Nông thôn mới đổi thay vùng gò đồi Sóc Sơn

Dù có xuất phát điểm thấp so với một số địa phương khác ở Hà Nội, nhưng huyện Sóc Sơn đã thu được những 'trái ngọt' trong xây dựng nông thôn mới nông cao. Trong đó, điểm nhấn về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết hợp với du lịch đã giúp cải thiện thu nhập, đời sống cho người dân, từ đó thúc đẩy các tiêu chí nông thôn mới.

Sóc Sơn vốn là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhiều gò đồi, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới còn thấp. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 18 triệu đồng, mỗi xã chỉ đạt có 5/19 tiêu chí xây dựng chuẩn nông thôn mới.

Biến tiềm năng thành hành động

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, Sóc Sơn còn lấy nông nghiệp làm thế mạnh phát triển kinh tế, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đên nay, trình độ dân trí và nhận thức của nhân dân về du lịch và hoạt động dịch vụ từ du lịch đã được nâng cao, huyện đã tạo ra những sản phẩm mới về du lịch góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp nhiều xã hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Mô hình sản xuất của HTX rau hữu cơ Thanh Xuân không chỉ dừng ở việc sản xuất rau hữu cơ mà còn là địa điểm tham quan, trải nghiệm của nhiều đoàn khách trong và ngoài thành phố.

Bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc HTX cho biết, hằng năm, huyện có 800-900 nghìn lượt khách nội địa và khoảng 1.000 lượt khách quốc tế đến tham quan và vãn cảnh. Điều này tạo nền tảng thuận lợi cho HTX phát triển dịch vụ sản xuất rau kết hợp với làm du lịch trải nghiệm, giúp phát huy tối đa tiềm năng.

Một điểm thuận lợi của HTX là được địa phương, các tổ chức quan tâm hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhận lực. Các thành viên được thực hành tập giả̉ định các tình huống, xây dựng các bài thuyết minh nên các dịch vụ đón tiếp, hướng dẫn, hỗ trợ khách rất chủ động, bài bản.

Trung bình mỗi năm, HTX đón tiếp khoảng từ 35 - 50 đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm, chủ yếu là học sinh các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Doanh thu từ sản xuất và làm du lịch mỗi năm lên đến 8-9 tỷ đồng.

Ngoài các vùng trồng rau, Sóc Sơn còn có nhiều mô hình sản xuất như trồng sen, hoa nhài, dược liệu… đều trở thành những điểm du lịch có hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như HTX Tâm Ngọc (xã Đông Xuân) hay HTX Bảo tồn và phát triển Dược liệu Sóc Sơn đang thực hiện tốt chủ trương phát triển cây dược liệu kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp sinh thái và văn hóa - tâm linh của huyện.

Để các mô hình này phát triển và mang lại hiệu quả, huyện Sóc Sơn tích cực hỗ trợ người dân, HTX trong hoàn thiện quy trình sản xuất, chứng nhận sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các HTX xây dựng hệ thống biển báo, chỉ dẫn, bảng thông tin đồng bộ, cải thiện cảnh quan, môi trường bằng cách trồng thêm nhiều loại hoa, thay thế các vật dụng nhựa bằng vật dụng thân thiện với môi trường.

Trên nền tảng của phong trào xây dựng nông thôn mới, Sóc Sơn đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách. Điều này là một trong những thuận lợi giúp các xã trong huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bởi trong tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Sóc Sơn triển khai cũng đang có tiêu chí về hình thành các điểm du lịch.

Trong đó, các điểm du lịch này được sản xuất theo quy trình hữu cơ, bền vững nên đảm bảo được các tiêu chí xanh – sạch – đẹp – an toàn, là nền tảng để phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nông thôn mới nâng cao có lợi thế về hạ tầng giao thông tương đối tốt, từ đây tạo đòn bẩy để người dân, HTX, doanh nghiệp thu hút khách du lịch.

Bà Hoàng Thị Hậu cho biết, một số tuyến đường ra khu vực sản xuất rau màu của HTX đã được bê tông hóa, có nhà lưới, biển chỉ dẫn, có một số loài hoa dẫn dụ côn trùng nhưng cũng chính là điểm nhấn cho khách đến tham quan và nâng cao giá trị trải nghiệm.

Đa "sắc màu" từ nông nghiệp hàng hóa

Ngoài phát triển du lịch trải nghiệm, Sóc Sơn còn đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao.

Tiêu biểu như HTX Công nghệ cao Quyết Tiến (xã Minh Trí) đã đẩy mạnh sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống nhà màng, hệ thống tưới tiêu, đo nhiệt độ tự động. Theo đó, mỗi hệ thống nhà màng đều có camera, hệ thống quạt làm mát và phần mềm cài đặt lịch tưới cụ thể theo từng giống cây. Thay vì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đến nay, HTX đang đồng bộ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ TCVN 1104.

Du lịch trải nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch đang phát triển ở Sóc Sơn.

Du lịch trải nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch đang phát triển ở Sóc Sơn.

Còn tại HTX dược liệu Hòa Phát (xã Xuân Giang) đang phát triển 12ha chè, dây thìa canh, kim ngân, cà gai leo. Nhờ chọn giống thuần chủng, cơ giới hóa khâu sản xuất và ứng dụng kỹ thuật thâm canh theo hướng hữu cơ, vùng dược liệu của HTX Hòa Phát đã được cấp chứng nhận chuyển đổi hữu cơ, đủ tiêu chuẩn chế biến thành các sản phẩm giá trị cao như: trà thảo mộc, trà ướp hoa, trà hoa, các loại thảo dược túi lọc tiện dụng, gối chườm… Cách làm này của HTX mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3, 4 lần so với các cây trồng truyền thống khác.

Có thể thấy, không chỉ dừng ở sản xuất đơn thuần, các HTX trên địa bàn huyện Sóc Sơn không ngừng đầu tư công nghệ, đa dạng sản xuất, đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê, đến nay, huyện đã có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như chăn nuôi lợn sinh học, trồng nấm công nghệ cao…

Huyện cũng có 76 sản phẩm được công nhận OCOP, 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Về phát triển kinh tế nông thôn, hiện Sóc Sơn có 10 HTX toàn xã; 43 HTX thôn, liên thôn và 53 HTX chuyên ngành. Các HTX này đang đóng góp tích cực vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, dồn điền đổi thửa, mở rộng đầu ra, phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Thành quả hiện hữu

Trong bối cảnh hoàn thiện xây dựng nông thôn mới và đang thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Sóc Sơn xác định liên kết là chìa khóa giúp xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia, từ đó tạo động lực và nền tảng để toàn người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu.

Để thúc đẩy liên kết, huyện cũng quan tâm hình thành và phát triển các tổ hợp tác, HTX, đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Chính vì vậy mà ngoài các doanh nghiệp chủ động đầu tư thì đã có những doanh nghiệp đang liên kết chặt chẽ với người dân, HTX như HTX Thanh Xuân, HTX Hòa Phát…, từ đó góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, lao động, thị trường, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, du lịch nông thôn.

Đặc biệt, các chuỗi liên kết này là mấu chốt để huyện phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội.

Hiệu quả trong liên kết, hợp tác giữa các HTX, doanh nghiệp, mô hình kinh tế nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.

Mới đây, huyện đã có 2 xã Phù Lỗ, Phù Linh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, và một xã là Đức Hòa cũng đang trong quá trình phê duyệt đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tính đến nay đạt 61.5 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%. Công tác đào tạo nghề được chú trọng, giải quyết được 8.225 việc làm cho người lao động. Đặc biệt đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo.

Kế hoạch đến hết năm 2023, huyện sẽ có thêm từ 40 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở nên; phấn đấu hình thành thêm 3-4 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-thon-moi-doi-thay-vung-go-doi-soc-son-1094955.html