'Nữ hoàng điền kinh' Nguyễn Thị Oanh và bệnh viêm cầu thận

Trong các cuộc giao lưu với người hâm mộ sau kỳ tích đạt được tại SEA Games 32, vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh đã nhiều lần xúc động khi nhắc lại giai đoạn cô mắc bệnh viêm cầu thận tưởng chừng phải giải nghệ. Để bạn đọc hiểu rõ hơn căn bệnh này, chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên môn của bác sĩ.

Trò chuyện với người hâm mộ ngày 18.5, cô gái bé nhỏ được truyền thông gọi “nữ hoàng điền kinh” (sinh năm 1995, cao 1,53m nặng chưa tới 50kg) đã cho biết giai đoạn phát hiện bị viêm cầu thận, đối mặt với nguy cơ phải giải nghệ sớm là “nốt trầm trong sự nghiệp”.

“Điều đáng buồn nhất không phải mình bị bệnh”

Biến cố xảy ra ngay sau kết thúc Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc cuối năm 2014 tại Nam Định, trở về Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội được vài ngày thì cơ thể Oanh có những dấu hiệu bất thường: phù từ cổ lên mặt, người sưng nhiều nơi, thường xuyên mệt mỏi và có những thay đổi thể chất khác lạ... Sau thăm khám ở phòng y học của Trung tâm, cô được chuyển đến Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội). Tại đây Oanh được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận, thể cấp tính.

Trở lại đường chạy sau điều trị viêm cầu thận, Nguyễn Thị Oanh đã lập kỳ tích đoạt 4 huy chương vàng tại SEA Games 32. Ảnh: SN

Trở lại đường chạy sau điều trị viêm cầu thận, Nguyễn Thị Oanh đã lập kỳ tích đoạt 4 huy chương vàng tại SEA Games 32. Ảnh: SN

“Điều đáng buồn nhất không phải mình bị bệnh mà căn bệnh đó buộc tôi phải dừng tập luyện hoàn toàn. Như tin trời giáng vậy. Lúc đó suy sụp và khủng hoảng. Trong quá trình điều trị tôi phải sử dụng thuốc nên ảnh hưởng rất nhiều đến cơ xương khớp, khiến tôi bị teo cơ. Thể trạng rất yếu. Phải ăn kiêng, ăn nhạt tuyệt đối nên cũng sụt cân nhanh chóng, cơ bắp không còn khỏe mạnh, chỉ số thể chất trở về mức âm hơn so với ban đầu khi tôi đến với bộ môn điền kinh. Tuy nhiên, tôi may mắn đã gặp được bác sĩ giỏi điều trị và mau chóng bình phục”, Oanh kể.

Điều trị bệnh hơn nửa năm và qua nhiều lần tái khám, bác sĩ thông báo Oanh đã khỏi bệnh hoàn toàn và có thể quay lại tập luyện: “Những bước chân đầu tiên trở lại sân vận động tôi chỉ chạy được một, hai vòng vì đau nhức cơ, người rất mệt mỏi. Lúc đó tôi bi quan nghĩ rằng không biết liệu mình có còn cơ hội trở lại đường chạy với thành tích cao hay không. Thật may mắn tôi có được nhiều sự quan tâm động viên và bản lĩnh để chinh phục từng bước một, trở lại với đường đua và có được thành tích như ngày hôm nay”.

Tại SEA Games 32, Oanh đã thiết lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi đoạt bốn huy chương vàng cá nhân ở bốn nội dung thi đấu “khủng”: 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m, 10.000m, nâng tổng số huy chương vàng cô chiến thắng tại các kỳ SEA Games lên con số 12.

Ai có nguy cơ viêm cầu thận?

BS-CK2. Nguyễn Hữu Nhật, Trung tâm Tiết niệu - Thận học (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM), cho biết viêm cầu thận là tình trạng các cầu thận tổn thương, viêm xảy ra ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi và được chia thành hai thể cấp tính và mạn tính. Mỗi thể do những nguyên nhân khác nhau gây ra. Một số nguyên nhân phổ biến liên quan đến viêm cầu thận:

Nhiễm trùng: những bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn khả năng cao gây bệnh như viêm cầu thận hậu liên cầu; viêm nội tâm mạc do vi khuẩn; nhiễm trùng thận do virus (người mắc viêm gan B hoặc viêm gan C có thể gặp tình trạng virus đi ngược từ gan đến thận và gây viêm, virus HIV cũng là tác nhân gây viêm cầu thận…).

Bệnh tự miễn: một số bệnh tự miễn có thể gây ra viêm cầu thận như lupus ban đỏ; hội chứng goodpasture; bệnh thận IgA…

BS-CK2. Nguyễn Hữu Nhật.

BS-CK2. Nguyễn Hữu Nhật.

Viêm mạch máu: những loại viêm mạch máu có thể gây viêm cầu thận như viêm đa mạch; u hạt kèm viêm đa mạch...

Tình trạng xơ cứng: gây ra từ sẹo ở cầu thận, những bệnh có khả năng gây sẹo: huyết áp cao; đái tháo đường; xơ vữa cầu thận đoạn khu trú…

Các nguyên nhân khác: khả năng viêm cầu thận có thể đến từ hội chứng Alport, là một loại hội chứng viêm thận di truyền. Người có thị lực và thính lực kém hoặc mắc các bệnh ung thư cũng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm cầu thận…

Viêm cầu thận cấp tính xuất hiện đột ngột và bất ngờ, thường gặp khi người bệnh nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (nhiễm khuẩn ngoài da hoặc sau khi viêm họng hạt); do ảnh hưởng từ những bệnh khác như lupus, hội chứng goodpasture, viêm đa động mạch nút…

Viêm cầu thận mạn tính xuất hiện dần dần, hiện vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân gây bệnh. Ở một số trường hợp, viêm mạn tính là do viêm cấp tính kéo dài phát triển thành.

Dấu hiệu nhận diện bệnh

Theo BS. Nhật, viêm cầu thận được nhận biết thông qua những dấu hiệu lâm sàng. Tùy vào thể viêm mà bệnh sẽ gây ra những triệu chứng khác nhau. Đối với viêm cầu thận mạn tính, bệnh thường không sớm xuất hiện các triệu chứng rõ ràng nên dễ dẫn đến chậm trễ trong điều trị, làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng. Với viêm cầu thận cấp tính, triệu chứng phổ biến là phù (xuất hiện rõ quanh mắt khi thức dậy buổi sáng); nước tiểu có màu nâu, sẫm hoặc lẫn máu; giảm lượng nước tiểu; huyết áp cao; khó thở và ho…

Một số triệu chứng phổ biến của viêm cầu thận nói chung để người bệnh cảnh giác: phù (là một trong các triệu chứng lâm sàng thường gặp ở bệnh lý cầu thận, có thể kín đáo như ở mắt cá chân hoặc toàn thân, mặt sưng lên do tích nước); nước tiểu lẫn máu; có bọt trong nước tiểu; huyết áp cao; chán ăn, buồn nôn và nôn, chậm tiêu; xảy ra các cơn chuột rút ban đêm; đi tiểu nhiều vào ban đêm; ở một số trường hợp còn xuất hiện cơn đau dữ dội ở lưng trên, sau xương sườn do đau thận…

Viêm cầu thận được chẩn đoán thông qua kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu. Bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết thận đối với những trường hợp có chỉ số bất thường ở nước tiểu hoặc máu.

Điều trị và phòng ngừa

Theo BS. Nhật, viêm cầu thận ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng lọc nước tiểu và chất thải trong cơ thể, ức chế vai trò điều hòa huyết áp của thận. Từ đó gây ra các hệ lụy như tích tụ chất thải hoặc chất độc trong máu; suy giảm khả năng điều tiết các khoáng chất và dinh dưỡng; thiếu hoặc mất hồng cầu; mất protein trong máu... Viêm cầu thận có thể làm xuất hiện các biến chứng như suy thận cấp, bệnh thận mạn tính, huyết áp cao, hội chứng thận hư… Do đó, người bệnh cần được điều trị bệnh đúng cách, kịp thời.

Đối với viêm cầu thận mạn tính, hiện không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Người bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh. Tùy vào tình trạng sức khỏe bệnh nhân mà bác sĩ chỉ định loại thuốc hỗ trợ làm giảm các triệu chứng. Người bệnh cần kết hợp lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học để làm chậm quá trình bệnh tiến triển. Đối với viêm cầu thận cấp tính, phần lớn bệnh nhân có tiên lượng tốt và hồi phục hoàn toàn sau điều trị.

Không có cách nào phòng ngừa hoàn toàn viêm cầu thận nhưng có thể hạn chế tối đa nguy cơ bằng cách tránh để nhiễm trùng, đặc biệt nhiễm trùng liên cầu khuẩn. Đồng thời, thực hành lối sống lành mạnh, khoa học: tập thể dục thường xuyên; khám sức khỏe định kỳ; kiểm soát huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa; giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt; sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục; uống đủ nước, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều muối; kiểm soát tốt lượng kali và protein nạp vào cơ thể…

Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ bị viêm cầu thận, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên môn để được khám bệnh và điều trị kịp thời. “Việc chẩn đoán bệnh là vô cùng quan trọng. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng cho người bệnh, kể cả tử vong”, BS. Nhật lưu ý.

Hữu Đức - Anh Tuấn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nu-hoang-dien-kinh-nguyen-thi-oanh-va-benh-viem-cau-than-39725.html