Ô Loan một giấc mơ xanh
Thế là rốt cuộc tôi thực hiện được giấc mơ đến Đầm Ô Loan!
Giấc mơ xanh còn xanh mãi của tôi
Là Ô Loan đầm nước trong ngời
Tôi như con sóng nhoài trên biển
Mẹ gọi về đây nghỉ chút thôi
Tôi đọc những câu thơ trên trong bài viết “Nguyễn Mỹ như tôi đã biết…” mà một ngày đầu những năm 90 thế kỷ trước, nhà thơ Trúc Cương mang tới giao cho tôi tại Tòa soạn tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam ở số 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Đọc, thích ngay, thuộc luôn và lầm tưởng bài “Giấc mơ xanh” của Nguyễn Mỹ chỉ có 4 câu đó. Sau mới biết bài này có 4 khổ thơ.
“Giấc mơ xanh” nằm trong “tam giác thơ sắc màu” hay “chùm thơ màu ba khúc” như bạn bè thích thú đặt tên của Nguyễn Mỹ gồm “Cuộc chia ly màu đỏ” - “Hoa cúc tím” - “Giấc mơ xanh”. Đây là những bài thơ hay của Nguyễn Mỹ được viết khoảng những năm 1964- 1966 mà trong đó, hầu hết mọi người chỉ biết đến “Cuộc chia ly màu đỏ” do nó được coi là một trong những bài thơ đáng kể của thơ ca chống Mỹ nói chung, được đưa vào chương trình học.
Cho đến hôm đó, 27/2/2024, Phú Yên, nơi có đầm Ô Loan, quê hương của nhà thơ Nguyễn Mỹ vẫn là một trong ba tỉnh cuối cùng của đất nước ta mà tôi còn chưa đặt chân đến.
Xe từ sân bay Phù Cát (Bình Định) chạy ngang Ô Loan thì đã hơn 12 giờ trưa, mọi người đều đói nhưng tôi vẫn nói xe dừng để tôi được chụp bức ảnh lấy nền là đầm nước trong ngời đó.
Từ thích những câu thơ đến ước muốn đến mà mãi 30 năm sau mới đến được! Người ta hay nói đến cái Duyên là thế.
Rất may là tôi vẫn còn giữ được cuốn Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số tháng 5 + 6 năm 1992, trong đó có in bài “Nguyễn Mỹ như tôi đã biết…” của nhà thơ Trúc Cương như đã nói ở trên. Trong đó, Trúc Cương viết rằng hai người gặp nhau lần đầu năm 1956 thì Nguyễn Mỹ đã làm thơ rồi, làm nhiều, chép nhiều trong sổ tay, nhưng việc chính của ông khi đó là tiểu đội phó pháo thủ của Đại đoàn 324 đóng ở Đô Lương, Nghệ An. “Nguyễn Mỹ có khuôn mặt rất đàn ông nhưng đa cảm và quyết liệt. Mắt đẹp. Môi thường khép lại dịu dàng” - Trúc Cương tả bạn đầy chất thơ như vậy. Tôi nhìn vào ký họa chân dung Nguyễn Mỹ mà chính Trúc Cương đưa kèm bài (hình như do chính ông vẽ) thì thấy đúng là như vậy.
Năm 1957 thì Nguyễn Mỹ về làm việc tại Hà Nội, làm nhạc công kéo vi ô lông trong Đoàn Nghệ thuật Tây Nguyên, nơi anh ruột của ông, nhạc sĩ Nhật Lai - tác giả của bài hát nổi tiếng “Hà Tây quê lụa” cùng công tác với Trúc Cương. Sau đó, ông đi học lớp báo chí rồi về làm việc tại Nhà xuất bản Phổ thông.
Chơi thân với Nguyễn Mỹ nên Trúc Cương được chứng kiến bối cảnh ra đời của “Cuộc chia ly màu đỏ”. Ông viết: “Một buổi trưa hè Hà Nội, bên đường Nguyễn Du, tôi và nhạc sĩ Nhật Lai, anh trai Mỹ ngồi hút thuốc vụn để chia tay Mỹ. Nắng đẹp. Ve kêu xối xả trên những vòm cây rậm lá. Và chiến tranh đang quyết liệt trong Nam. Ở nơi mà Nguyễn Mỹ đã từng nói trong khoảnh khắc xáo động của lý trí và lương tri của một thi sĩ đương đại rằng cái không tồn tại ở nơi này sẽ là cái tồn tại “đích thực” ở nơi kia… Nguyễn Mỹ vừa thành thật, vừa ước lệ khi cảm nhận tâm trạng của “một người vợ trẻ” nào đó tiễn đưa chồng ra đi trong một vườn hoa Hà Nội.
Nhà thơ, trưa ấy, ngồi lại một mình suy ngẫm về “cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ” ấy”.
Điều đáng ngạc nhiên là trong bài viết, nhà thơ Trúc Cương đã trích cả hai câu mà tôi không thấy trong các bản in bài “Cuộc chia ly màu đỏ” đã đọc:
Chỉ còn mình tôi giữa vườn hoa vắng vẻ
Tất cả hoa đỏ đi theo người vợ trẻ
Nguyễn Mỹ cũng ra đi. Ông xung phong vào Nam chiến đấu (Trúc Cương viết là vào năm 1966 nhưng các nguồn tư liệu khác đều viết năm 1968), công tác ở Tiểu ban Tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Khu V, đồng thời là phóng viên chiến trường của báo Cờ Giải Phóng miền Trung Trung bộ. Ông hy sinh trong một trận càn lớn của địch ở huyện Trà My, Quảng Nam. Năm đó, Nguyễn Mỹ 35 tuổi và chưa từng làm chồng của một ai để trong đời có một lần được vợ tiễn đưa. Đoạn cuối bài viết của Trúc Cương rất xúc động:
“Và Nguyễn Mỹ ra đi. Vào mùa hè năm 1971, ở một khu rừng quế Trà My, nhà thơ trẻ tài năng và nhân cách ấy đã nằm xuống. Cỏ và rêu, đá núi, mùi hương quế và đất mẹ đã giữ anh lại…
Nguyễn Mỹ, trên mộ anh có đốm lửa nào không? Nhưng đồng đội anh đã cảm nhận ánh sáng ấy trong từng lồng ngực. Vì nó là hoa chuối rừng thân thuộc của thế hệ đầy ước mơ và thành thực chúng mình. Vì đó “Sẽ là ánh lửa hồng trong bếp/ Một làng xa giữa đêm giá rét/ Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như không hề có cuộc chia ly”.
Trong bài viết trên, Trúc Cương dẫn những câu thơ Nguyễn Mỹ về Đầm Ô Loan, những câu thơ gieo vào lòng tôi ước muốn được đến đầm nước ấy từ khi còn rất trẻ. Đoạn đó như sau: “Nguyễn Mỹ quê ở Phú Yên. Ở quê anh có Đầm Ô Loan và núi Sầm. Anh hay đọc cho bạn bè nghe câu ca dao vùng Tuy Hòa với giọng đằm thắm đầy thương nhớ: Trơ vơ như cụm núi Sầm/ Thảnh thơi như mặt nước Đầm Ô Loan (khi viết bài này, tôi tra cứu thì phương án phổ biến nhất của câu ca dao này là: Lẻ loi như cụm núi Sầm/ Thản nhiên như mặt nước Đầm Ô Loan - LXS).
Có lẽ vì gắn bó máu thịt với quê hương vùng cực Nam Trung bộ mà anh đã viết những câu trong bài Giấc mơ xanh thật da diết”.
Và Trúc Cương trích 4 câu thơ mà tôi đã dẫn ở đầu bài.
Tất cả những điều trên đây là tôi đọc lại bài “Nguyễn Mỹ như tôi đã biết…” và tra cứu một số tư liệu khác chứ từ bài báo nhà thơ Trúc Cương viết cách đây đã hơn 30 năm ấy, tôi chỉ nhớ được đúng 4 câu thơ của bài “Giấc mơ xanh” mà đôi khi nhớ tới tôi vẫn tự nhủ rằng đời mình nhất định có khi nào đó phải tới được Đầm Ô Loan.
Giấc mơ xanh còn xanh mãi trong tôi… Và thật vui sướng là giấc mơ đó thành hiện thực. Ngay tối hôm đi qua Đầm Ô Loan, trong bữa ăn tối có cả anh Đào Mỹ - Phó Chủ tịch tỉnh, chị Nguyễn Thị Hồng Thái - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, anh Phan Xuân Luật - Giám đốc Đài Truyền hình tỉnh Phú Yên, tôi đã khoe và đọc cho các bạn Phú Yên nghe lại các bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” - “Giấc mơ xanh”. Những bài thơ trong trí nhớ. Tôi chỉ đọc hai bài trong bộ ba bài thơ đó do “Hoa cúc tím” là bài thơ khó thuộc và đến nay tôi vẫn chưa thuộc được.
Hôm xong chuyến công tác, rời Tuy Hòa để về sân bay Phù Cát, Bình Định, anh em trong đoàn công tác sau khi nghe chuyện đã chiều tôi mà hủy kế hoạch ghé những nơi họ thích là Gành Đá Đĩa và Nhà thờ Mằng Lăng để cùng tôi rẽ vào Đầm Ô Loan. Lãnh đạo Sở Văn hóa cũng vì chiều tôi mà cử một cô hướng dẫn viên trẻ rất xinh tên là Nguyễn Thị Hiền dẫn chúng tôi về đầm. Những chuyện về đầm Hiền kể trên xe không nhiều. Cũng phải thôi, Đầm Ô Loan chưa phải là điểm du lịch hút đông khách. Hôm ngồi với nhau buổi tối, tôi hỏi anh Đào Mỹ là Ô Loan đang được khai thác thế nào thì anh nói cũng mới cơ bản là khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản như truyền thống thôi. Tôi đọc trên mạng thì Đầm Ô Loan manh nha du lịch sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” do có nhiều cảnh phim rất đẹp được quay trên đầm.
Hôm ấy, Hiền đã nói về các hải sản nức tiếng của Đầm Ô Loan như tôm, cua huỳnh đế, điệp, hàu, cá mú, ghẹ… và đặc biệt là sò huyết mà cô nói vị đậm hơn ở nơi khác nhiều. Là đầm nhưng Ô Loan thông ra biển nên giàu những hải sản trên. Nhưng tôi quan tâm hơn đến hai câu chuyện liên quan đến văn hóa. Thứ nhất là truyền thuyết về tên của đầm. Vì sao lại là Ô Loan? Đó là từ là câu chuyện về nàng Loan và chim Ô Thước. Ngày xưa, có nàng tiên trên trời rất xinh đẹp tên nàng Loan, nhưng tính tình hay tinh nghịch. Một ngày nọ nàng Loan mượn con chim Ô Thước bay xuống trần gian dạo chơi khắp nơi mà không hề để ý chim đã mỏi cánh, đói và khát, nên khi ngang qua đầm, chim không còn đủ sức để bay, nên hạ cánh xuống dãy núi Từ Bi cạnh đó. Sau này, người ta mượn tên chim Ô Thước ghép chung với tên nàng Loan, gọi tắt là Ô Loan để đặt tên cho đầm.
Quả thật là Hiền chỉ cho chúng tôi trên hồ có một doi đất hình con chim lớn đang vươn thân hình bay về phía trước. Và nhiều người nói nếu nhìn từ trên cao thì toàn bộ đầm có dáng hình một con chim phượng hoàng đang vỗ cánh bay, bao trọn các núi non chung quanh.
Nguyễn Mỹ
Giấc mơ xanh
“Lẻ loi như cụm núi Sầm
Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan”
(Ca dao Phú Yên)
Giấc mơ xanh còn xanh mãi của tôi
Là Ô Loan đầm nước trong ngời
Tôi như con sóng nhoài trên biển
Mẹ gọi về đây nghỉ chút thôi
Mẹ đặt đầu tôi trên lưỡi cát
Chắn ngang biển lớn đến tìm tôi
Ru tôi mẹ hát bài dương liễu
Rắc ước mơ vào trong sóng khơi
Cha già như bóng núi trầm ngâm
Như dáng trầm tư cụm núi Sầm
Rêu xanh như thể chưa hề chứa
Dáng dấp đời xuân ngọn sóng thầm
Giấc mơ xanh còn xanh mãi của tôi
Là Ô Loan, đầm mẹ sáng ngời
Con đi, mẹ nhé, triều đang gọi
Nâng giấc mơ lên tới đỉnh trời
1966
Chuyện thứ hai là ở đây từng có một làng Quảng Đức làm gốm nổi tiếng với lịch sử từ 300 năm trước. Người thợ gốm ở đây đốt lò nung bằng cây mằng lăng (Nhà thờ Mằng Lăng nổi tiếng chắc mang tên của thứ cây đặc trưng này của địa phương). Để kích nhiệt độ lò từ khoảng 1.000 độ C lên 2.000 để gốm tạo men, người ta phải đổ thêm vỏ sò huyết Đầm Ô Loan vào. Sản phẩm của làng có bình vôi, nậm rượu, chóe, lu… Điều đặc biệt là men thì không cái nào giống cái nào. Đáng tiếc là kỹ thuật gốm Quảng Đức giờ gần như thất truyền.
Thời gian chúng tôi ở đầm cũng chỉ vài chục phút, không đủ để tìm cách thuê thuyền đi dạo trên đầm. Nhưng kịp để ăn thử hàu Ô Loan ngay trên sạp bán. Đúng là đậm đà hơn rõ rệt so với những con hàu mà tôi đã từng nhiều lần ăn. Tôi kịp hỏi chuyện một người đàn ông trẻ tên Mỹ đang ngồi tách điệp, một loài hơi giống trai nhưng mỏng dính. Đống điệp này do chính anh vừa đi đầm lặn bắt được. Rồi lại ra ngoài bờ nước hỏi chuyện một phụ nữ đang ngập mình trong dải nước gần bờ nhìn không được sạch để mò vớt con vẹm, cũng là một loài giáp xác nhỏ xíu. Hỏi chuyện để biết được ngoài những người làm ăn lớn hơn có các khu nuôi trồng thủy sản trên hồ thì cuộc mưu sinh của những người dân này cũng không dễ dàng gì. Như anh Mỹ thì một ngày đi lặn bắt điệp từ 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng về, rồi lại mất rất nhiều thời gian để tách vỏ lấy thịt bán thì thu nhập bình thường cũng chỉ 400 - 500 nghìn đồng/ngày…
Ô Loan, đầm nước mà nhà thơ Nguyễn Mỹ đắm đuối, đầm nước kéo dài trên địa bàn 4 xã An Cư, An Hòa Hải, An Ninh Đông, An Thạnh của huyện Tuy An, đầm nước có chu vi lên tới khoảng 50 km, diện tích 17 cây số vuông, đầm nước được công nhận là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia từ ngày 27/9/1996 chắc còn cần thêm thời gian để trở thành một địa chỉ du lịch thật sự hút khách. Một trong những việc mà tôi có ý kiến tham mưu với Phó Chủ tịch Đào Mỹ là khắc 4 câu thơ hoặc cả bài “Giấc mơ xanh” của Nguyễn Mỹ lên đá mà đặt ở vị trí nào đẹp trong hồ.
Giấc mơ xanh còn xanh mãi của tôi
Là Ô Loan, đầm mẹ sáng ngời
Con đi, mẹ nhé, triều đang gọi
Nâng giấc mơ lên tới đỉnh trời
Hơn nửa thế kỷ trước, năm 1966, Nguyễn Mỹ đã viết khổ cuối bài “Giấc mơ xanh” như thế. Hy vọng và chờ cho giấc mơ lên đến đỉnh trời của liệt sĩ Nguyễn Mỹ, giấc mơ của những người dân Ô Loan thành hiện thực.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/o-loan-mot-giac-mo-xanh-post1622839.tpo