Nỗi nhớ giếng làng

Ai mà chẳng có một làng quê, một góc phố... lưu dấu trong tâm hồn. Có khi chúng lặn mất tiêu trong ký ức, có lúc lại trỗi lên ngân nga những giai điệu mơ hồ không rõ rệt.

 Giếng nước làng đã là một phần của văn hóa. Ảnh: HÀ MIÊN

Giếng nước làng đã là một phần của văn hóa. Ảnh: HÀ MIÊN

Gặp một đứa bé đang nghịch cát, lại nhớ bến sông ngày nào thổi về những làn gió ban trưa, chang chang nắng, trong vắt dưới làn nước cạn những cát, những rong, những “thủy tộc” cá, ốc tí tẹo. Gặp một cánh diều kẹt trên cột điện, lại nhớ rộng dài trời xanh mây trắng với mặt đất vàng ươm gốc rạ lào xào chân trẻ.

Nhưng khi gặp một chiếc gàu múc nước bằng nhôm được làm từ vỏ bom - phế liệu của chiến tranh rất có giá đối với những bà đồng nát - với sợi dây dừa bện xoắn, có đoạn đã tước xơ, lại dội về trong tôi những tiếng tùm, chát, tạch, tõm của giếng làng và chiếc lưng cong của ai đó đang khom bên thành giếng...

Dọc theo những miền quê, những xóm làng lác đác trên sườn núi hay trên đồng bằng, những chiếc giếng vô cùng quan trọng trong đời sống với mọi người, mọi nhà. Điều đó thì ai cũng biết. Có giếng được xếp “bộng” bằng đá núi, có giếng lại xây bằng xi măng, thông dụng hơn cả là bộng đất nung lớn nhỏ khác nhau.

Ngày xưa, làm giếng là cả một vấn đề, sợ động vào “long mạch”, sợ không đủ sức làm, nên thường một làng chỉ vài ba cái giếng là đã gánh vác cho rất nhiều nhà trong sinh hoạt hàng ngày.

Càng về sau, chuyện giếng càng bớt “quan trọng” đối với tư duy của nhiều người. Phương tiện vận chuyển bộng đất nung hoặc xi măng không còn quá khó khăn, thợ thuyền cũng dễ “rước”, và đặc biệt là giếng khoan thì tiện lợi và nhanh gọn vô cùng!

Ngoài chức năng quan trọng là cung cấp nước, giếng còn là bà mối cho những đôi trai gái, là máy dự báo khí tượng thủy văn cho mọi người theo dõi. Làng tôi ở gần sông, mực nước sông như thế nào thì giếng cũng “nóng, lạnh” như thế ấy. Khi mực nước ngấp nghé miệng giếng, có thể lấy gáo dừa múc được, ấy là khi nước lũ ngoài sông đang chuẩn bị tuôn về.

Công việc đào giếng đã khó, nhưng khó nhất là chọn được mạch nước trong, quanh năm không cạn. Tuy nhiên, trong thực tế, giếng vẫn có sâu có cạn, có trong có đục khác nhau.

Từ xưa, khi nước giếng đã thấm vào giọng nói tiếng cười của từng con dân xứ sở, thì giếng cũng đã thấm vào lòng người bởi những câu ca dao quen thuộc: “Anh tưởng nước giếng sâu, anh nối sợi dây dài/ Nào ngờ giếng cạn, tiếc hoài sợi dây”, lại thêm: “Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, vân vân và vân vân…

Trong thơ ca hiện đại, hình ảnh gương giếng soi chung những mái đầu xanh tình tứ, có thể nói rất nhiều. Dọc đầu làng ngõ xóm, hình ảnh giếng thơ gợi nhớ những đêm trăng thanh, trai gái trong làng tụm năm tụm bảy, thậm chí có cả trẻ con và các cụ già cũng ra hóng mát. Đêm càng oi bức, càng chẳng ai muốn vào nhà sớm, nhưng cuối cùng rồi vẫn chỉ có cánh thanh niên là bền chân hơn cả.

Một cây guitar phừng phừng, vài trái bắp nướng, mấy quả ổi chua... là cả những chuyện Đông chuyện Đoài nở như bắp rang. Để rồi trong không khí chung rôm rả ấy, có vài đôi nhỏ giọng hẹn thề. Và, giếng lại một lần soi thấu lòng ai…

HUỲNH VĂN QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/noi-nho-gieng-lang-post733138.html