Nuôi chó, mèo phải đăng ký để quản lý phòng ngừa bệnh dại

Để việc quản lý chó, mèo phát huy tác dụng, chuyên gia cho rằng cần có chế tài đủ mạnh với người nuôi không đăng ký. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ trong đăng ký và quản lý chó, mèo.

Kê khai định kỳ 2 năm/lần

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM đang xây dựng quy định tạm thời quản lý nuôi chó, mèo. Theo đó, chủ vật nuôi có thể sẽ phải đăng ký định kỳ với UBND cấp xã. Quy định cũng khuyến khích các hộ nuôi gắn chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý trên vật nuôi. Việc này giúp quản lý thông tin phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...

Theo Dự thảo, chủ vật nuôi trên địa bàn TPHCM phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp Xã. Đồng thời, cũng khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip (chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý) trên chó, mèo nhằm quản lý thông tin ở mức độ cá thể (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...).

Nuôi chó , mèo cần phải đăng ký với cơ quan chức năng để quản lý.

Nuôi chó , mèo cần phải đăng ký với cơ quan chức năng để quản lý.

Người dân nuôi chó, mèo phải kê khai định kỳ 2 lần một năm. Đối với chó, mèo nhập về nuôi mới, phải thực hiện đăng ký trong vòng 03 ngày hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, chủ nuôi có trách nhiệm theo dõi tình hình sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường hoặc nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải thực hiện cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương.

Chủ nuôi có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo tiếng ồn do chó, mèo gây ra không được vượt quá 70dB với khung giờ từ 06 đến 21 giờ và 55dB với khung giờ từ 21 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau. Về vấn đề vệ sinh môi trường, người nuôi chó, mèo phải thực hiện đăng ký và cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định hiện hành. Trường hợp đưa chó ra nơi công cộng, ngoài việc chó phải được rọ mõm, xích giữ thì người chủ còn phải mang đủ dụng cụ đựng chất thải và dọn sạch chất thải do chó thải ra nơi công cộng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục đích của quy định này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách về hoạt động chăn nuôi, quản lý chó, mèo đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân. Cùng với đó xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả, đảm bảo quyền gia súc cho chó, mèo. Tăng cường ý thức của cộng đồng về trách nhiệm nuôi dưỡng chó, mèo và đối xử nhân đạo đối với hai vật nuôi này.

Để việc quản lý chó, mèo phát huy tác dụng, TS Nguyễn Trọng Hùng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng cần có chế tài đủ mạnh với người nuôi không đăng ký. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ trong đăng ký và quản lý chó, mèo. Thông qua ứng dụng chủ có thể đăng ký online với các yêu cầu nhận diện hình ảnh, giống, loài, màu sắc, cân nặng... Thay vì đến UBND xã, phường khai báo trực tiếp, người nuôi có thể cập nhật thông tin online. Người dân cũng có thể phản ánh chó, mèo phóng uế, thả rông qua ứng dụng này.

Cần siết lại các quy định chung chung về nuôi chó, mèo

Theo chuyên gia Lê Đức Minh, trong Luật Thú y, việc quản lý chó, mèo chủ yếu là quản lý về dịch bệnh, nhất là với bệnh dại. Còn trong Luật Chăn nuôi, quản lý nuôi chó, mèo được đưa vào danh mục động vật khác, quy định trong Điều 66 với bốn quy định mới ở mức đơn giản, để quản lý chó, mèo ở các dạng làm thực phẩm, làm cảnh, trông nhà.

Cụ thể, khi nuôi chó, mèo phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại; khi nghi ngờ có bệnh dại phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền địa phương; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, bảo đảm vệ sinh môi trường; trường hợp chó, mèo tấn công gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định. Các quy định vẫn còn chung chung, chưa chặt chẽ, bao hàm rất rộng và chưa có hướng dẫn chi tiết về các quy định này. Vì quy định còn mang tính chất chung chung nên không chỉ gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước lẫn người thực thi, đặc biệt phía địa phương cũng đang gặp khó khăn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện Hà Nội có khoảng 438.000 con chó, mèo và tình trạng để chó thả rông ngoài đường, khu vực công cộng, công viên, trường học... vẫn còn. Đặc biệt, thời gian qua, xuất hiện trào lưu nuôi các giống chó dữ, to và cũng đã có những vụ chó tấn công người gây thương tích nặng, thậm chí tử vong. Công tác quản lý đàn chó tại một số địa phương còn lỏng lẻo; chưa thực hiện việc lập sổ theo dõi xuất, nhập chó, mèo tại các hộ chăn nuôi; chưa xử lý các vi phạm hành chính việc chó thả rông, làm ảnh hưởng đến môi trường, tấn công người nơi công cộng.

Tại Hà Nội, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, từ năm 2014 đến năm 2022, có 17 người chết vì bệnh dại. Ngoài ra, hằng năm, có hơn 10.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn hoặc tiếp xúc với động vật nghi mắc dại (chủ yếu do chó cắn) và chi phí cho việc khám, chữa bệnh, điều trị dự phòng lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Tới đây, các địa phương cần tổ chức rà soát, thống kê, cập nhật thông tin về đàn chó nuôi tối thiểu 2 lần/năm; đồng thời, xử lý thật nghiêm chủ vật nuôi vi phạm hành chính trong quản lý chó nuôi để đảm bảo an toàn cho cả người và vật nuôi trong bối cảnh chó nuôi tấn công người vẫn còn nhiều.

Theo chuyên gia, tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần mạnh tay cấm nuôi chó dữ như nhiều quốc gia khác. Các quy định quản lý động vật nuôi của Nhà nước như cấm thả rông chó, mèo cũng cần được thực hiện triệt để, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, xây dựng quy định cho có mà không triển khai. Những vụ việc chó dữ thả rông gây thương tích, tử vong cho người cần phải được chấm dứt, để xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nuoi-cho-meo-phai-dang-ky-de-quan-ly-phong-ngua-benh-dai-16924032511433043.htm