'Nỗi đau'... của đất

Ai đó bảo rằng 'người là hoa của đất', ngoài hình hài được bố mẹ ban cho, mỗi con người còn mang một dáng vẻ, tính cách riêng thể hiện tinh hoa từ mỗi vùng đất. Hay nói đúng hơn, tinh hoa mỗi vùng đất đã tạo nên nhân cách riêng cùng những giá trị tốt đẹp của từng con người... Thế nhưng, khi xã hội ngày càng phát triển những giá trị tốt đẹp tưởng chừng mãi trường tồn với thời gian đã dần bị đánh mất.

Cũng vì tranh chấp đất đai dẫn đến hậu quả tiêu cực, người ra đi mãi mãi, kẻ vướng vòng lao lý. (ảnh có tính chất minh họa).

Cũng vì tranh chấp đất đai dẫn đến hậu quả tiêu cực, người ra đi mãi mãi, kẻ vướng vòng lao lý. (ảnh có tính chất minh họa).

Khi đất lên giá...

Từ những năm cuối thế kỷ trước, hoạt động giao dịch, chuyển nhượng bất động sản thực sự sôi động khi nền kinh tế đất nước có những bước chuyển mình từ hình thái bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường cùng sự gia tăng về dân số. Khi thu nhập của người dân được cải thiện kéo theo nhu cầu về chỗ ở tăng cao cùng với đó là hàng loạt dự án tái định cư, khu đô thị mới được Nhà nước và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đã tạo ra những cơn sốt đất từ thành thị đến vùng nông thôn.

Ông Đoàn Ngọc Minh - nguyên Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại - Sở KD&ĐT Quảng Nam, nhớ lại: Bên cạnh những dự án đất ở, thời gian qua nhiều dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng… có vốn nước ngoài cũng ồ ạt đầu tư vào Việt Nam khiến đất vùng nông thôn tại một số địa phương có ngành du lịch phát triển, như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế... trở thành “tấc đất, tấc vàng”. Từ chỗ nhường nhau vài chục mét vuông đất là chuyện thường tình, nay bị lấn vài tấc đất cũng đưa đơn đi kiện. Đúng vậy, hiện tại những cơn sốt đất đã đi qua song với những gia đình trẻ tại vùng nông thôn vẫn khó có thể mua được đất để an cư, lạc nghiệp.

Còn theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, người ngày càng đông nhưng chẳng thể sinh sôi nên đất trở thành tài sản có giá trị. Vì thế, tình trạng tranh chấp đất đai đã trở thành hiện tượng phổ biến tại các vùng nông thôn hiện nay.

Theo thống kê của ngành tòa án, năm 2022 các cấp Tòa đã thụ lý, giải quyết hơn 444.000 vụ việc dân sự, hôn nhân... và trong đó các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai chiếm hơn 20%. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia về pháp lý, số vụ việc liên quan đến đất đai sẽ ngày càng tăng lên về số lượng cũng như tính phức tạp.

Cơ quan tòa án tiến hành một phiên hòa giải tranh chấp đất đai.

Cơ quan tòa án tiến hành một phiên hòa giải tranh chấp đất đai.

...Đến thực tế đau lòng

Những nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án tranh chấp đất đai đều ít nhiều có quan hệ bà con, thậm chí là anh chị em ruột. Ví dụ như phiên tòa ngày 13-3-2023 do TAND tỉnh Quảng Nam xét xử là một điển hình. Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, bà L. (nguyên đơn, trú P. Điện Minh, Điện Bàn) “dắt” người em ruột là ông H. (bị đơn) ra tòa. Theo hồ sơ vụ án, ông H. là con trai duy nhất trong gia đình nên vợ chồng ông H. nghĩ rằng được quyền hưởng toàn bộ đất đai do cha mẹ để lại. Vì cảnh mẹ góa, con côi chưa có chỗ ở, bà L. nhiều lần yêu cầu vợ chồng người em nhường cho mình 1 lô đất có nguồn gốc do cha mẹ để lại nhưng đã bị từ chối. Chẳng đặng đừng, bà L. phải khởi kiện em ruột ra tòa về tranh chấp thừa kế. Hay như trường hợp ông T.H. (trú P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ngày cha mẹ qua đời có để lại di chúc cho vợ chồng ông H. được hưởng diện tích 70m2 đất mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng. Khi di chúc được mở, cho rằng việc phân chia tài sản như vậy là chưa công bằng nên anh em trong gia đình đưa nhau ra chốn pháp đình, nhờ Tòa án phân xử.

Một trường hợp khác oái oăm hơn là chuyện của ông N.Đ (trú xã Đại Chánh, H. Đại Lộc, Quảng Nam). Năm 2010, cha mẹ ông qua đời có để lại 2.000m2 đất (được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho vợ chồng ông Đ. sử dụng ổn định. Bất ngờ, năm 2022, bà N.T.B. (em con chú ruột) sang phần đất của ông Đ. rào lại. Sự việc được tộc họ, UBND xã giải quyết nhưng chẳng có hồi kết. Biết là không có lý song bà B. vẫn sẵn sàng to tiếng với bất cứ ai... Cá biệt, có nhiều trường hợp tranh chấp vài mét vuông đất song hai bên không tìm được tiếng nói chung và chọn phương pháp giải quyết tiêu cực. Hậu quả, người ra đi mãi mãi, kẻ lâm vào cảnh tù tội.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Văn phòng Luật sư TP Đà Nẵng chia sẻ: đất đai là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, đất có giá trị hơn trong đời sống xã hội những tranh chấp đó được “đẩy” lên ở mức cao hơn. Nó có thể phát sinh trong bất kỳ thời gian, địa điểm và phụ thuộc vào nhận thức của các bên để mâu thuẫn đó được giải quyết theo nhiều cách khác nhau... Nhưng, tất cả đều có một điểm chung là tình cảm ruột thịt, hàng xóm láng giềng được vun đắp bấy lâu nay đành xuôi theo... dòng nước!

Mỗi lần dự khán những phiên tòa như vậy, ra về mà lòng chúng tôi lại trĩu nặng bởi những dư âm để lại. Bất giác làm chúng tôi nhớ lại lời tâm sự của một Thẩm phán: “Ngày xưa, đau lắm khi chứng kiến cảnh đất mẹ gánh chịu bom đạn của chiến tranh, nay lại càng đau hơn khi chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn vì đất đai mà xâu xé lẫn nhau”!

VĂN THI

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/noi-dau-cua-dat-post290384.html