NSND Phượng Loan: Không có kế thừa, di sản cải lương sẽ mất!

NSND Phượng Loan luôn đau đáu tìm kiếm giải pháp để góp phần bảo tồn và phổ biến nghệ thuật cải lương

.Phóng viên: Sau suất diễn vở "Người ven đô" của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt, bà có cảm xúc gì khi được tham gia vai Hà trong tác phẩm để đời này?

NSND Phượng Loan (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

NSND Phượng Loan (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

- NSND PHƯỢNG LOAN: Tôi vô cùng xúc động, trong lòng cứ lâng lâng niềm tự hào. Đây là tác phẩm sân khấu cách mạng đã sống cùng năm tháng, gắn liền với tuổi thơ của tôi và nhiều nghệ sĩ lớn lên sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất.

Vai Hà của tôi trước đây do cố nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa diễn, nay tôi kế thừa và cảm nhận sâu sắc hơn về nhân vật cách mạng trong tác giả của nhà văn Minh Khoa - Nguyễn Gia Nghiệm. Đạo diễn NSƯT Hoa Hạ và chúng tôi đã nỗ lực không ngừng trên sàn tập để sau đó gặt hái thành quả, đó là sự cổ vũ của công chúng. Ngày 19-5 tới, Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt sẽ tái diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Đó sẽ là suất diễn ý nghĩa nhất của ê-kíp sáng tạo vở diễn "Người ven đô".

.Tác giả Minh Khoa thể hiện rất dung dị câu chuyện về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân 18 thôn vườn trầu trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm. Chất văn học sâu lắng từng lời thoại, câu ca. Là nghệ sĩ đã diễn nhiều vở cách mạng, bà có trăn trở gì khi sàn diễn cải lương ngày càng hiếm hoi tác phẩm đậm chất văn học?

- Đúng là qua bút pháp của nhà văn Minh Khoa, cuộc sống của người dân trong vở "Người ven đô" đẹp như một bức tranh, đó là lá trầu thơm, sự rung động của những đôi trai gái yêu nhau, có cả tiếng đờn bầu, giọng ngâm thơ Lục Vân Tiên mùi mẫn… Sự yên bình trong cuộc sống không tiếng súng luôn là ước mơ của người dân Bà Điểm. Nhưng khi cần thì bà con 18 thôn vườn trầu cũng sẵn sàng dấn thân vào cuộc chiến, chấp nhận hy sinh để bảo vệ lý tưởng cách mạng.

NSND Phượng Loan hỗ trợ cho diễn viên trẻ tham gia chương trình “Chuông vàng vọng cổ” của HTV (Ảnh: THANH HIỆP)

NSND Phượng Loan hỗ trợ cho diễn viên trẻ tham gia chương trình “Chuông vàng vọng cổ” của HTV (Ảnh: THANH HIỆP)

"Người ven đô" là câu chuyện đẫm tình người, tình yêu quê hương, đất nước trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và kết thúc bằng thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Câu chuyện xoay quanh việc vợ chồng ông Bảy Đờn, ông Tám Khỏe đã chịu đựng nhiều đau xót trong đời mình để bảo vệ ông Sáu Hộ - nhân vật có ảnh hưởng lớn đến công cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân ta. Hình tượng nhân vật trong vở cũng đã toát lên ngôn ngữ văn học và chất văn học trong nghệ thuật cải lương đã làm nên tuổi thọ rất dài của vở "Người ven đô".

.Sau nhiều lần vượt qua "tử nạn", bà đúc kết cho mình điều gì về cuộc sống?

- Hồi tháng 5-2022, tôi bị tai nạn giao thông khi lưu diễn tại TP Cà Mau. Tôi đã được gia đình đưa vào bệnh viện địa phương, sau đó chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc đó tôi được chẩn đoán chấn thương sọ não, bể phần xương quai hàm, gãy xương gò má… May mắn là tôi được các bác sĩ tích cực chữa trị nên qua cơn nguy kịch và chỉ trong vòng 3 tháng chữa trị, tôi đã có thể trở lại sân khấu, nhận lời làm giám khảo cho cuộc thi "Bông lúa vàng" rồi "Chuông vàng vọng cổ". Tôi có một đúc kết đơn giản: "Hãy nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, dù đó là bệnh tật thập tử nhất sinh cũng phải mạnh mẽ vượt qua".

.Được biết, bà và hai NSND Thanh Điền, Trịnh Kim Chi sẽ thực hiện những chương trình nghệ thuật nhằm gây quỹ ủng hộ việc sửa chữa chùa và nghĩa trang nghệ sĩ TP HCM?

- Đó là khởi xướng của NSND Thanh Điền, chúng tôi mong sẽ có nhiều cách để chu toàn kinh phí sửa chữa từng hạng mục trong khuôn viên chùa và nghĩa trang nghệ sĩ. Vừa qua tôi có lưu diễn tại Mỹ, được nghệ sĩ Linh Vũ và ca sĩ Duy Ninh hỗ trợ, tổ chức cho tôi các suất diễn nhằm kêu gọi sự ủng hộ của khán giả kiều bào.

Sau đó chúng tôi đã mang số tiền 5.000 USD do kiều bào đóng góp về để góp vào việc sửa chữa. Tháng 8-2024 tới có thể tôi sẽ thực hiện tiếp chuyến lưu diễn tại Mỹ cũng mang ý nghĩa cao đẹp này. Bà con khán giả kiều bào tại Mỹ rất ủng hộ chúng tôi, cùng mong muốn góp phần công đức làm đẹp khuôn viên của chùa và nghĩa trang nghệ sĩ TP HCM.

.Luôn là người truyền cảm hứng tích cực đến nghệ sĩ đàn em đang theo nghề, bà nói gì về công việc thầm lặng này?

- May mắn là tôi có kinh qua nhiều dạng vai diễn khác nhau, từ lẳng, độc, hài cho đến đào thương. Lúc nhỏ thì tôi chuyên trị vai giả trai, vai nữ tướng. Nên các em cần sự trợ giúp, phân tích, tôi sẵn sàng. Cũng như qua những lần tham gia với tư cách huấn luyện viên cho các thí sinh tranh tài "Chuông vàng vọng cổ", tôi vui khi thấy các em diễn viên trẻ tiến bộ.

.Nếu nói về trăn trở lớn nhất của người nghệ sĩ trước diện mạo sàn diễn cải lương TP HCM, bà sẽ nói điều gì?

- Tất cả mọi khâu đều cần có sự kế thừa, mà lực lượng này ngày càng mỏng. Không có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ thì chuẩn mực của sân khấu cải lương sẽ có nguy cơ mất dần. Từ khâu sáng tác, dàn dựng, thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ… chỉ quanh quẩn những vốn liếng quá cũ. Trong khi công nghệ giải trí trên thế giới đã tiến xa, sân khấu truyền thống cứ ì ạch những kỹ thuật trò thủ công, chưa có áp dụng nhiều công nghệ tiến bộ phục vụ cho diễn xuất của sân khấu cải lương. Tôi cho rằng cần tạo điều kiện đào tạo thế hệ kế thừa. Lĩnh vực nghệ thuật cải lương hiện nay đang có nhiều khiếm khuyết, phải sớm tìm kiếm và vun bồi những hạt nhân trẻ đủ sức làm chủ ngôi nhà sân khấu cải lương.

.Từng được bạn đọc trao Giải Mai Vàng năm 2006 với vai cô giáo Dung trong vở "Nước mắt thâm tình", bà nhớ nhất kỷ niệm nào về sự kiện này?

- Tôi đã khóc cho nhân vật vì đó là nỗi niềm của một nhà giáo trước những khốn khó của học trò trong cuộc sống thời đó. Vai diễn này đã cho tôi được khóc trong hạnh phúc vì được đón nhận Giải Mai Vàng, giải thưởng uy tín do bạn đọc, công chúng bình chọn có tuổi đời thọ nhất hiện nay. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển của Giải Mai Vàng, có thể nói đây là một thành tựu lớn của hoạt động văn hóa nghệ thuật tại TP HCM. Tôi khao khát được diễn lại vai này trên sân khấu trong một ngày không xa.

"Tôi không dám nhận đệ tử, học trò, chỉ biết bằng kinh nghiệm trải qua của mình, tôi sẽ trao truyền hết cho thế hệ nghệ sĩ trẻ.

THANH HIỆP thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nsnd-phuong-loan-khong-co-ke-thua-di-san-cai-luong-se-mat-196240511204007812.htm