Nữ tỷ phú trên vùng ATK

Trải qua nhiều năm tìm tòi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, chị Vũ Thị Thu Hương, sinh năm 1988, thôn Minh Tiến, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi chồn mốc quy mô lớn, đem lại thu nhập cao, trở thành tỷ phú trẻ trên vùng ATK.

Chồn mốc hay còn gọi là cầy vòi mốc là một loài động vật hoang dã. Những năm gần đây, mô hình nhân giống, chăn nuôi chồn mốc ngày càng phát triển do thịt chồn mốc được xem là một đặc sản, chứa nhiều dinh dưỡng, lạ miệng, được nhiều thực khách ưa chuộng và sẵn sàng chi tiền triệu để thưởng thức.

Chị Hương kiểm tra chồn sinh sản

Chị Hương kiểm tra chồn sinh sản

Nắm bắt nhu cầu của thị trường cũng như tiềm năng phát triển của mô hình, gia đình chị Hương đã mạnh dạn đầu tư, tiên phong xây dựng mô hình chăn nuôi chồn mốc theo hướng trang trại khép kín. Chị Hương chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi đã đầu tư gần 500 triệu đồng để mua 40 con chồn mốc sinh sản (gồm 30 con cái và 10 con đực) từ các cơ sở nuôi chồn trong và ngoài tỉnh và xây dựng chuồng trại với quy mô hơn 100 m2. Mặc dù đã có sự tìm hiểu và đầu tư khá bài bản, nhưng thời gian đầu, tôi gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi nên chồn mốc phát triển chậm, thể trạng yếu dễ mắc bệnh, tỷ lệ sinh sản của chồn mẹ thấp.

Những khó khăn ban đầu ấy đặt mô hình của gia đình của chị Hương trước nguy cơ thất bại, mất trắng. Thế nhưng không nản chí, buông xuôi, để có thêm kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi chồn mốc, chị chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức trên sách, báo, internet và sang Trung Quốc để học hỏi các mô hình chăn nuôi chồn mốc. Sau quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, chị Hương áp dụng vào thực tế mô hình của gia đình, từng bước cải thiện chất lượng con giống, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Theo chia sẻ của chị Hương, chồn mốc là loại động vật ưa bóng tối, thường ngủ ngày và hoạt động về đêm, thời gian ăn từ 16 giờ đến 19 giờ. Quy trình chăn nuôi chồn mốc nghiêm ngặt hơn chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là thức ăn phải đảm bảo sạch sẽ, không ôi thiu. Thông thường, người chăn nuôi sẽ cho chồn mốc ăn cháo nhưng để cung cấp đủ chất dinh dưỡng hơn, gia đình chị Hương cho chồn ăn kết hợp cám công nghiệp và bổ sung thêm các loại trái cây chín như chuối, đu đủ…

Bên cạnh đó, việc đảm bảo sức khỏe, ngăn ngừa nguy cơ gây bệnh cho chồn mốc cũng được chị Hương đặc biệt coi trọng. Theo đó, đàn chồn được chị tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Mỗi tuần, chị đều bổ sung men tiêu hóa cho chồn 1 lần và phun thuốc khử trùng toàn bộ chuồng trại, vệ sinh ô chuồng sạch sẽ, hạn chế mầm bệnh.

Chị Hương chia sẻ thêm: Nếu chồn giống được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, sinh trưởng phát triển tốt thì sau khoảng 18 tháng, chồn sẽ bắt đầu sinh sản. Sau khi thụ tinh, khoảng 55 - 60 ngày, chồn sẽ sinh con. Mỗi năm chồn sinh sản từ 1 - 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Mỗi cặp sẽ có khả năng sinh sản từ 8 - 9 năm mới phải thay giống nên đây là một mô hình kinh tế rất hiệu quả.

Nhờ ham học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, từ 40 con giống ban đầu, gia đình chị Hương đã tăng đàn qua từng năm. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, gia đình chị nuôi duy trì khoảng 1.000 con chồn mốc/năm (trong đó, cá thể bố mẹ là 600 con) và mở rộng quy mô trang trại lên 1.000 m2 chia làm 3 khu với 500 lồng nuôi nhốt, có đầy đủ hệ thống thông gió, nước uống tự động cho chồn… Trung bình mỗi năm, gia đình chị xuất bán ra thị trường khoảng 800 con chồn mốc thương phẩm với giá bán từ 1,8 – 2 triệu đồng/kg (mỗi con chồn thương phẩm có trọng lượng từ 4 – 6kg), khoảng 500 cặp giống với giá bán từ 16 – 28 triệu đồng/cặp (tùy vào tuổi và trọng lượng của con giống), mang lại thu nhập trên 5 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí và tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Dương Công Chung, Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ cho biết: Cơ sở chăn nuôi chồn mốc của gia đình chị Hương đã được cấp phép của cơ quan chức năng. Với sự đầu tư bài bản từ kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi đến cơ sở hạ tầng, mô hình chăn nuôi của gia đình chị Hương đã thành công, trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu của xã, góp phần mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi cho người dân trên địa bàn.

Có thể thấy rằng, mô hình chăn nuôi chồn mốc của chị Hương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng, bởi việc phát triển mô hình không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm áp lực săn bắn trái phép động vật hoang dã trong tự nhiên.

KIM CHI - HIỂU LAM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nu-ty-phu-tren-vung-atk-5008578.html