Nuôi lợn lai rừng ở đồn Biên phòng tuyến biển

Đồn Biên phòng Hòa Minh, BĐBP Bình Thuận nằm ở địa bàn tuyến biển, trên vùng cát trắng mênh mông. Khắc phục những khó khăn đó, đơn vị vẫn đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, với nhiều sáng kiến riêng để góp phần cải thiện bữa ăn cho bộ đội.

Chú lợn lai giống lợn rừng ở Đồn Biên phòng Hòa Minh có trọng lượng khoảng 100kg. Ảnh: Văn Chương

Chú lợn lai giống lợn rừng ở Đồn Biên phòng Hòa Minh có trọng lượng khoảng 100kg. Ảnh: Văn Chương

Binh nhất Lê Văn Chính mở cánh cửa gỗ để đi vào khu chăn nuôi với vẻ đầy tự tin. Người lính trẻ 19 tuổi, quê ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có khuôn mặt hiền lành, vui tươi, lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Chính cho biết, kỷ niệm khó quên nhất là lần đầu tiên thấy thành quả chăn nuôi của mình “đơm hoa kết trái”. Đó là chỉ một thời gian được giao chăm sóc đàn lợn, những chú lợn được Binh nhất này chăm sóc đã sinh sản hàng chục con lợn con. Tết Nguyên đán năm 2024, đơn vị làm thịt lợn để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, đồng thời chia phần cho anh em cán bộ, kể cả chiến sĩ tăng gia, mỗi người 5kg thịt lợn lai. Chính hớn hở nhìn mẹ xuống nhận một túi thịt. Mẹ Chính mang về nấu ăn và khoe với hàng xóm về việc con trai đi lính còn học thêm được nghề tay trái. Quy trình nuôi heo rừng lai được người lính trẻ mô tả: “Ban đầu thấy khó, nhưng chỉ một thời gian sau lại thấy nuôi lợn rừng lai rất đơn giản”. Chỉ vào con heo đực to, nặng gần 100kg, Chính cho biết: "Hồi mới về đơn vị cách đây 18 tháng, em thấy cũng hơi ngại, nhưng rồi khi chăm sóc thì trở nên thân quen và cứ thấy em là mấy chú heo xán lại gần, cho sờ vào lưng".

Đại úy Trần Hải Đăng, cán bộ phụ trách công tác hậu cần của đơn vị cho biết: Đơn vị đóng quân trên vùng đất cát cháy bỏng, do đó, để phát triển tăng gia sản xuất, đảm bảo đời sống cho bộ đội, đơn vị đã bố trí từng khu vực tăng gia khoa học. Những luống rau mồng tơi, rau dền không phát triển chiều cao như trồng ở những vùng đất thịt pha bùn. Nhưng trên diện tích khoảng 800m2 được phân thành nhiều ô, các loại rau vẫn lên xanh tốt và là những loại rau chống chịu hạn hán. Trong đó khu vực chăn nuôi được xây dựng dãy chuồng hình chữ L và chiếm phần lớn diện tích là sân trời. Giữa các chuồng đều đục lỗ để lợn con di chuyển giữa nhiều ô khác nhau. Đây là cách nuôi mà không phải đơn vị nào cũng biết cách áp dụng.

Nhờ đó, khi lợn con vừa đủ lớn thì sẽ tự tách bầy, chạy sang các ô chuồng bên cạnh nối nhau. Toàn bộ lợn có trọng lượng lớn được nuôi ở khu chuồng chính giữa và không thể di chuyển sang các ô bên cạnh. Do đó, việc chăn nuôi lợn lai ở Đồn Biên phòng Hòa Minh luôn phát triển tốt, mỗi năm, đàn lợn sinh sản được khoảng 130 con lợn con. Sở dĩ đàn lợn của đơn vị phát triển tốt là nhờ công chăm sóc và cách hoán đổi lợn phối giống với Đồn Biên phòng Hòa Thắng, đơn vị có mô hình nuôi lợn rừng lai để tránh cận huyết, giúp đàn lợn phát triển nhanh, góp phần cải thiện đời sống, bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòa Minh tự chế biến mắm cá cơm để sử dụng. Ảnh: Văn Chương

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòa Minh tự chế biến mắm cá cơm để sử dụng. Ảnh: Văn Chương

Ngoài ra, Đồn Biên phòng Hòa Minh nằm tại địa bàn có thương hiệu nước mắm Phan Thiết nổi tiếng từ năm 1809, vì vậy, trong chương trình tăng gia sản xuất hàng năm, ngoài chăn nuôi lợn, bộ phận hậu cần còn lo việc muối mắm để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, đảm bảo sản phẩm nguyên chất. Theo báo cáo, mỗi năm, đơn vị tự sản xuất được 852 lít mắm nhĩ. Và Thiếu tá Phạm Ngọc Thắng, quê ở tỉnh Thanh Hóa, nhân viên báo vụ là người có tay nghề muối mắm rất khéo léo của đơn vị.

Binh nhất Lê Văn Chính và các chiến sĩ đơn vị cho biết, đơn vị nuôi lợn, sử dụng phương pháp chăn nuôi truyền thống, vì vậy, món thịt lợn luôn thơm ngon. Nguồn rau xanh trồng xen kẽ giữa các ô vườn, luân phiên các loại rau theo mùa, nếu mùa đông và mùa xuân thì chuyển sang trồng rau cải, rau muống. Công tác "thực túc binh cường" ở đơn vị sẽ trở thành kỷ niệm khó quên trong cuộc đời quân ngũ của người lính trẻ.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nuoi-lon-lai-rung-o-don-bien-phong-tuyen-bien-post474736.html