Nỗi niềm lái xe quân sự

Lái xe là nghề gian nan và thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro. Với lái xe quân sự thì còn vất vả gấp bội phần bởi cường độ trực cao, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ vào bất kể thời gian nào trong ngày. Trong khi đó, đồng lương của lái xe quân sự hiện còn thấp, chưa thu hút được quân nhân. Ghi nhận của Báo Quân đội nhân dân tại Trung đoàn Vận tải 652, Cục Hậu cần Quân khu 2.

Trung đoàn Vận tải 652, Cục Hậu cần là đơn vị vận tải chủ lực của Quân khu 2, có nhiệm vụ vận tải phục vụ nhiệm vụ quân sự, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ khác. Hệ thống vật chất, phương tiện vận tải hiện được biên chế, trang bị khá đầy đủ. Tuy vậy, cường độ làm việc của anh em lái xe rất vất vả, căng thẳng. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các quân nhân còn thực hiện những nhiệm vụ khác như sửa sang doanh trại, tuần tra, canh gác, tăng cường nhà bếp, tăng gia, chăn nuôi...

Trung úy QNCN Nguyễn Anh Tuấn, nhà ở xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã nhập ngũ được 12 năm, hiện đang lái xe Kamaz thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 652. Gần hết thời gian nghĩa vụ quân sự, Tuấn được lựa chọn và cử đi học lớp sơ cấp lái xe ô tô tại Trường Cao đẳng Công nghệ kỹ thuật ô tô (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quân sự 1, Tổng cục Kỹ thuật), ra trường được chuyển chế độ QNCN năm 2013 với hệ số lương 3,2 và phiên quân hàm Thiếu úy QNCN. Qua 3 lần nâng lương, đến tháng 8-2023, hệ số lương của Trung úy QNCN Nguyễn Anh Tuấn là 4,25 và với mức lương cơ bản hiện tại là 1,8 triệu đồng, mỗi tháng cộng cả tiền lương cơ bản, phụ cấp thâm niên, phụ cấp công vụ, rồi trừ tiền ăn và các khoản đóng góp khác anh chỉ còn 7,5 triệu đồng. Mỗi tháng, Tuấn có chắt chiu tiết kiệm lắm cũng chỉ gửi cho vợ được 5-5,5 triệu đồng, còn lại phải chi tiêu, sinh hoạt cá nhân.

 Thực hành huấn luyện bổ túc ngày kỹ thuật đối với các phương tiện mới được biên chế tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Vận tải 652.

Thực hành huấn luyện bổ túc ngày kỹ thuật đối với các phương tiện mới được biên chế tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Vận tải 652.

Trung úy QNCN Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: “Mỗi lần nâng lương, tôi phải tham gia thi nâng bậc, đủ điều kiện mới được nâng lương. Còn thời gian cơ bản là ở đơn vị trực, làm nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm, khoảng 3-4 tuần mới được về thăm gia đình vào ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Công việc của lái xe tải Kamaz rất vất vả, thường xuyên là những chuyến công tác dài ngày chở hàng đi các tỉnh, trong đó có các tỉnh phía Tây Bắc, bên là vực sâu, bên là núi cao rất nguy hiểm. Như đợt dịch Covid-19, lái xe chở thuốc men, vật tư y tế đi các tỉnh liên tục, cả ngày lẫn đêm, đầu óc nhiều lúc áp lực, “căng như dây đàn”. Nhưng vì yêu nghề nên tôi vẫn bám trụ, cầm vô lăng 10 năm qua, còn nhiều đồng nghiệp đã xin ra quân, chuyển ngành, chuyển đi học làm nghề khác”.

Với Thượng úy QNCN Triệu Quang Hiếu, lái xe tải thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Vận tải 652 lại có hoàn cảnh vất vả hơn. Lương khởi điểm của anh Hiếu lúc chuyển chế độ QNCN chỉ có hệ số 2,4, tương đương quân hàm chuẩn úy QNCN. Đến nay, qua 7 lần nâng lương, lương của anh mới chỉ có hệ số 4,7, phiên quân hàm Thượng úy QNCN, trừ các khoản anh còn 9,6 triệu đồng/tháng. Cho dù anh rất tằn tiện nhưng mỗi tháng cũng chỉ đưa cho vợ nuôi con, cáng đáng công việc gia đình được 6-7 triệu đồng. Càng khó khăn hơn vì vợ anh làm công nhân trong Khu công nghiệp Thụy Vân, phường Thụy Vân, TP Việt Trì (Phú Thọ), mỗi tháng thu nhập chỉ 5-6 triệu đồng. Anh Hiếu đã 22 năm công tác trong Quân đội, dù nhà cách đơn vị chưa đầy một cây số, nhưng mỗi tuần anh cũng chỉ được về nhà một buổi tối, còn lại đều phải trực, gác, làm việc ở đơn vị. Chỉ có những người ở thế hệ như anh Hiếu còn bám trụ với nghề lái xe quân sự còn các thanh niên, lứa tuổi trẻ vào nghề chỉ được thời gian ngắn lại xin chuyển ngành hoặc ra quân đi lái xe dân sự có thu nhập cao hơn nhiều và thoải mái hơn về thời gian.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Văn Tiến, Chính ủy Trung đoàn Vận tải 652 cho biết: “Lái xe quân sự là một nghề vất vả, độc hại và độ rủi ro cao vì thường xuyên tham gia giao thông với cường độ lớn. Để bảo đảm an toàn, đi đến nơi về đến chốn, người lái xe phải luôn tập trung cao độ, nếu chỉ một phút sơ sểnh sẽ trả giá rất đắt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, do đặc thù môi trường quân sự nên thời gian rất eo hẹp. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ thì thấp, chỉ có đồng lương theo hệ số QNCN. Về lâu dài, để thu hút được lái xe yên tâm công tác, rất mong các cấp quan tâm xem xét, có cơ chế hỗ trợ phụ cấp đặc thù cho đội ngũ lái xe quân sự”.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Quan tâm, động viên để các bác tài yên tâm công tác

Do tính chất và yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ lái xe quân sự của Tiểu đoàn Vận tải 25 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) thường xuyên phải tham gia trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập và cơ động thực hiện nhiệm vụ quân sự nên rất ít khi được về thăm gia đình, vợ con. Khó khăn, vất vả, căng thẳng, áp lực, nguy hiểm, độc hại là vậy nhưng lương hằng tháng của họ hiện nay lại khá thấp nếu so với lái xe dân sự. Với những đồng chí có quân hàm thấp, thâm niên công tác ít thì sau khi trừ tiền ăn và các khoản đóng góp như: Đảng phí, hội phí, quỹ tình nghĩa... thì chỉ còn lại 4-4,5 triệu đồng. Nhiều người tuy lập gia đình đã lâu nhưng vì không có đủ tiền để mua đất, xây nhà nên vợ con vẫn phải đi ở nhờ, ở trọ. Sau nhiều năm công tác, gắn bó với Quân đội, đến tuổi nghỉ hưu, một số đồng chí phải đi lái xe thuê hoặc làm bảo vệ cho các công ty, doanh nghiệp để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Bộ đội Tiểu đoàn Vận tải 25, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) bảo quản phương tiện của đơn vị. Ảnh: THUẬN AN

Bộ đội Tiểu đoàn Vận tải 25, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) bảo quản phương tiện của đơn vị. Ảnh: THUẬN AN

Trước thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn Vận tải 25 và cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ để đội ngũ lái xe quân sự, nhất là những đồng chí trẻ mới vào nghề yên tâm công tác, gắn bó dựng xây đơn vị, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những đồng chí có người thân ốm đau, bệnh tật, tai nạn, rủi ro, thiên tai, hỏa hoạn đều được đơn vị động viên, hỗ trợ, thăm hỏi kịp thời. Từ quỹ vốn tăng gia sản xuất, chăn nuôi, mỗi dịp lễ, tết, đơn vị đều có những phần quà gửi tặng thân nhân, gia đình của anh em. Đặc biệt, từ sự quan tâm, đầu tư của cấp trên, đến nay, cơ ngơi doanh trại, điều kiện công tác, nơi ăn, chốn ở, đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ lái xe quân sự cũng ngày một tốt hơn; một số đồng chí được bố trí nhà công vụ hoặc hỗ trợ kinh phí xây nhà đồng đội.

Thiếu tá VÕ HỒNG SON (Chính trị viên Tiểu đoàn Vận tải 25, Sư đoàn 2, Quân khu 5)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Có lệnh là lên đường

Tôi nhập ngũ năm 1993 tại Trung đoàn 568, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ rất thích ô tô nên khi đơn vị có chỉ tiêu đi học lái xe quân sự là tôi đăng ký tham gia và được chọn. Sau khi học xong, tôi được điều động về công tác tại Trường Quân sự Quân khu 3 cho đến ngày nay. Nghề lái xe không đơn thuần chỉ có vận chuyển người, hàng hóa mà chúng tôi còn phải thường xuyên bảo quản, bảo dưỡng, chăm sóc phương tiện như chăm con của mình. Đặc thù công việc gắn liền với bảo đảm an toàn tính mạng con người nên chúng tôi thường xuyên kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước mỗi chuyến đi, nhất là hệ thống phanh, lốp, đèn, nhiên liệu...; nắm, chấp hành nghiêm luật giao thông và phải luôn tập trung cao độ trong cả hành trình thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tá QNCN Đào Xuân Thu vệ sinh xe sau khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Thiếu tá QNCN Đào Xuân Thu vệ sinh xe sau khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Công việc của chúng tôi có tính biến động cao, thậm chí nhiều thời điểm thực hiện nhiệm vụ đột xuất, dài ngày nên người và xe phải luôn trong tâm thế sẵn sàng có lệnh là lên đường. Điển hình như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, tôi được cử tham gia hai đợt với tổng thời gian gần 9 tháng để làm nhiệm vụ đưa đón người từ nước ngoài về sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đến các khu cách ly tập trung. Ngày nhận nhiệm vụ phải đi gấp nên tôi không kịp về chào vợ con. Thậm chí, thời điểm đó, con gái cưới chồng nhưng tôi cũng không thể về thăm, động viên mà chỉ có thể gọi điện thoại chúc mừng các con.

Là trụ cột kinh tế gia đình nhưng mức lương của chúng tôi rất thấp. Như bản thân tôi, với thâm niên 30 năm quân ngũ nhưng đến nay mức lương hằng tháng sau khi trừ tiền ăn và một số khoản chi phí khác cũng chỉ được hơn 12 triệu đồng. Tôi yêu xe từ bé, công việc này cũng giúp tôi quen thêm nhiều bạn bè, đồng đội, được đi đến nhiều nơi nên tôi xác định sẽ gắn bó cả đời quân ngũ với nghề “cầm vô lăng”. Song, đối với các đồng chí lái xe trẻ tuổi có quân hàm thấp, mới ra trường thì mức lương như hiện nay rất khó có thể bảo đảm cuộc sống. Do đó, rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét, đề nghị hỗ trợ thêm phụ cấp ngành để động viên những người làm nghề lái xe quân sự yêu mến, gắn bó với công việc.

Thiếu tá QNCN ĐÀO XUÂN THU (Lái xe thuộc Phòng Hậu cần-Kỹ thuật Trường Quân sự Quân khu 3)

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Dù khó khăn vẫn yêu nghề lái xe

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi làm đơn xin nhập ngũ và được biên chế về Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân. Do đã biết lái xe từ khi còn ở nhà, tôi xung phong nhận nhiệm vụ liên quan đến xe khi cấp trên yêu cầu. Thấy tôi có khả năng lái xe, chỉ huy đơn vị tạo điều kiện cho tôi đi đào tạo tại Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung để nâng cao tay nghề. Với tuổi trẻ và niềm đam mê lái xe, khi trở về đơn vị, tôi thường xuyên xung phong trực, sẵn sàng lái giúp đồng đội, vừa giúp mình tự tin vừa để biết thêm những cung đường mới, có kinh nghiệm hơn trong xử lý các tình huống.

 Thượng úy QNCN Trịnh Hữu Long kiểm tra, bảo dưỡng xe. Ảnh: VŨ HƯỞNG

Thượng úy QNCN Trịnh Hữu Long kiểm tra, bảo dưỡng xe. Ảnh: VŨ HƯỞNG

Thu nhập của tôi chủ yếu là lương nên rất hạn chế. Để bảo đảm cuộc sống gia đình, tôi luôn phải tiết kiệm tối đa mọi chi tiêu. Tuy nhiên, trong cái khó khăn chung thì tôi cũng như đồng đội khác luôn nhận được sự quan tâm của chỉ huy đơn vị và có niềm vinh dự được công tác trong môi trường kỷ luật, đoàn kết, đong đầy sự yêu thương, chia sẻ lẫn nhau. Đây là nguồn động viên lớn để tôi luôn nhận và hoàn thành tốt công việc... Tôi rất mong muốn Đảng, Nhà nước, Quân đội nghiên cứu có phụ cấp đặc thù cho lái xe quân sự để anh em giảm bớt khó khăn, yên tâm gắn bó, cống hiến...

Thượng úy QNCN TRỊNH HỮU LONG (Nhân viên lái xe Phòng Tham mưu Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/noi-niem-lai-xe-quan-su-742155