PCI năm 2023 và góc nhìn từ thực tiễn

Kết quả được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố vào sáng ngày 9-5 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thứ hạng của Tiền Giang đã được thay đổi đáng kể, với 66,8 điểm, được xếp vào nhóm 30 tỉnh, thành (Tiền Giang được xếp hạng 29) có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023.

Cà phê doanh nhân được Tiền Giang tổ chức đã phát huy hiệu quả tích cực. Ảnh: Minh Thành

Cà phê doanh nhân được Tiền Giang tổ chức đã phát huy hiệu quả tích cực. Ảnh: Minh Thành

Vị trí PCI năm 2023 của Tiền Giang được xem là có bước tiến dài so với năm 2022 (với 63,17 điểm, được xếp hạng thứ 50). Tất nhiên, khi thứ hạng PCI năm 2023 của Tiền Giang có chuyển động theo hướng tích cực thì các chỉ số thành phần cũng trong xu hướng trạng thái này.

Theo kết quả công bố, trong 10 chỉ số thành phần hình thành PCI năm 2023 của Tiền Giang có đến 8 chỉ số tăng điểm số; trong đó đáng chú ý là Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có mức nhảy cao nhất, từ 5,84 điểm của năm 2022 lên 7,35 điểm trong năm 2023 (với mức tăng 1,51 điểm).

Xếp hạng PCI năm 2023, Tiền Giang được xem là có thứ hạng cao ít nhất trong khoảng 10 năm gần đây. Bởi theo số liệu từ VCCI, trải qua 19 lần công bố, thứ hạng cao nhất của Tiền Giang là ở vị trí thứ 9 vào năm 2009.

Còn nếu so sánh trong 5 năm gần đây (từ năm 2018 - 2022), vị trí xếp hạng PCI của Tiền Giang cũng có nhiều thay đổi, nhưng luôn duy trì thứ hạng dao động từ 33 đến 50. Tất nhiên, sự thay đổi này tùy thuộc vào từng chỉ số thành phần mỗi năm khảo sát và hầu hết các chỉ số thành phần đều có tăng, giảm qua mỗi năm dẫn đến tổng điểm số hằng năm của Tiền Giang cũng thay đổi theo.

Tuy nhiên, nếu soi rọi kỹ trong PCI năm 2023 của Tiền Giang, chỉ số thành phần tăng điểm chiếm đa số, cho thấy những dấu hiệu tích cực trong quản lý, điều hành của địa phương.

Nếu nhìn vào thực tiễn, PCI năm 2023 của Tiền Giang diễn biến theo chiều hướng tích cực phần nào cũng được khơi nguồn từ thực tiễn. Bởi thời gian qua, Tiền Giang đã rất nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chẳng hạn như, với mong muốn thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh, trong thời gian qua, công tác quy hoạch tại tỉnh Tiền Giang luôn được chú trọng.

Đến nay, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được các huyện, thị, thành lập, trình duyệt. Đây là tiền đề quan trọng để chào đón các doanh nghiệp đến tỉnh kinh doanh, đầu tư.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh đã được tập trung thực hiện khá tốt. UBND tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích xã hội hóa; khẳng định quan điểm nghiêm túc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai, thuế, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Tiền Giang cũng đã tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch, thân thiện và thuận lợi cho các thành phần kinh tế; góp phần phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo PCI năm 2023 ghi dấu hành trình 19 năm PCI được xây dựng, công bố. Đây là kết quả cụ thể và thiết thực trong việc thực hiện các chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và gần đây là cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường bền vững, công bằng xã hội và phát triển nền kinh tế xanh và trung hòa carbon.

Đặc biệt, đây chính là một hoạt động quan trọng để triển khai Nghị quyết 41 ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, mà trực tiếp nhất là nhiệm vụ: “Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng”.

Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình xử lý, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được đặc biệt quan tâm; đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Tiền Giang cũng đã ban hành đầy đủ các bộ thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư như: Đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, thẩm duyệt phương án phòng, chống cháy, nổ. Các bộ thủ tục này đều được công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành tỉnh và công bố công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ngành.

Song song đó, Tiền Giang cũng đã thành lập Trung tâm Hành chính công tập trung bố trí Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ngành để trực tiếp hướng dẫn nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh đã thành lập Tổ Xúc tiến đầu tư do lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, tiếp xúc nhà đầu tư, giới thiệu cơ hội đầu tư, hướng dẫn thủ tục và giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư.

Đối với các nhà đầu tư cần hỗ trợ tìm thông tin và lập hồ sơ đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đối với các dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc phạm vi vượt thẩm quyền của các sở, ngành sẽ tổ chức đưa ra Tổ Thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Ở các cấp độ khác nhau, Tiền Giang luôn sẵn sàng để hỗ trợ, hướng dẫn và xem xét giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư một cách hiệu quả nhất…

Nhìn từ thực tiễn mới thấy, việc duy trì và tăng thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI hằng năm là điều không đơn giản. Bởi mỗi tỉnh, thành đều không ngừng nỗ lực để cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng PCI. Bởi PCI được xem là một trong những thước đo hành động của chính quyền.

PCI cũng góp phần thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI là cơ sở để chính quyền địa phương tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách.

T.A

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202405/pci-nam-2023-va-goc-nhin-tu-thuc-tien-1010874/