NSND Quốc Hưng làm Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Sáng 13/5 tại Hà Nội, Đảng ủy, Ban Giám đốc, Hội đồng Trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chính thức trao Quyết định giao nhiệm vụ Phó Giám đốc phụ trách cho Tiến sĩ âm nhạc – NSND Quốc Hưng.

NSND Quốc Hưng nhận quyết định làm Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

NSND Quốc Hưng nhận quyết định làm Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Theo Quyết định số 588/QĐ-HVANQGVN, NSND Đỗ Quốc Hưng nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ ngày 1/5/2024. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã chúc mừng và trao Quyết định cho NSND Quốc Hưng.

Tiến sĩ âm nhạc - NSND Quốc Hưng sinh năm 1970 tại Đông Anh, Hà Nội, hoạt động nổi bật trong hai lĩnh vực biểu diễn và sư phạm. Ông sở hữu giọng bass (nam trầm) đặc biệt và là một trong những giọng ca opera, chính ca hàng đầu Việt Nam.

Trong lĩnh vực biểu diễn, năm 2000, ông đoạt giải Nhất cuộc thi Hát thính phòng Nhạc kịch toàn quốc lần II. Năm 2004 ông được cúp Vàng Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng (Triều Tiên).

Dù sở hữu giọng hát được xếp vào loại giọng nam trầm nhưng khung độ (nốt thấp nhất và cao nhất) của giọng hát rộng, cũng vì thế NSND Quốc Hưng có thể thể hiện tốt cả những tác phẩm dành cho các loại giọng nam trung và nam cao. Bên cạnh đó, vốn xuất thân là nghệ sĩ chèo, sự uyển chuyển, mềm mại và linh hoạt trong cách hát cũng như cách thể hiện diễn tiến nhân vật trong chèo cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thể hiện tác phẩm khi ông dấn thân vào nghệ thuật thanh nhạc nói chung, opera nói riêng.

Những tác phẩm nước ngoài ấn tượng gắn liền với tên tuổi Quốc Hưng có thể kể đến aria “Đám cưới Figaro” trích trong vở nhạc kịch cùng tên của Mozart. Quốc Hưng gây ấn tượng mạnh khi thể hiện aria “Vous qui Faites L’endormie” trích trong vở opera Faust của C.Gound. Ở aria này NSND Quốc Hưng hóa thân vào hình hài một chàng hoàng tử với tâm hồn thánh thiện nhưng lại bị quỷ xâm nhập vào tâm hồn, để rồi, sự đấu tranh trong diễn biến tâm lý nhân vật giữa tâm hồn đẹp và những lúc bị quỷ chiếm ngự đã được ông thể hiện thành công, đặc biệt là phần thể hiện tiếng cười của quỷ với những kỹ thuật rất khó.

NSND Quốc Hưng.

NSND Quốc Hưng.

Năm 1998, ông đi tập huấn tại Nhà hát Opera Hannover (Đức) để chuẩn bị cho việc công diễn vở opera “Viên đạn thần”. Sau khi kết thúc đợt thực tập ông nhận được lời mời ở lại làm nghệ sĩ của nhà hát. Ngoài “Viên đạn thần”, NSND Quốc Hưng còn tham gia các vở nhạc kịch “Cây sáo thần” và vở opera hiện đại “Vụ án tình yêu”.

Trong ca khúc Việt Nam, Quốc Hưng thể hiện thành công những ca khúc chính ca mang màu sắc hào sảng đan xen tình cảm như “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, “Tổ quốc gọi tên mình”…

Trong quá trình biểu diễn cũng như giảng dạy thanh nhạc, NSND Quốc Hưng luôn nghiên cứu, tìm tòi nghệ thuật ca hát dân tộc, đặc biệt là chèo, để áp dụng vào nội dung giảng dạy thanh nhạc cho bản thân và cho khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Việc nghiên cứu này nhằm góp phần đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế trong đặc thù giọng hát người Việt khi thể hiện opera phương Tây cũng như cách thể hiện ca khúc ở thể loại chính ca.

Thành quả là công trình nghiên cứu “Đào tạo ca sĩ opera tại Việt Nam” đã được xuất bản thành sách và phổ biến rộng rãi trên cả nước. Trước đó, cũng lấy nội dung đề tài đào tạo opera tại Việt Nam, NSND Quốc Hưng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng đào tạo ra nhiều học trò hiện là những gương mặt quen thuộc như: NSƯT Hoàng Tùng (giải Nhất Sao Mai 2003), NSƯT Trường Bắc (PGĐ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), ca sĩ Quang Hà, ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân…

Trong suốt thời gian đảm nhiệm công tác lãnh đạo Khoa Thanh nhạc, NSND Đỗ Quốc Hưng cũng đã quyết tâm chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nâng cao tính khoa học đối với đội ngũ giảng viên của khoa, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc phù hợp với xu hướng phát trong nước cũng như thế giới. Cho tới nay, Khoa đã có 6 cán bộ giảng viên có trình độ Tiến sĩ và 2 giảng viên là đang nghiên cứu sinh chuẩn bị bảo vệ luận án.

NSND Quốc Hưng còn là thành viên hội đồng nghệ thuật của nhiều hội diễn chuyên nghiệp, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp uy tín hàng đầu đất nước. Mặt khác, ông cũng thành công trong vai trò Tổng đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật lớn kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước trong nhiều năm qua.

Năm 2017 Quốc Hưng bảo vệ luận án Tiến sĩ; năm 2019 được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND. Trước khi đảm nhận cương vị Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Quốc Hưng từng giữ các cương vị Phó Chủ nhiệm sau đó là Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc, tiếp đến là Phó Giám đốc cũng tại đơn vị này.

NSND Quốc Hưng phát biểu khi nhận nhiệm vụ.

NSND Quốc Hưng phát biểu khi nhận nhiệm vụ.

Chia sẻ trong buổi nhận nhiệm vụ mới, NSND Quốc Hưng cho biết, ông cảm thấy rất xúc động và vinh dự. Năm 1991, ông bắt đầu bước chân vào Nhạc viện Hà Nội (tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) để học tập. Hơn 30 năm qua, cái nôi đào tạo âm nhạc lớn nhất Việt Nam này chính là nơi đã chứng kiến cả quá trình phấn đấu, trưởng thành của ông, từ khi học trung cấp, đại học, cao học rồi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Giờ đây, được giao nhiệm vụ quản lý chính ngôi trường mà bản thân coi như ngôi nhà của mình, ông rất hạnh phúc.

Là một nghệ sĩ, nhưng đồng thời cũng là một nhà quản lý nhiều năm, việc nhận trọng trách tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam không khiến NSND Quốc Hưng cảm thấy áp lực. Khoa Thanh nhạc nơi ông quản lý hơn 10 năm qua có thể coi là nơi hội tụ của những ngôi sao hàng đầu giới ca nhạc Việt Nam, và các tài năng thì luôn rất cá tính. Để hài hòa được những cá tính mạnh, người đứng đầu cần phải có sự mềm mại, linh hoạt và sự tâm huyết, vì lợi ích chung. Với 8 giảng viên đã và đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ, nhiều NSND và NSƯT cùng rất nhiều học viên tài năng, khoa Thanh nhạc với sự dẫn dắt của NSND Quốc Hưng là một tập thể đi đầu tại ngôi trường âm nhạc lớn nhất nước.

Tiếp đó, khi nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc phụ trách mảng đào tạo và nghiên cứu của Học viện, ông càng hiểu rõ, nắm bắt tốt hơn về quản lý. Ở vị trí này, ông cũng gặp không ít thử thách. Nhưng bằng bản lĩnh và quan trọng nhất là sự chân thành, đặt tập thể lên hàng đầu, ông đã làm tốt vai trò của mình. Đó là những tiền đề quan trọng để ông thêm tự tin khi nhận nhiệm vụ phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Tại buổi trao Quyết định bổ nhiệm cho NSND Quốc Hưng, các đồng nghiệp của ông như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, NSND Bùi Công Duy, bà Dương Thị Thanh Bình… đều có chung nhận định: Việc nhận nhiệm vụ phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong bối cảnh âm nhạc toàn cầu hóa là một thách thức lớn cho người đứng đầu, nhưng với tài năng và tâm huyết của NSND Quốc Hưng, mọi người có thể tin tưởng về sự phát triển mới của cái nôi đào tạo âm nhạc lớn nhất nước. Về phần NSND Quốc Hưng, ông cũng hứa sẽ cố gắng học tập và nghiên cứu sâu hơn nữa để ngôi trường mình quản lý luôn xứng đáng là con chim đầu đàn của âm nhạc đất nước.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nsnd-quoc-hung-lam-pho-giam-doc-phu-trach-hoc-vien-am-nhac-quoc-gia-viet-nam-post809139.html