Ô tô tải 'độ' mui gió cần lưu ý gì để được đăng kiểm?
Theo quy định mới, lắp đặt thêm mui gió trên nóc cabin ô tô tải không được coi là cải tạo xe cơ giới, được đăng kiểm bình thường. Tuy nhiên, khi lắp đặt, chủ xe cần lưu ý sao cho mui gió khi lắp thêm không được làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe, nếu không sẽ bị trượt đăng kiểm.
Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận được câu hỏi từ bạn đọc cho biết, cách đây 6 tháng, có 8 ô tô tải của công ty được lắp đặt thêm mui gió vừa giúp xe gia tốc nhanh hơn, vừa giúp hạn chế khí nóng hấp thụ từ trên nóc cabin xe vào khoang lái.
Ngoài ra, công ty cũng tận dụng được bề mặt của mui gió để dán thông tin liên hệ, quảng cáo thương hiệu. Tuy nhiên, bạn đọc lo lắng khi sắp đến hạn đăng kiểm xe, không biết có bị từ chối đăng kiểm và buộc phải tháo ra hay không, bởi việc tháo mui gió cũng mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí.
Về vấn đề này, khảo sát của PV cho thấy, cũng giống như bạn đọc của Báo Giao thông, hiện nay, phần lớn chủ xe ô tô tải lựa chọn lắp đặt mui gió trên nóc cabin xe. Bên cạnh tính thẩm mỹ giúp tăng tính khí động học, che lấp đi khoảng trống trên nóc cabin, giúp xe khỏe khoắn, đẹp hơn khi nhìn từ phía trước và bên hông thì việc lắp mui gió còn mang nhiều lợi ích khi xe di chuyển trên đường.
Một chủ cơ sở chuyên phân phối và lắp đặt mui gió xe ô tô tải cho biết, các rãnh thoát trên mui gió giúp giảm đến 70% lực cản không khí tác động trực tiếp lên phần diện tích thùng xe ngay trên đầu cabin khi xe đang chạy, giúp xe gia tốc dễ dàng hơn, làm tăng tốc độ di chuyển của xe khi ở cùng một mức ga, nhờ đó giúp tiết kiệm nhiên liệu.
Bên cạnh đó, mui gió còn có tác dụng bảo vệ phần nóc cabin cũng như hạn chế lượng nhiệt hấp thụ vào bên trong khoang lái, giúp điều hòa trong xe hoạt động ít hơn, qua đó, cũng giúp tiết kiệm nhiên liệu cho xe.
Đối với lo lắng của bạn đọc về vấn đề đăng kiểm xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo Thông tư 43/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 quy định về cải tạo xe cơ giới, trường hợp lắp đặt thêm mui gió trên nóc cabin ô tô tải không được coi là cải tạo xe cơ giới.
Việc lắp đặt không làm ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện. Do đó, chủ xe đưa ô tô tải có lắp đặt mui gió đi đăng kiểm vẫn được kiểm định bình thường, nếu đạt các hạng mục khác, xe sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm và Tem kiểm định.
Tuy nhiên, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết thêm, thực tế không ít chủ xe lắp mui gió trên nóc cabin ô tô tải không tìm hiểu kỹ quy định, dẫn đến bị từ chối kiểm định và phải quay về khắc phục sau khi được đăng kiểm viên giải đáp, hướng dẫn.
Theo Thông tư 43/2023, mui gió lắp đặt thêm trên nóc cabin ô tô tải không được làm tăng kích thước bao ngoài của xe, tức là mui gió khi lắp đặt lên xe phải có chiều ngang nhỏ hơn hoặc bằng chiều ngang của xe. Chiều cao khi lắp vào cabin thấp hơn hoặc bằng, không được cao hơn thùng xe.
"Nếu không đáp ứng được tiêu chí trên, khi đi đăng kiểm sẽ bị từ chối kiểm định, chủ xe buộc phải tháo bỏ hoặc thay thế mui gió khác phù hợp mới được đăng kiểm", lãnh đạo trung tâm đăng kiểm nhấn mạnh.