Nuôi dưỡng tâm hồn học đường

Đồng hành với trẻ không chỉ có gia đình, xã hội, mà nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng và hình thành nhân cách. Do đó, hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tư vấn cho học sinh thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần... là những việc làm thường xuyên được tổ tư vấn tâm lý học đường các trường trên địa bàn thành phố Lào Cai thực hiện.

Trường THCS Ngô Văn Sở dành một góc riêng tại tầng 2 tòa nhà đa năng để làm công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh. Tổ tư vấn gồm 30 thành viên là đại diện ban giám hiệu, các đoàn thể, thầy - cô giáo chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, đại diện phụ huynh học sinh có năng lực tư vấn. Thành viên của tổ được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về những kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống hỗ trợ học sinh gặp khó khăn trong học tập và tư vấn cho học sinh vượt qua trở ngại tâm lý ở tuổi dậy thì. Mỗi khi có những khúc mắc, tâm sự thầm kín cần chia sẻ, học sinh có thể viết thư bỏ vào hòm thư tiếp nhận của tổ để nhận được phản hồi kín hoặc có thể gặp trực tiếp tổ tư vấn để tham khảo ý kiến.

Cùng với đẩy mạnh hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường, nhà trường còn tổ chức các chương trình ngoại khóa như Diễn đàn “Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa”; hội thảo giải pháp kiểm soát, kiềm chế cảm xúc của học sinh trước những thay đổi đa dạng về tâm - sinh lý của người học... Sự chia sẻ trực tiếp của chuyên gia tâm lý với các hoạt động cụ thể, thiết thực, các diễn đàn đã chạm đến trái tim của những người tham dự, để cha mẹ, thầy cô hiểu hơn về con em, học sinh mình và bản thân trong hành trình nuôi dạy những mầm non.

Đến nay, 100% trường phổ thông của thành phố Lào Cai đã thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường. Các trường kết nối với cơ sở y tế, chuyên gia tâm lý để tư vấn những vấn đề tâm lý lứa tuổi vị thành niên, tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản, trong đó đa dạng hóa hình thức tư vấn (tham vấn riêng, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn; tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác); thiết lập kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh. Các trường cũng đẩy mạnh phối hợp với cha mẹ học sinh để phát hiện và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với những biểu hiện bất thường của học sinh.

Năm học 2023 - 2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ đạo xây dựng 20 phòng tư vấn tâm lý học đường điển hình; xây dựng 2 mô hình tư vấn tâm lý điểm ở Trường THCS Lý Tự Trọng và Trường THCS Ngô Văn Sở. Trường THCS Lý Tự Trọng còn thành lập câu lạc bộ tư vấn tâm lý học đường của phụ huynh, phòng tư vấn tâm lý kết hợp trực tiếp với trực tuyến (có phần mềm tư vấn tâm lý trực tuyến chuyên dụng).

Các trường cũng đổi mới hoạt động ngoại khóa, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, diễn đàn về các chủ đề liên quan đến nội dung cần tư vấn cho học sinh; lồng ghép hoạt động tư vấn tâm lý trong các giờ học, đặc biệt là các hoạt động sinh hoạt dưới cờ… Từ đó, nhiều vấn đề khúc mắc của các em đã được thầy cô, bố mẹ lắng nghe và chia sẻ, nuôi dưỡng tâm hồn học đường.

Với nhiều cách làm thiết thực và hiệu quả, hoạt động tư vấn học đường trong mỗi nhà trường đang tạo môi trường “mở”, linh động để học sinh phát triển toàn diện. Cùng với đó, qua các hoạt động phối hợp, gia đình và nhà trường sẽ gắn bó khăng khít hơn, hiểu nhau hơn trong việc cùng thực hiện sứ mệnh chung là nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

Trình bày: Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nuoi-duong-tam-hon-hoc-duong-post382921.html