Nỗi đau của người dân trong chiến tranh

Cùng hai tiểu thuyết trước - 'Đất trời vần vũ', 'Ngược mặt trời' - tác phẩm 'Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín' của Nguyễn Một đã tạo nên một tam bộ khúc với đề tài chiến tranh.

 Sách Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Ảnh: A.V.

Sách Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Ảnh: A.V.

“Chiến tranh đã qua đi, nhưng di chứng của nó vẫn còn. Sau gần 50 năm, một thế hệ nhà văn vẫn phải ngồi xuống trở lại cuộc chiến đó với cách nhìn của mình. Cuộc chiến đi qua xé nát tất cả dự định, ước mơ của chúng ta, từ những con người bé mọn đến những nhân vật quan trọng...”, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói khi mở đầu buổi giao lưu về cuốn sách Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Buổi giao lưu về tác phẩm của nhà văn Nguyễn Một diễn ra chiều 18/6 tại Hà Nội.

Tam bộ khúc về chiến tranh

Với hai cuốn tiểu thuyết đã phát hành trước đó, Nguyễn Một đều xoay quanh chủ đề chiến tranh, lịch sử và tình yêu. Ở tác phẩm này, thêm một tiểu thuyết nữa, dù bút pháp đã khác, Nguyễn Một trở về chủ đề quen thuộc, nhưng với bút pháp, góc nhìn khác.

Sinh ra tại vùng đất chịu nhiều đau thương của chiến tranh, hai bên đánh nhau liên miên, Nguyễn Một không chỉ chứng kiến những người lính ngã xuống vì chiến tranh, mà còn nhìn thấy cái chết của những người nông dân. Cha mẹ đều chết trong chiến tranh, Nguyễn Một ám ảnh bởi chiến tranh.

Nhà báo Yên Ba, biên tập viên của cuốn sách gọi Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín cùng hai tiểu thuyết trước - Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời - tạo nên một tam bộ khúc về chiến tranh.

Bộ ba tác phẩm cho thấy Nguyễn Một nặng lòng với vùng đất sinh ra mình. Ông ám ảnh, trăn trở về cha anh mình, nơi mình sinh ra. Tác phẩm của Nguyễn Một cho thấy đề tài chiến tranh tiếp tục hấp dẫn người viết.

Khi cầm bản thảo của Nguyễn Một, Yên Ba nhận thấy cuốn sách khó tiếp nhận ở khía cạnh lượng nhân vật nhiều tầng nhiều lớp: "từ nông thôn đến đô thị, từ không gian sinh hoạt của người dân đến tòa thánh, từ người nông dân đến người thành thị. Nhân vật Nguyễn Một đi giữa lằn ranh mỏng manh của chính nghĩa và phi nghĩa, bên này bên kia, không tốt không xấu. Để viết được cuốn sách như này rất khó".

Ông viết về chiến tranh để bạn trẻ biết về quá khứ, biết quá khứ để ứng xử với tương lai. “Tôi muốn viết đề tài này với cái nhìn của những người dân với mơ ước hòa bình, và tình yêu thương”, Nguyễn Một nói.

Biết quá khứ để ứng xử với tương lai

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận định Nguyễn Một trở lại với đề tài chiến tranh như một nhân chứng nhìn cuộc chiến qua con mắt một nhà văn. Ông viết về chiến tranh không phải để than khóc, ngạo mạn, mà nhìn lại cuộc chiến trong quá khứ để dừng cuộc chiến trong tương lai. Cuộc chiến đó xé nát chúng ta, mỗi người, gia đình, xã hội… đều phải gánh sự tàn phá của chiến tranh.

Trong tiểu thuyết của Nguyễn Một, có rất nhiều cái chết bất ngờ, chết như “đùa” và không bao giờ tìm ra nguyên nhân, không thể truy vết thủ phạm. Nhưng cái chết thì lại hiện ra ngay trước mắt, thịt xương tan nát. Nỗi kinh sợ ở đây chưa hẳn đã là cảnh người ta tàn sát nhau, mà ở chỗ họ không có thời gian, không bị bức bách phải tìm ra lý do của sự tàn sát đó.

Tác phẩm không phân ra bên chính nghĩa hay phi nghĩa. Ông mô tả lại những người chịu đau khổ chiến tranh - đó là nhân dân.

Nhà văn Tạ Duy Anh cảm thấy chới với khi tiếp cận nhân vật trong tiểu thuyết. Chiến tranh quá khủng khiếp, vượt qua mọi dự tính thông thường. Khi phải lựa chọn giữa sống chết, sinh tồn, chúng ta sẽ không còn là chúng ta nữa. Mỗi người chúng ta khi ấy có đủ điều kiện để làm nên một người hoặc lương thiện hoặc tàn bạo. Theo Tạ Duy Anh, Nguyễn Một đã khắc họa được khía cạnh khốc liệt đó.

Trong lời tựa cho tác phẩm, Nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét: “Ý nghĩa nhân văn lớn lao nhất mà ta nhận được sau khi khép lại cuốn sách là lời kết án: Chiến tranh, mi đừng có sinh ra trên thế gian này! Tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, Nguyễn Một đã kỳ công đưa lại cho chúng ta những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến”.

Nhà văn Nguyễn Một (1964), là tác giả của tập truyện ngắn Tha hương, Vũ điệu trên đỉnh Kung Pô; các tập bút ký: Quà của đất, Như là cổ tích, Giữa đời thường, Dòng sông độ lượng; tiểu thuyết Đất trời vần vũ (được dịch và đưa vào Thư viện Quốc hội Mỹ với tên Heaven and Earth in Tumult), Ngược mặt trời; kịch bản phim tài liệu Câu chuyện bên một dòng sông, Hành trình ước mơ

Khi sáng tác truyện thiếu nhi, Nguyễn Một sử dụng bút danh Hoa Linh Thảo cho các tác phẩm: Hoa dủ dẻ, Màu hoa trắng, Long lanh giọt nắng, Mùa trái chín.

Anh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-dau-cua-nguoi-dan-trong-cuoc-chien-post1441033.html