Ở nơi hạt rau từng 'gửi ra tiền phương'

Sa Pa - nơi gợi cảm hứng bất tận của biết bao tác phẩm thi ca, nhạc, họa. Chỉ một đóa hoa, nhành cây, ngọn đá cũng gợi bao nỗi niềm, trở thành những biểu tượng vượt thời gian. Nhạc sỹ Vĩnh Cát cũng không ngoại lệ, một lần đến Sa Pa, ông vô cùng xúc động và đã sáng tác ca khúc 'Sa Pa thành phố trong' sương với những ca từ thấm đẫm yêu thương: 'Gửi ra tiền phương hạt giống rau em trồng. Gửi tới biên cương cả tình em yêu thương...'.

Trong một ngày hương xuân tràn khắp nẻo, men theo những ca từ thiết tha, chúng tôi ngược đèo, ngược núi đến thôn Sâu Chua, xã Sa Pả, huyện Sa Pa (nay là tổ 4, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa) - nơi từng là quê hương của những hạt giống rau gửi ra tiền phương năm ấy.

Đã sang xuân mà trời đất Sa Pa vẫn không có một ngày nắng, cứ mịt mù từ sáng đến tận đêm muộn. Anh Hạng A Xeng, cán bộ nông - lâm phường Sa Pả đón tôi ở Quốc lộ 4D đoạn đầu đường rẽ vào tổ 4. Sau phút chào hỏi, anh nổ máy đưa tôi ngược dốc. Con đường đã được trải nhựa nhưng theo thời gian, mưa nắng khiến mặt đường bị bong tróc, trồi sụt, lại thêm độ dốc cao, khúc cua tay áo lớn, nên quãng đường 5 km từ quốc lộ đến với trung tâm của tổ 4 rất khó khăn. Càng lên cao gió rít càng mạnh, hơi lạnh như thấu tận xương thịt.

Sau một hồi “gầm gừ”, chiếc xe máy đưa chúng tôi đến ngôi nhà gỗ 5 gian làm theo kiểu truyền thống của người Mông. Nghe thấy tiếng xe máy nổ giòn, từ ngôi nhà thâm nâu, cụ ông hơn 80 tuổi mặc chiếc áo chàm đen của người Mông bước ra. Nhìn thấy anh Xeng thì chào vui vẻ bằng tiếng Mông. Anh Xeng bảo: “Đây là ông Châu A Dế, tộc trưởng của dòng họ Châu và cũng là người có uy tín nơi đây từ nhiều năm nay”. Khuôn mặt đã nhuốm màu thời gian nhưng những chuyện về thôn Sâu Chua từ mấy mươi năm trước và về tổ 4 ngày nay, ông Dế thông thuộc như lòng bàn tay.

Chiều muộn, sương xuống mỗi lúc một nhiều khiến không gian lạnh buốt. Ngồi trong ngôi nhà, tôi thầm nghĩ và chợt thấy thú vị khi người ta vẫn ví, Sa Pa như một cái tủ lạnh lớn treo giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ và thôn Sâu Chua chính là “ngăn cấp đông” vì nhiệt độ luôn thấp hơn khu vực trung tâm thị xã từ 2 - 3 độ C. Tuy nhiên, chính cái lạnh thấu xương ấy cộng với độ ẩm cao, đất mùn tươi tốt lại là điều kiện lý tưởng để các cây ăn quả ôn đới, các loại cây rau, hoa vụ đông phát triển quanh năm.

Bên bếp lửa hồng, ông Dế kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị.

Với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, lại thêm các xã viên chăm chỉ, Hợp tác xã Sâu Chua mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng qua từng năm. Chỉ tính riêng về sản xuất hạt rau su hào, năm 1972 - 1973, hợp tác xã có 12 ha đất sản xuất, thu được 2,2 tấn hạt; năm 1977, diện tích là 26 ha, thu 6,2 tấn hạt. Là mặt hàng đặc hữu nên giá trị hạt rau su hào rất cao. Thời mà nông dân những nơi khác ở Sa Pa khốn khó trăm bề, phải nhận gạo cứu đói của Chính phủ thì ở Sâu Chua 100% hộ đủ ăn và còn gửi tiền dự trữ mua gạo cho năm sau. 52/65 hộ có tiền gửi ngân hàng, gần một nửa số hộ làm được nhà ngói, nhà gỗ theo kiểu mới.

Cùng với các khu vực khác như trung tâm thị trấn Sa Pa, đèo Ô Quý Hồ (cũng sản xuất hạt rau su hào nhưng sản lượng ít và chất lượng hạt không bằng Sâu Chua), các xã viên Sâu Chua đã làm nên thương hiệu “quê hương của những hạt giống quý”. Hạt giống rau Sa Pa ngày càng được nâng lên về phẩm chất giống cũng như số lượng, trở thành vùng giống rau chủ yếu của quốc gia, cung cấp cho cả nước.

Đang sôi nổi, giọng ông Dế trầm hẳn xuống: Một thời, Sâu Chua là “vương quốc” của hạt rau giống, người dân Sâu Chua chủ yếu sống bằng nghề sản xuất hạt rau. Nhưng đến năm 1979, hợp tác xã không hoạt động nữa…

Hợp tác xã giải thể, dân Sâu Chua vì thế “mất” nghề, có hộ bỏ xứ ra đi, có hộ vẫn bám trụ. Ông Châu A Dế bảo: Trước đây, người Mông có tập quán du canh, du cư. Tuy nhiên, chính những năm tháng làm hợp tác xã sản xuất hạt rau giống đã dạy cho người Mông Sâu Chua có “an cư” thì mới “lạc nghiệp” được. Dù cho khó khăn chất chồng, chúng tôi vẫn quyết bám trụ mảnh đất cha ông để làm lại từ đầu.

Cùng với định hướng, chỉ đạo từ cấp trên, người dân Sâu Chua tích cực khai khẩn đất hoang, đưa các loại cây ăn quả giống mới vào trồng. Đặc biệt, hơn chục năm nay, du lịch Sa Pa phát triển mạnh, nhu cầu rau “sạch” lên ngôi, người dân Sâu Chua tập trung cải tạo vườn tạp, trồng rau hàng hóa. Kinh nghiệm trồng rau sao cho chất lượng tốt, mẫu mã đẹp của các xã viên năm xưa lại được dịp phát huy và truyền lại cho con cháu. Dạo quanh tổ 4 Sâu Chua ngày nay là những vườn rau xanh mướt trên lưng đồi, bên đường liên gia, liên thôn và đến tận cửa nhà dân.

Gia đình anh Thào A Lềnh là một trong những hộ trồng rau nhiều nhất tổ 4. Tận dụng mọi diện tích có thể trong vườn nhà, trên nương đồi, anh Lềnh cùng vợ sản xuất rau hữu cơ. Gần 0,3 ha rau của gia đình luôn xanh tốt, mùa nào thức ấy với các loại rau đặc hữu của Sa Pa (su hào, bắp cải, ngồng su hào, cải mèo…), đặc biệt chú trọng trồng vào khung thời vụ trái với rau của vùng thấp để dễ dàng tiêu thụ. Mỗi năm, anh Lềnh thu hơn 2 tấn rau các loại, thu nhập trên 50 triệu đồng.

Không chỉ gia đình anh Lềnh, tổ 4 có 84 hộ thì có đến 70 hộ trồng rau hàng hóa cho thu nhập ổn định. Nhiều gia đình làm nhà mới, sắm những đồ vật tiện ích đắt giá cũng từ những nguồn thu ấy. Như gia đình anh Thào A Lềnh năm 2023 vừa làm được ngôi nhà sàn trị giá gần 1 tỷ đồng.

Từ mô hình kinh tế hiệu quả và truyền thống trồng rau ở tổ 4, đến nay, 3 tổ còn lại của Sa Pả cũng mở rộng sản xuất rau hàng hóa. Những vùng rau an toàn của Sa Pả như Sâu Chua (tổ 4), Xả Séng (tổ 3), Hàm Rồng (tổ 2) và khu tổ 1 của thị trấn Sa Pa cũ nổi danh khắp nơi. Sa Pả trở thành “vựa rau sạch” của vùng đất mờ sương với diện tích rau ăn củ, cho lá hơn 100 ha, sản lượng gần 1.900 tấn các loại mỗi năm. Nhiều hộ sống chuyên bằng nghề trồng rau, như các hộ Giàng A Kỷ, Thào A Si, Thào A Vâu, Giàng A Chứ…

Ông Nguyễn Bá Nguyên, Chủ tịch UBND phường Sa Pả cho biết: Sa Pả đang trở thành vùng trọng điểm sản xuất rau an toàn của Sa Pa. Hiện nay, phường có 2 vùng rau an toàn trọng điểm của thị xã là tổ 3 Xả Séng và tổ 2 Hàm Rồng. Phường phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng rau an toàn, rau trái vụ cho nông dân, đồng thời tích cực liên hệ, mở rộng liên kết với các doanh nghiệp thực hiện hợp tác trồng, cung ứng, bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho bà con.

Chúng tôi chia tay Sa Pả, Sâu Chua trong ráng chiều mịt mùng sương và cái lạnh xắt da đặc trưng của “ngăn cấp đông” nhưng trong lòng đầy ấm áp, hân hoan. Trong sắc thắm của mùa xuân, mang theo câu chuyện cũ hòa với lời nói đầy hứng khởi của vị Chủ tịch phường, thấy yêu và tự hào hơn về những cư dân của “vương quốc” hạt rau thuở trước.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/o-noi-hat-rau-tung-gui-ra-tien-phuong-post379841.html