Peru: Bê bối tham nhũng bủa vây nữ Tổng thống

Bà Dina Boluarte, nữ Tổng thống đầu tiên của Peru, đang vướng vào một vụ bê bối tham nhũng không chỉ riêng bà bị cáo buộc, khiến bà trở thành trung tâm của một cuộc điều tra, mà cả người thân gia đình và luật sư riêng của bà cũng đang bị vướng lao lý vì liên quan tham nhũng.

Trong một vụ việc mới nhất có liên quan, hôm 10/5, cảnh sát Peru đã bắt giữ anh trai và luật sư riêng của Tổng thống Dina Boluarte. Động thái này là một phần của cuộc điều tra tham nhũng mở rộng, vài tuần sau khi cơ quan điều tra đột kích vào nhà riêng của bà Tổng thống. Ông Nicanor, anh trai của bà Boluarte, và luật sư Mateo Castaneda của bà đã bị tạm giam vì bị buộc tội gây ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán và có liên quan đến một tổ chức tội phạm. Ngoài hai người này, cảnh sát cũng bắt giữ thêm sáu người khác.

Tổng thống Peru Dina Boluarte và chiếc đồng hồ Rolex gây tai tiếng.

Tổng thống Peru Dina Boluarte và chiếc đồng hồ Rolex gây tai tiếng.

Các công tố viên đang điều tra ông Nicanor Boluarte, người không giữ chức vụ chính thức nào trong chính phủ, vì bị cáo buộc sử dụng quyền lực trên thực tế của mình để xây dựng một đảng chính trị mới và nhận hối lộ từ các quan chức nắm giữ các chức vụ trong chính quyền khu vực, theo tài liệu của cảnh sát. Cuộc điều tra được mệnh danh là Los waykis en la sombra, có nghĩa là “anh em trong bóng tối”.

Vụ bắt giữ anh trai và luật sư riêng của bà Tổng thống Boluarte là dấu hiệu cho thấy cơ quan điều tra đang siết dần vòng vây quanh bà tổng thống. Đó cũng là động thái mới nhất sau loạt động thái “so găng” giữa chính phủ với cơ quan công tố đang điều tra vụ bê bối tham nhũng của bà Tổng thống. Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Walter Ortíz đã ra lệnh dừng hoạt động Diviac - đơn vị cảnh sát đã tham gia cuộc đột kích vào nhà của Tổng thống Boluarte vào ngày 29/3, đồng thời đình chỉ chức vụ ông Harvey Colchado, người đứng đầu đơn vị này. Văn phòng công tố cho biết họ đang đánh giá xem liệu Bộ trưởng Nội vụ Ortiz có vượt quá chức năng của mình khi ra lệnh ngừng hoạt động đơn vị hay không. Công tố viên lâm thời Juan Carlos Villena kêu gọi khôi phục ngay lập tức. Ông Ortíz phủ nhận có bất kỳ sự can thiệp chính trị nào vào động thái đình chỉ này.

Cuộc tấn công vào những người thân tín của bà Boluarte diễn ra khi bà tiếp tục lún sâu vào vụ bê bối “Rolexgate”. Và vụ bê bối này đã nhấn chìm nội các chính phủ, khiến hàng loạt quan chức trong nội các chính phủ từ chức vì bất mãn. Hôm 1/4, Tổng thống Boluarte đã tiến hành cải tổ nội các, với việc bổ nhiệm 6 bộ trưởng mới thay thế.

Tháng 3/2024, các công tố viên đã mở cuộc điều tra, ra lệnh khám xét nhà riêng của bà Boluarte sau khi bà từ chối tham dự phiên điều trần tại quốc hội về các cáo buộc liên quan. Bà đã không khai báo nguồn gốc của 3 chiếc đồng hồ thương hiệu Rolex, trong đó có một chiếc trị giá 11.150 bảng Anh, cũng như các món đồ khác như chiếc vòng tay Cartier trị giá 43.000 bảng Anh. Tổng trị giá các đồ vật xa xỉ được cho là khoảng 400.000 bảng Anh (500.000 USD) trong khi mức lương tổng thống hàng tháng khoảng 3.320 bảng Anh (4.200 USD).

Tổng thống Boluarte tuyên bố bà là nạn nhân của một âm mưu và trong một bài phát biểu trên truyền hình có các bộ trưởng đứng bên cạnh, đã phủ nhận cáo buộc “tham nhũng”. Bà phủ nhận việc sở hữu ba chiếc đồng hồ Rolex, nói rằng bà đã mượn của ông Wilfredo Oscorima, Thống đốc vùng Andean, người mà bà gọi là wayki, nghĩa là “anh trai” trong tiếng Quechua. Các công tố viên đang điều tra xem liệu bà có dấu hiệu nhận những chiếc đồng hồ để đổi lấy ân huệ hay không.

Vụ bê bối bắt đầu khi La Encerrona, một podcast tin tức nổi tiếng của Peru, phân tích 10.000 hình ảnh từ tài khoản Flickr của Tổng thống, tiết lộ bộ sưu tập đồng hồ và trang sức xa xỉ chưa được tiết lộ của bà Boluarte. Nhà nghiên cứu Alvaro Henzler, Chủ tịch tổ chức Transparencia Perú, một tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng, cho biết: “Đây không phải là điều ngạc nhiên đối với người Peru. Chúng tôi không biết liệu bà ấy có tham nhũng hay không. Nhưng chúng tôi biết bà ấy không nói sự thật”.

Ngoài vấn đề tham nhũng, bà Boluarte hiện cũng bị buộc tội chủ trì vụ sát hại 49 người bởi lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối việc lật đổ người tiền nhiệm của bà, ông Pedro Castillo, vào tháng 12/2022. Hiện bà cũng đang phải đối mặt với một cuộc điều tra riêng về vai trò của mình trong những cái chết đó.

Bà Boluarte hiện được xếp hạng là nhà lãnh đạo ít được yêu thích nhất ở Mỹ Latinh, với tỷ lệ tán thành 9%, theo một cuộc thăm dò do Hiệp hội Châu Mỹ tổng hợp vào tháng 1/2024. Còn ở Peru, chỉ 14% người Peru tin rằng đất nước của họ đang đi đúng hướng và 86% cho rằng nước này đang đi sai hướng, mức độ không đồng tình cao nhất trong cuộc thăm dò 29 quốc gia của Ipsos.

Vào đầu tháng 4/2024, các nhà lập pháp từ đảng cũ của bà Boluarte đã ký một bản kiến nghị yêu cầu bãi nhiệm bà vì “mất năng lực đạo đức vĩnh viễn”, một kỹ thuật hiến pháp đã được sử dụng để buộc một tổng thống từ chức và bãi nhiệm hai tổng thống khác trong 6 năm qua, khiến Peru bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài. Nhưng các nhà phân tích tin rằng việc bà Boluarte ký kết giao kèo hợp tác với các khối chính trị cánh hữu đồng nghĩa với việc bà có thể không bị phế truất cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2026.

Natalia Sobrevilla, một nhà sử học và nhà phân tích chính trị cho biết, cán cân quyền lực đang bị lệch. Bà nói: “Quốc hội có thể phế truất tổng thống theo ý muốn sau khi họ có đủ phiếu bầu. Nhưng họ không muốn luận tội bà ấy vì họ không muốn mất chức”.

Ông Henzler cho biết với vụ bê bối mới nhất này, vận may chính trị của bà Boluarte có thể sẽ sớm vuột mất, làm tăng nguy cơ “trong cuộc bầu cử tiếp theo, người Peru sẽ bầu ra một ứng cử viên theo chủ nghĩa dân túy hơn, cực đoan hơn và độc tài hơn”.

Trương Hùng

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/peru-be-boi-tham-nhung-bua-vay-nu-tong-thong-i731697/