PC Bình Phước: Tự hào hơn 1/4 thế kỷ 'thắp sáng' cuộc sống

Đi qua hơn 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển, đến hôm nay Công ty Điện lực Bình Phước (PCBP) đã tự tin với sự chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt khi Bình Phước nằm trong vùng Đông Nam Bộ có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao nên đòi hỏi đơn vị phải nhanh chóng khắc phục những khó khăn.

Ông Lê Tấn Quang – Giám đốc PC Bình Phước.

Ông Lê Tấn Quang – Giám đốc PC Bình Phước.

Cuộc trò chuyện cùng ông Lê Tấn Quang, Giám đốc PC Bình Phước cho thấy rõ hơn quyết tâm, cũng như đóng góp thiết thực của đơn vị đối với quá trình phát triển của địa phương và đời sống nhân dân.

Ông vui lòng giới thiệu vài nét chính trong quá trình phát triển của đơn vị thời gian qua?

Điện lực Bình Phước được thành lập từ ngày 1/4/1997 trên cơ sở tách ra từ Điện lực Sông Bé cũ, CB - CNV chỉ có 113 người, hầu hết được điều chuyển từ Bình Dương lên. Thời điểm đó số xã có điện chỉ hơn 30% và tỉ lệ số hộ sử dụng điện chỉ dưới 20%; thì ngay sau đó 2 năm, đến năm 1999 đã có 100% số xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; và cho đến nay, đã có trên 99,5% số hộ có điện. Số lượng khách hàng sử dụng điện từ 10.671 khách hàng tăng lên hơn 315.000 khách hàng, tương ứng tăng 30 lần.

Chắc có lẽ cuộc sống xa nhà, “ăn cơm tập thể, ở giường cá nhân” tại một tỉnh vùng sâu vùng xa đã khơi dậy mãnh liệt ý chí lao động xây dựng, sáng tạo của tập thể lãnh đạo và CB - CNV đơn vị tại một vùng đất mới. Sau 13 năm hoạt động, đến ngày 14/4/2010, theo đề án tái cấu trúc ngành điện của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã quyết định đổi tên các Điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam thành các Công ty Điện lực.

Theo đó, Điện lực Bình Phước đã được đổi tên thành Công ty Điện lực Bình Phước. Đến hôm nay, sản lượng điện thương phẩm luôn đảm bảo được chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước, từ thực hiện năm 1997 chỉ có gần 40 triệu kWh, thì cuối năm 2022, tăng lên hơn 3.023 triệu kWh, tương ứng tăng gần 76 lần. Công ty còn cung cấp điện cho 2 tỉnh của nước bạn Campuchia, với sản lượng bình quân 22 triệu kWh/năm, góp phần xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị với nước bạn trong nhiều năm qua. Doanh thu bán điện đến thời điểm cuối năm 2022 trên 6.000 tỷ đồng; và là đơn vị luôn thu đạt 100% hóa đơn phát sinh, không còn hóa đơn tồn thu.

Khối lượng quản lý cũng tăng trưởng và phát triển rất nhanh. Nếu năm 1997, đường dây Trung áp là 436km; Hạ áp 441km; và chỉ có 324 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng hơn 20,07 MVA; thì đến đầu năm 2023 con số đó đã tăng gấp nhiều lần, cụ thể là: 4.556 km đường dây trung thế, 4.071 km hạ thế; và 9.338 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 1.878 MVA. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty quản lý vận hành 365km đường dây 110kV và 11 trạm 110kV với tổng dung lượng 752MVA.

Riêng công tác đầu tư mạng lưới điện cho các khu cụm công nghiệp, khu du lịch và khu vực vùng sâu vùng xa được chú trọng ra sao?

Trên tinh thần tận dụng tối đa mọi lợi thế đang có, cụ thể là nguồn vốn WB, AFD, KFW, vốn vay của tỉnh, vốn KHCB của ngành Điện… Ngành đã đầu tư, nâng công suất các trạm trung gian 110kV và xây dựng các lộ ra 22kV sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại các khu công nghiệp, dịch vụ trong tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại các khu công nghiệp.

Theo tình hình phát triển phụ tải, năm 2021-2025 ngành điện đầu tư xây dựng thêm trạm 110/22kV Đức Liễu, Phú Riềng, KCN Minh Hưng 3, Đồng Xoài 2, Tân Hưng… nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải công nghiệp phát triển trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chuyển nguồn qua lại giữa các trạm trung gian nhằm cung cấp điện an toàn liên tục, giảm thiểu tối đa thời gian mất điện. Đồng thời phối hợp với Sở Công thương tham mưu cho cấp trên đầu tư thêm trạm 220kV và có thể trạm 500kV cấp điện cho khu công nghiệp.

Thời gian tới, đơn vị sẽ đầu tư trạm nguồn và lưới phân phối 22kV theo tình hình phát triển phụ tải các khu công nghiệp đảm bảo cấp điện kịp thời cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Đối với khách hàng tại khu vực này, đơn vị sẽ theo dõi sát tình hình phát triển phụ tải, đồng thời đầu tư cung cấp điện cho các khách hàng sau khi hợp đồng mua bán điện được ký kết (không thực hiện đầu tư đón đầu phụ tải).

Với tốc độ phát triển của Bình Phước ngày càng nhanh, đơn vị sẽ chú trọng vào những yếu tố nào để đồng hành cùng tỉnh nhà, đặc biệt là yếu tố “con người”?

Đó là mở rộng mạng lưới điện gắn liền với chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Riêng trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đơn vị sẽ tập trung vào 4 nội dung chính. Đầu tiên là đào tạo nâng cao kiến thức hơn nữa cho đội ngũ CB - CNV về lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu số hóa trong tất cả các khâu quản lý, vận hành, dịch vụ khách hàng – theo định hướng “Chuyển đổi số trong EVN” góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành lưới điện.

Tập trung đào tạo các kỹ sư trở thành chuyên gia ở khâu kỹ thuật điện, đầu tư lưới điện nhằm áp dụng các công nghệ lưới điện thông minh, đưa ra các giải pháp hiệu quả trong việc đầu tư, quản lý vận hành lưới điện tiết kiệm. Nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhận thức trong khâu quản lý và dịch vụ khách hàng.

Và cuối cùng là tiếp tục duy trì tốt các chương trình đào tạo thường xuyên của đơn vị luôn thực hiện đó là bồi dưỡng nghề, phổ biến kiến thức pháp luật mới và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hàng năm giúp cho đội ngũ CB - CNV luôn được kiểm tra được trình độ tay nghề của mình, nâng cao ý thức trong an toàn khi tham gia công tác, cập nhật được những quy định mới của pháp luật.

Với thành quả đã đạt được cùng với tinh thần đồng tâm hợp lực, ý chí quyết tâm phấn đấu không ngừng, PC Bình Phước sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra?

Đó là kịp thời đưa ra những quyết sách trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng của toàn CB - CNV. Chủ động làm việc với các chủ đầu tư và các khách hàng trong KCN để nắm bắt nhu cầu sử dụng điện, thống nhất việc ngành điện đầu tư hệ thống lưới điện trong KCN, đảm bảo cung cấp điện theo tiến độ sản xuất kinh doanh và bán điện trực tiếp đến các khách hàng.

Tiến hành thỏa thuận với Chủ đầu tư KCN việc ngành điện ứng vốn đầu tư hệ thống điện để bán điện trực tiếp đến khách hàng trong KCN; trường hợp không ứng được vốn của chủ đầu tư, Công ty đánh giá hiệu quả đầu tư, báo cáo Tổng công ty xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện. Và sẽ đầu tư đưa điện đến hàng rào khuôn viên đất của nhà đầu tư trong KCN.

Tuy nhiên hiện nay nguồn điện của cả nước vẫn còn hết sức khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm và vào mùa khô vẫn đang thiếu công suất, do đó tùy theo tình hình chung Ngành điện phải tiết giảm công suất luân phiên một số khu vực, tất nhiên chúng tôi sẽ cố gắng hết mức việc cung cấp điện theo khả năng của mình.

Vượt qua bao khó khăn, thử thách để có thành tựu, đến hôm nay, PC Bình Phước hoàn toàn có quyền tự hào với những thành tích đã đạt. Tất cả đã “chung lưng đấu cật” lao động tận tụy quên mình, sáng tạo vượt qua thử thách, gian nan. Đó là niềm tự hào để trong giai đoạn tới, đơn vị tiếp tục đề cao phương châm “Đổi mới - Chuyên nghiệp - Hiệu quả”, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của mình đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trụ sở Công ty Điện lực Bình Phước.

Trụ sở Công ty Điện lực Bình Phước.

TRUNG TRẦN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pc-binh-phuoc-tu-hao-hon-14-the-ky-thap-sang-cuoc-song-222964.html