Nội các mới và nhiệm kỳ thứ 5 của ông Putin

Giới quan sát cho rằng nước Nga dưới sự lãnh đạo nhiệm kỳ 5 của Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng bộ máy nội các mới sẽ không có thay đổi lớn về chính sách nhưng vẫn có nhiều điểm đáng chú ý.

Hôm nay (ngày 14-5) Thượng viện Nga sẽ họp xem xét các đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho nội các mới - diễn biến được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng đối với nhiệm kỳ 6 năm sắp tới của ông Putin.

Nước Nga trong nhiệm kỳ mới của ông Putin

Tuần qua, ông Putin đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 5 trước sự chứng kiến của các thành viên quốc hội, các quan chức Nga, 2.500 người tham dự buổi lễ cùng hàng trăm triệu người dân Nga xem trực tiếp buổi lễ qua sóng truyền hình, theo đài RT.

Mở đầu bài phát biểu nhậm chức, nhà lãnh đạo Nga tri ân “những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và “tất cả những người đang chiến đấu vì đất nước”. Ông Putin cũng gửi lời cảm ơn đến “những cư dân trên vùng đất lịch sử của chúng ta, những người đã bảo vệ quyền được sống cùng với Tổ quốc”, ám chỉ các khu vực của Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập hồi tháng 9-2022.

“Tôi đảm bảo với các bạn rằng lợi ích và an ninh của người dân Nga sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của tôi” - ông Putin nhấn mạnh.

Theo giới quan sát, phần mở đầu của ông Putin đã thể hiện một trong những ưu tiên hàng đầu của ông trong nhiệm kỳ mới, đó là cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ nhậm chức ở thủ đô Moscow (Nga) ngày 7-5. Ảnh: AFP

Vấn đề đối ngoại cũng được nhà lãnh đạo Nga đặc biệt quan tâm. Ông Putin khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán với các nước phương Tây trên cơ sở bình đẳng, “tôn trọng lợi ích của nhau”.

“Tôi sẽ nhắc lại rằng các cuộc đàm phán, bao gồm cả các vấn đề ổn định chiến lược, đều có thể xảy ra. Sự lựa chọn là nằm ở họ [phương Tây]: họ có ý định tiếp tục cố gắng kiềm chế Nga, tiếp tục chính sách xâm lược, gây áp lực liên tục lên Nga trong nhiều năm hay tìm kiếm con đường hợp tác và hòa bình” - ông Putin nói.

Ngoài ra, ông Putin cũng lưu ý rằng Nga sẽ cùng “các đối tác ở Á- Âu” tiếp tục xây dựng “một thế giới đa cực và một hệ thống an ninh bình đẳng”.

Trong vấn đề đối nội, ông Putin không đề cập các chính sách cụ thể nhưng nhấn mạnh vai trò của việc duy trì khả năng “tự cung tự cấp và tạo lợi thế cạnh tranh” trong thế giới “phức tạp và đang thay đổi nhanh chóng” hiện nay.

“Nhà nước và hệ thống chính trị - xã hội của chúng ta phải vững mạnh, có khả năng chống chọi trước mọi mối đe dọa, thách thức, bảo đảm sự phát triển tiến bộ, ổn định cũng như sự thống nhất, độc lập của đất nước” - theo Tổng thống Putin.

Một vấn đề rất được dư luận quan tâm chính là động thái hạt nhân của Nga trong nhiệm kỳ sáu năm tới của Tổng thống Putin. Một ngày trước khi buổi lễ nhậm chức diễn ra, ông Putin đã ra lệnh tổ chức tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật “trong tương lai gần” với lý do đáp lại “những tuyên bố hiếu chiến” của một số quan chức phương Tây.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu nhậm chức nhà lãnh đạo Nga lại không đề cập các vấn đề liên quan hạt nhân.

Bình luận về thái độ “không rõ ràng” của Tổng thống Putin, các chuyên gia cho rằng Nga khả năng cao vẫn sẽ duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược” về hạt nhân trong thời gian tới. “Nga rõ ràng đang cố gắng tạo thêm sự mơ hồ trong học thuyết hạt nhân của mình bằng những động thái này” - theo Dylan Macchiarini Crosson, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại châu Âu tại viện nghiên cứu CEPS (Bỉ).

Cải tổ nội các đậm tính quân sự

Cuối tuần qua, Tổng thống Putin đã công bố các đề xuất của ông cho nội các mới trong đó giữ nguyên hầu hết các chức vụ chủ chốt, chỉ có một thay đổi đáng chú ý ở vị trí bộ trưởng quốc phòng, theo hãng thông tấn TASS.

Cụ thể, ông Putin đề xuất các bộ trưởng tiếp tục nhiệm vụ bao gồm Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsev, Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Alexander Kurenkov và Bộ trưởng Tư pháp Konstantin Chuychenko.

Bên cạnh đó, các vị trí khác cũng không thay đổi, đó là Lãnh đạo Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergey Naryshkin, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov, lãnh đạo Cục Bảo vệ Liên bang Nga (FSO) Dmitry Kochnev và chỉ huy Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov.

Vị trí bộ trưởng quốc phòng trong nội các mới sẽ do Phó Thủ tướng Nga chuyên về kinh tế Andrey Belousov đảm nhiệm thay ông Sergey Shoigu. Giới quan sát cho rằng động thái này báo hiệu quyết tâm của ông Putin trong việc tạo nền tảng kinh tế bền vững cho ngành quân sự Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu (trái) và Phó Thủ tướng Nga Andrey Belousov - người được đề cử thay thế ông Shoigu. Ảnh: CNN

Giải thích việc bổ nhiệm ông Belousov, Điện Kremlin nói rằng ngân sách quốc phòng ngày càng tăng của Nga đòi hỏi phải có một nhà kinh tế phụ trách và ông Belousov sẽ giúp quân đội Nga “cởi mở hơn với sự đổi mới”.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng từ 3% lên 6,7% GDP quốc gia kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Dù lưu ý rằng điều này không “nghiêm trọng” đối với nền kinh tế Nga nhưng vẫn cần có phản ứng thích đáng từ chính quyền.

Trả lời câu hỏi rằng liệu việc lựa chọn một nhà kinh tế lãnh đạo quốc phòng có quá “khác thường”, ông Peskov nói rằng “chiến trường cần những người cởi mở hơn và sẵn sàng đưa ra sự đổi mới theo cách nhanh nhất có thể”.

Các chuyên gia cho rằng ông Putin đã dựa trên tình hình chiến trường trước khi đưa ra quyết định lớn này vì ông là người có xu hướng tránh những thay đổi hấp tấp có nguy cơ tác động tiêu cực đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Theo tờ The New York Times, quân đội Nga hiện tại đã giành được thế chủ động trên chiến trường thế nên ông Putin cho thấy tín hiệu sẵn sàng thay đổi để thể hiện rằng “Nga có kỷ luật và năng lực kinh tế để duy trì một cuộc chiến lâu dài”.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng trong thời gian tới, ông Belousov sẽ đương đầu với nhiều thách thức. “Nhiệm vụ đầu tiên của ông Belousov sẽ là chống tham nhũng. Chức vụ bộ trưởng quốc phòng trong một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại toàn bộ phương Tây sẽ là thách thức lớn nhất trong cuộc đời ông ấy” - ông Sergei Markov, một nhà phân tích chính trị thân Nga, viết trên Telegram.

Cũng cần lưu ý rằng dù bộ trưởng quốc phòng thay đổi nhưng chiến thuật của Nga trên chiến trường Ukraine dự đoán sẽ không có nhiều khác biệt, khi Đại tướng Valery Gerasimov - Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga và cũng là sĩ quan quân đội cấp cao nhất của Nga vẫn sẽ tiếp tục chức vụ.

Về phần bộ trưởng Shoigu, ông được bổ nhiệm vị trí Thư ký Hội đồng An ninh Nga, một vị trí tương đương cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ. Theo các nhà phân tích, hiện chưa rõ vị trí mới của ông Shoigu sẽ nắm giữ bao nhiêu quyền lực đối với cuộc chiến Nga - Ukraine, nhưng thông thường vai trò này có quyền lực hạn chế vì không trực tiếp kiểm soát quân đội hoặc cơ quan an ninh.

Nga tiến vào Kharkiv, hàng ngàn người sơ tán

Những ngày gần đây, Nga đang đặt quyết tâm giành quyền kiểm soát các khu vực ở tỉnh Kharkiv (Ukraine). Các cuộc tấn công của Nga khiến hàng ngàn người phải sơ tán, theo tờ The Kyiv Independent.

Cụ thể, theo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, trong ngày 13-5, Nga đã “thành công về mặt chiến thuật” tại TP Vovchansk (Kharkiv).

“Lực lượng phòng thủ Ukraine đang tiến hành các hoạt động phòng thủ, gây sát thương hỏa lực cho đối phương, sử dụng rộng rãi các hệ thống không người lái để trinh sát và tấn công chính xác nhằm gây tổn thất tối đa” - theo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine.

Trong khi đó, Tỉnh trưởng tỉnh Kharkiv - ông Oleh Synehubov nói rằng 1.600 người đã được sơ tán khỏi Vovchansk vào ngày 12-5.

Ông Synehubov nói thêm rằng “tất cả các khu vực” của Kharkiv giáp với Nga hiện nằm “dưới hỏa lực của Nga gần như suốt ngày đêm”.

Về phía Moscow, Bộ Quốc phòng Nga ngày qua xác nhận quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát 5 khu định cư ở Kharkiv.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/noi-cac-moi-va-nhiem-ky-thu-5-cua-ong-putin-post790308.html