc Ninh, dù bị cấm theo Luật Đầu tư 2020, song các hoạt động đòi nợ thuê không hề biến mất mà trở nên biến tướng khi không bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước kia.
Hiện nay, thị trường Việt Nam vẫn thiếu dịch vụ xử lý nợ thuê chuyên nghiệp, trong khi đây là lĩnh vực phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển. Do đó, ông cho rằng hoạt động này nên được quy hoạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ ràng và minh bạch về điều kiện thành lập, hoạt động, cơ chế kiểm soát rõ ràng thay vì bị cấm như hiện nay.
Cùng với đó, ông Lê Quốc Ninh cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền xây dựng các hướng dẫn cụ thể, thống nhất để xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả nợ một cách có chủ ý.
Ông Nguyễn Hồng Quân cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép các tổ chức thu hồi nợ trung gian chuyên nghiệp hoạt động thu hồi nợ, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại, công ty tài chính trong quá trình cho vay tiêu dùng.
Ông Quân cũng đồng tình cần có các giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người vay; xây dựng hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân; minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng. Các ngân hàng thương mại, công ty tài chính cần thống nhất hiệp thương để đưa ra các tuyên bố chung về chế tài với việc cố tình, chây ỳ trả nợ.