Nước Mỹ khó chống dịch khi nhiều y tá không tiêm vaccine

Thật khó để giải thích tại sao nhiều y tá Mỹ, những người tận mắt chứng kiến bệnh nhân qua đời Covid-19, lại phản đối tiêm vaccine, theo Bloomberg.

Một số y tá sẽ nghỉ việc nếu bệnh viện bắt buộc tiêm vaccine Covid-19.

Ngược lại, nếu không ép, họ cũng có nguy cơ nhiễm Covid-19 trong lúc làm việc, không thể tiếp tục chăm sóc bệnh nhân, thậm chí phải nằm trong khu hồi sức tích cực (ICU).

Đó chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay của lãnh đạo các bệnh viện - những người phải đối phó với tình trạng thiếu nhân viên y tế đang gia tăng trong đại dịch, theo Bloomberg.

“Thật hoài nghi nhưng chọn lựa nào sẽ khiến chúng tôi mất nhiều nhân viên hơn?” Alan Levine, Giám đốc điều hành của Ballad Health, công ty sở hữu 21 bệnh viện và một số trung tâm khác phục vụ bệnh nhân ở các bang Kentucky, North Carolina, Tennessee và Virginia, nói.

Lưỡng lự vì tin giả

Levine quyết định không yêu cầu nhân viên y tế của mình tiêm phòng. Dựa trên khảo sát nội bộ, khoảng 15% y tá, tương đương khoảng 900 người, sẽ bỏ việc nếu ông làm ngược lại.

 Chỉ 35% bệnh viện Mỹ áp dụng quy định bắt buộc mọi y bác sĩ phải tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Andrew Nelles/The Tennessean.

Chỉ 35% bệnh viện Mỹ áp dụng quy định bắt buộc mọi y bác sĩ phải tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Andrew Nelles/The Tennessean.

Thật khó để hiểu vì sao các y tá, những người tận mắt chứng kiến cách virus SARS-CoV-2 giết người, lại phản đối tiêm loại vaccine đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu rằng có thể chống lại bệnh trở nặng và nguy cơ tử vong.

Song, đó chính là vấn đề mà các nhà quản lý bệnh viện trên khắp nước Mỹ phải đối mặt.

Trong cuộc khảo sát gần đây nhất của Hiệp hội Y tá Mỹ (ANA), gần 1/8 y tá chưa tiêm vaccine hoặc không có kế hoạch làm điều đó dù họ có điều kiện tiếp cận dịch vụ tiêm chủng suốt 9 tháng qua.

Tin giả lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều phụ nữ trẻ lo lắng rằng vaccine chứa mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của họ.

“Trong khi đó, phần lớn các y tá của chúng tôi là nữ, còn trẻ và đang trong độ tuổi sinh nở”, ông Levine cho biết.

Nỗi lo lắng vẫn tồn tại trong một số cộng đồng, ngay cả khi Cao đẳng Sản phụ khoa Mỹ tuyên bố công khai rằng không có bằng chứng nào cho thấy vaccine Covid-19 gây hại tới khả năng sinh sản.

Tháng 4, chính phủ Mỹ tạm dừng triển khai vaccine của Johnson & Johnson một thời gian sau khi vài phụ nữ gặp vấn đề máu đông. Các cơ quan liên bang đã điều tra vấn đề và kết luận rằng đây chỉ là một rủi ro hiếm gặp.

Về sau, loại vaccine này tiếp tục được triển khai, song đã để lại ấn tượng xấu lâu dài trong công chúng.

 Nhóm người biểu tình phản đối quy định tiêm vaccine cho nhân viên hệ thống y tế Houston Methodist. Ảnh: Yi-chin Lee/AP.

Nhóm người biểu tình phản đối quy định tiêm vaccine cho nhân viên hệ thống y tế Houston Methodist. Ảnh: Yi-chin Lee/AP.

Nhiều vấn đề gây ra tình trạng phân vân nên tiêm vaccine hay không. Có những người giữ vững niềm tin cổ hủ vào những tuyên bố sai sự thật của nhóm bài trừ vaccine trên mạng xã hội.

Một số khác lo ngại rằng vaccine Covid-19 ra đời quá sớm, chỉ trong thời gian ngắn. Số còn lại đơn thuần không phản đối tiêm vaccine hoàn toàn, nhưng vẫn cần được động viên thêm.

Chi tiền để y tá tiêm vaccine

Tính đến ngày 19/8, chỉ có 35% bệnh viện trên toàn nước Mỹ yêu cầu nhân viên tiêm vaccine, theo Hiệp hội Bệnh viện Mỹ.

Houston Methodist, hệ thống y tế ở bang Texas với 8 bệnh viện và 26.000 nhân viên, cho biết họ là hệ thống bệnh viện lớn đầu tiên trên toàn quốc bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên của mình.

Marc Boom, Giám đốc điều hành Houston Methodist, tiến hành giáo dục cho nhân viên về tầm quan trọng của vaccine ngay từ mùa thu năm 2020, trước cả khi vaccine được phê duyệt.

Cuối năm 2020, hệ thống này đề xuất tặng cho mỗi nhân viên “tiền thưởng niềm hy vọng” trị giá 500 USD, bởi họ lường trước rằng số bệnh nhân Covid-19 sẽ tăng sau kỳ nghỉ lễ.

Nhân viên sẽ được nhận khoản tiền thưởng này vào cuối tháng 2, nhưng với điều kiện phải tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Tính đến cuối tháng 3, khi ông Boom thông báo về quy định bắt buộc tiêm chủng, khoảng 85% nhân viên của Houston Methodist đã được tiêm vaccine. CEO ước tính hệ thống đã chi 13 triệu USD để khuyến khích nhân viên thực hiện điều đó.

 Y tá Jennifer Bridges dẫn đầu nhóm phản đối quy định tiêm chủng của bệnh viện nơi cô làm việc. Ảnh: Jasper Colt/USA Today.

Y tá Jennifer Bridges dẫn đầu nhóm phản đối quy định tiêm chủng của bệnh viện nơi cô làm việc. Ảnh: Jasper Colt/USA Today.

Sau đó, ông Boom nhận được tin bệnh viện bị kiện bởi một y tá có tên Jennifer Bridges. Bridges dẫn đầu một nhóm nhân viên chống lại quy định tiêm chủng. Cô cho rằng bệnh viện bắt họ tiêm vaccine là trái pháp luật, các mũi tiêm thời điểm đó chỉ mang tính thử nghiệm nên rất nguy hiểm.

Một thẩm phán liên bang đã bác bỏ đơn kiện. Houston Methodist mất đi 153 nhân viên, bao gồm những người chủ động nghỉ việc và bị chấm dứt hợp đồng.

Tính đến ngày 24/8, Houston Methodist tiếp nhận khoảng 838 bệnh nhân Covid-19 và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên, phá vỡ kỷ lục của những đợt bùng dịch trước đó.

Các bệnh viện khác đã lấy Houston Methodist làm gương và quyết định làm theo, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng của họ còn ở mức thấp.

Vào tháng 6, các giám đốc điều hành Sanford Health lo ngại khi thấy rằng tỷ lệ tiêm chủng trong số gần 48.000 nhân viên bị đình trệ ở mức khoảng 50%.

Do đó, cuối tháng 7, Sanford tuyên bố quy định bắt buộc tiêm vaccine cho 46 trung tâm y tế và cơ sở khác trên khắp miền Trung Tây nước Mỹ. Tỷ lệ tiêm chủng kể từ đó tăng lên, chạm mốc 70%.

 Bình oxy được gấp rút vận chuyển tới phòng cấp cứu tại Trung tâm Y tế ĐH Mississippi. Ảnh: Rory Doyle/New York Times.

Bình oxy được gấp rút vận chuyển tới phòng cấp cứu tại Trung tâm Y tế ĐH Mississippi. Ảnh: Rory Doyle/New York Times.

Cố gắng đồng cảm

Tabitha Hernandez, một y tá 33 tuổi ở New York, từng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong thời kỳ cao điểm của đại dịch năm ngoái. Tuy nhiên, cô vẫn tự hỏi liệu có nên tiêm hay không vào thời điểm vaccine mới xuất hiện.

“Không phải vì tôi không tin vào vaccine Covid-19, chỉ là tôi cảm thấy kiệt sức cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, cảm xúc vì đại dịch. Hơn nữa, tôi là người gốc Latin, nhóm thiểu số thường bị gạt ra rìa xã hội. Tôi chỉ muốn đảm bảo thông tin về vaccine mình nhận được là chính xác”, cô kể lại. Sau đó, Hernandez đã tiêm mũi đầu tiên vào Giáng sinh năm 2020.

Giám đốc Levine cố gắng đồng cảm với các y tá đang lưỡng lự tương tự Hernandez.

“Tôi không giận hay buồn bã vì các nhân viên của mình vẫn còn lo sợ, e ngại chưa tiêm chủng. Tôi thấy tức giận với những người lan truyền tin giả ngoài kia mà không nghĩ đến hậu quả của nó”, ông chia sẻ.

 Hơn 30% y bác sĩ tuyến đầu nghỉ đến chuyện rời ngành sau khi trải qua gần 2 năm chống dịch, theo một khảo sát gần đây. Ảnh: Missoulian.

Hơn 30% y bác sĩ tuyến đầu nghỉ đến chuyện rời ngành sau khi trải qua gần 2 năm chống dịch, theo một khảo sát gần đây. Ảnh: Missoulian.

Trong lúc này, với sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19, hệ thống Ballad Health đã tăng lương để níu chân nhân viên.

“Phần lớn những người xin nghỉ việc là các y tá trẻ tuổi và còn ít kinh nghiệm. Thời điểm này quá đáng sợ và kinh khủng với họ”, ông Levine nói.

Giám đốc cho biết ông sẵn sàng thuê 600 y tá nữa nếu tìm được người. Hiện nhân viên của Ballad Health phải làm thêm ca để lấp đầy nhân sự.

Một số người đã về hưu thậm chí trở lại bệnh viện để phụ giúp các công việc không phải túc trực giường bệnh.

“Các y bác sĩ của tôi rất tức giận. Họ đang liều mình để chữa trị cho các bệnh nhân, nhưng một số người vẫn tỏ thái độ thù địch với họ”, ông cho biết.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-my-kho-chong-dich-khi-nhieu-y-ta-khong-tiem-vaccine-post1258088.html