Olympic có chết không?

Ngày càng có nhiều quốc gia không còn muốn tham gia đấu thầu đăng cai Thế vận hội, một phần do sự phản đối từ công chúng, rủi ro hủy hoại môi trường và đặc biệt là chi phí quá cao.

Khi thành phố Denver, Mỹ rút khỏi quyền đăng cai Olympic mùa đông 1976, chỉ hai năm sau khi giành chiến thắng với lý do chi phí tài chính và môi trường, nhiều người đã sốc. Tổ chức Olympic được coi là đặc ân với các thành phố trên thế giới, theo Economist. Cuộc cạnh tranh giữa các thành phố để vinh dự đăng cai sự kiện thể thao hàng đầu thế giới từng sôi động và cạnh tranh không kém cuộc thi giữa các vận động viên.

Trên 10 thành phố nộp đơn đăng ký đầu tiên để đăng cai Olympic mùa hè 2004, sau đó là 10 đơn vào năm 2008 và 9 cho 2012. Nhưng tất cả giờ đã khác. Denver dường như đã đi trước thời đại.

Mùa hè vừa qua, ngọn đuốc của Olympic 2020 được thắp sáng ở Tokyo - ngay tại đất nước mà công chúng mong muốn hủy bỏ Thế vận hội.

Với tỷ lệ tiêm chủng của Nhật Bản vẫn còn thấp tại thời điểm đó, Olympic diễn ra khi thành phố đặt trong tình trạng khẩn cấp và không có khán giả. Không có bóng dáng của khách du lịch quốc tế, do đó nguồn bù đắp chi phí bỏ ra gần như biến mất.

Trong khi đó, dư luận phản đối mạnh mẽ Olympic. Trong cuộc thăm dò hồi tháng 5/2021 do tờ Asahi Shimbun thực hiện, có 83% người Nhật Bản được hỏi ủng hộ việc hoãn hoặc hủy Thế vận hội.

Mặc dù Covid-19 có thể là nguyên nhân chính khiến Nhật Bản phản đối Olympic, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) trong những năm gần đây đã phải vật lộn để thu hút các quốc gia trở thành nước chủ nhà. Nhiều chính phủ nhận thấy rất nhiều rủi ro trong việc tổ chức cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế này, một phần vì vấp phải sự phản đối của công chúng hoặc chi phí tài chính - môi trường quá lớn.

Không còn là niềm vinh dự

Vào ngày 13/9/2017, IOC đã làm một điều không tưởng. Họ trao quyền đăng cai Olympic 2028 cho Los Angeles mà không hề kêu gọi các hồ sơ dự thầu khác. IOC thừa nhận việc tìm kiếm ứng viên đăng cai Thế vận hội là điều cực kỳ khó khăn.

Trong lần đấu thầu đăng cai Olympic mùa đông 2022, Bắc Kinh chỉ cần vượt qua duy nhất Almaty, Kazakhstan để trở thành nước chủ nhà sau khi Stockholm (Oslo) và Krakow (Ba Lan) đều bỏ cuộc.

Quy trình trao quyền đăng cai Olympic 2024 gặp khó khăn từ phía công chúng. Năm 2015, thành phố Boston dẫn đầu, nhưng xuất hiện chiến dịch chống lại Olympic của người dân thành phố.

Một điều khoản trong hợp đồng của IOC quy định những đơn vị thuế địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm nếu chi phí vượt quá mức cho phép. Khi Boston rút lui khỏi cuộc chạy đua, các thành phố khác bao gồm Rome, Hamburg và Budapest cũng bỏ đơn đăng ký.

Chỉ còn Paris và Los Angeles trong nhóm cuối cùng. Đối mặt với viễn cảnh không còn ứng viên đủ điều kiện tham gia Olympic mùa hè 2028, IOC đã trao cho Paris đăng cai năm 2024 và Los Angeles năm 2028.

Brisbane (Australia) là thành phố tổ chức Olympic mùa hè 2032 được trực tiếp bầu chọn khi không có quốc gia nào tham gia giành quyền đăng cai.

 Nhiều người dân Nhật Bản phản đối việc tổ chức Olympic. Ảnh: New York Times.

Nhiều người dân Nhật Bản phản đối việc tổ chức Olympic. Ảnh: New York Times.

Cái giá quá đắt

Chi phí là nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều quốc gia không muốn đăng cai Olympic. Từ năm 1896 đến cuối những năm 1960, Thế vận hội hiện đại thường tổ chức ở Mỹ hay châu Âu, những nơi có sẵn cơ sở hạ tầng nên chi phí không quá đắt.

Tuy nhiên, số lượng môn thể thao gia tăng chóng mặt. Lượng vận động viên tham gia tăng gấp đôi trong khoảng năm 1956-1972. Chi phí để Montreal - nơi đăng cai Olympic mùa hè 1976 - tổ chức đắt đến mức tận năm 2006, thành phố mới trả hết các khoản nợ cuối cùng.

Council on Foreign Relations cho biết dư âm của Montreal khiến vào năm 1979, Los Angeles là thành phố duy nhất đấu thầu tổ chức Olympic mùa hè 1984. IOC đã buộc phải để cho thành phố đàm phán các điều khoản có lợi. Quan trọng nhất, Los Angeles dựa gần như hoàn toàn vào các sân vận động và cơ sở hạ tầng sẵn có, thay vì hứa hẹn xây mới để lôi kéo IOC. Kết hợp với doanh thu phát sóng truyền hình tăng vọt, Los Angeles trở thành thành phố duy nhất có lãi khi đăng cai Olympic.

Thành công của Los Angeles khiến thị trường đấu thầu nóng trở lại. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nga hay Brazil háo hức sử dụng đấu trường này làm cơ hội để chứng tỏ sự tiến bộ với thế giới. Điều đó cho phép IOC lựa chọn các thành phố có kế hoạch tham vọng nhất.

 Chi phí tổ chức Olympic 1992 tới 2020, tính theo đơn vị tỷ USD. Đồ họa: Statista.

Chi phí tổ chức Olympic 1992 tới 2020, tính theo đơn vị tỷ USD. Đồ họa: Statista.

Yêu cầu của IOC ngày càng khắt khe.

Để chuẩn bị đấu thầu, chi phí lập kế hoạch, thuê tư vấn, tổ chức sự kiện và di chuyển rơi vào khoảng 50-100 triệu USD. Tokyo đã chi tới 150 triệu USD cho lần đấu thầu thất bại vào năm 2016 và khoảng một nửa số tiền đó cho lần đấu thầu thành công năm 2020. Toronto quyết định từ bỏ sau khi tuyên bố họ không thể chi trả cho 60 triệu USD cho lần đấu thầu năm 2024.

Sau khi một thành phố được chọn để đăng cai, họ có gần một thập niên để chuẩn bị. Olympic mùa hè có quy mô lớn hơn rất nhiều, thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch nước ngoài đến xem hơn 10.000 vận động viên thi đấu trong khoảng 300 trận, so với dưới 3.000 vận động viên thi đấu trong khoảng 100 trận tại Olympic mùa đông.

IOC yêu cầu khoảng 35 địa điểm khác nhau đạt chuẩn quốc tế, làng Olympic trị giá cả tỷ USD, cơ sở sản xuất truyền thông với giá nửa tỷ đến một tỷ USD, không gian nghi lễ và không gian xanh. Họ cũng yêu cầu phương tiện di chuyển giữa tất cả khu vực đó và làn đường đặc biệt cho các giám đốc điều hành IOC, phương tiện di chuyển giữa tất cả địa điểm, theo Insider. Các thành phố đăng cai tổ chức mùa hè phải có tối thiểu 40.000 phòng khách sạn còn trống. Nhìn chung, chi phí cơ sở hạ tầng này dao động từ 5-50 tỷ USD.

Không chỉ vậy, chi phí an ninh đội lên rất cao vì nỗi lo lắng sự kiện quốc tế trở thành “miếng mồi ngon” cho khủng bố. Sydney đã chi 250 triệu USD vào năm 2000, trong khi Athens chi hơn 1,5 tỷ USD vào năm 2004. Kể từ đó, chi phí này nằm trong khoảng 1-2 tỷ USD.

Hiện tượng “voi trắng” sau Olympic - thuật ngữ ám chỉ các cơ sở vật chất không thể bỏ đi sau khi sự kiện kết thúc, nhưng vẫn tốn phí bảo trì - cũng là điều hay được nhắc tới. Sân vận động Olympic của Sydney tiêu tốn của thành phố 30 triệu USD/năm để bảo trì. Sân vận động “Tổ chim” của Bắc Kinh tốn 460 triệu USD để xây dựng, 10 triệu USD/năm để bảo trì và gần như không được sử dụng kể từ năm 2008. Hầu hết cơ sở vật chất xây dựng cho Olympic Athens 2004, vốn gây ra cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, giờ đây vô chủ.

Đó còn chưa kể đến chi phí môi trường. Để tổ chức Olympic mùa đông ở Pyeongchang, chính quyền đã phá hủy toàn bộ sườn núi. Một số loài cây cối và động vật ở đó sắp tuyệt chủng.

 Chi phí tổ chức Olympic cao hơn rất nhiều so với dự kiến. Ảnh: New York Times.

Chi phí tổ chức Olympic cao hơn rất nhiều so với dự kiến. Ảnh: New York Times.

Cần đổi mới

IOC dưới thời Chủ tịch Thomas Bach đã thúc đẩy cải cách quy trình, được gọi là Chương trình nghị sự Olympic 2020. Vào năm 2018, IOC thực hiện thay đổi chính thức đối với quy trình đấu thầu trong tương lai, cho phép các thành phố trao đổi với IOC trước khi đưa ra giá đấu thầu chính thức, tinh giản yêu cầu về giá thầu và thực hiện thay đổi để thu hút sự quan tâm. Họ khuyến khích các quốc gia đưa ra những biện pháp chiến lược bền vững.

Một số người cho rằng vẫn cần các biện pháp quyết liệt. Nhiều nhà kinh tế nhận định các nước đang phát triển nên được loại bỏ gánh nặng đăng cai hoàn toàn, thay vào đó để các nước phát triển chịu một phần chi phí tổ chức.

Còn theo Andrew Zimbalist, giáo sư tại Đại học Smith ở Massachusetts, đã đến lúc IOC nghiêm túc xem xét các thành phố đăng cai thường trực, một vào mùa đông và một vào mùa hè, để giảm lãng phí và chi phí, cũng như để biến Olympic thành di sản dài hạn.

Mặc cho những thiếu sót, Olympic vẫn là sự kiện quốc tế khiến công chúng toàn cầu mãn nhãn. Vì vậy, dù cho Olympic vẫn sẽ tồn tại, IOC cần để các kỳ Olympic trong tầm kiểm soát, cả trên sân lẫn ngoài trận đấu.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/olympic-co-chet-khong-post1295486.html