PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: KỲ VỌNG NHIỀU GỢI MỞ CHÍNH SÁCH TỪ HỘI THẢO VĂN HÓA 2024

Dự kiến sáng 12/5 tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao' tại tỉnh Quảng Ninh. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kỳ vọng và tin tưởng thông qua các góp ý từ Hội thảo sẽ gợi mở được nhiều định hướng chính sách quan trọng giúp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong thời gian tới.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Dự kiến sáng 12/5 tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” tại Quảng Ninh. Ông có đánh giá thế nào về chủ đề của Hội thảo năm nay?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trong nhiều năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bước vào thời kỳ Đổi mới, Đảng ta đã ban hành hai nghị quyết quan trọng về văn hóa là Nghị quyết hội nghị lần thứ năm (Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2022 được tổ chức, tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng về phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.

Nói như vậy để chúng ta biết rằng, văn hóa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc. Quốc hội, với tư cách là cơ quan lập pháp cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, luôn cùng đồng hành với nhịp đập và hơi thở của cuộc sống. Năm 2022, chúng ta đã tổ chức rất thành công Hội thảo Văn hóa về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, đồng thời phát hiện những điểm nghẽn lớn trong phát triển văn hóa. Đây là những cơ sở khoa học và thực tiễn để Quốc hội và các cơ quan liên quan tập trung giải quyết trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới.

Hội thảo Văn hóa 2024 dự kiến sẽ diễn ra tại Quảng Ninh vào 12/05 tới

Hội thảo Văn hóa 2024 dự kiến sẽ diễn ra tại Quảng Ninh vào 12/05 tới

Trong số các lĩnh vực của văn hóa, thiết chế văn hóa, thể thao có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, thể thao hằng ngày của nhân dân, đồng thời phản ánh diện mạo văn hóa của cộng đồng, quốc gia, cho chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân. Rõ ràng, thiết chế văn hóa đang hằng ngày, hằng giờ đồng hành với đời sống nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội.

Tuy quan trọng như vậy, nhưng qua các đợt chất vấn, giám sát, khảo sát, và gần đây nhất là phiên giải trình ở Quốc hội cũng như từ phản ánh của ý kiến cử tri, chúng ta nhận thấy nhiều cơ chế, chính sách, luật pháp chưa đồng bộ, còn thiếu, chưa tạo điều kiện cho hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao. Đầu tư cho văn hóa nói chung, thiết chế văn hóa thể thao nói riêng còn chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao;... Chính vì vậy, việc lựa chọn chủ đề tổ chức Hội thảo, theo tôi, cho thấy cách tiếp cận đúng đắn, khoa học và hiệu quả của Quốc hội trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giúp tháo gỡ một nút thắt quan trọng trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam – đó là thiết chế văn hóa, thể thao.

Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2024 dự kiến sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp với nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa. Ông có kỳ vọng gì?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi có kỳ vọng rất lớn khi đây là hội thảo do Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm liên quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh tổ chức công phu, khoa học, cẩn thận, tỷ mỉ, với sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, đại diện cho các thiết chế văn hóa lớn của trung ương và địa phương, doanh nghiệp,... Với những tiếng nói bao quát, khách quan và thẳng thắn, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng Hội thảo sẽ khẳng định vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa trong phát triển bền vững đất nước.

Đồng thời, tập trung rà soát những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, quy hoạch, nguồn lực cho xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao, cũng như gợi ý cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động quan trọng này; từ đó giúp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của các thiết chế văn hóa, thể thao, giúp chúng ta có được các thiết chế văn hóa, thể thao không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân, mà còn xây dựng được một số thiết chế tiêu biểu, trở thành những biểu tượng mới cho thời đại Hồ Chí Minh, hình thành và lan tỏa sức mạnh dân tộc từ các thiết chế này.

Tất cả những góp ý đa chiều từ Hội thảo sẽ là những thông tin tham khảo hữu ích cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình hoạch định các chính sách về thiết chế văn hóa, thể thao trong giai đoạn mới.

Phóng viên: Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực văn hóa, xin ông cho biết thực trạng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở nước ta hiện nay so với các quốc gia trong khu vực, cũng như các chính sách, nguồn lực để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao hiện tại của Việt Nam?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Chúng ta có ưu điểm là có một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm từ khá sớm, và dần trở thành một mạng lưới từ cơ sở đến trung ương. Tôi còn nhớ, từng có lần, một chuyên gia Hàn Quốc đến làm việc với tôi (lúc đó với tư cách là Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam). Ông ta tỏ ra rất thú vị và có ý muốn nghiên cứu, học hỏi về cách làm thế nào Việt Nam có thể xây dựng được một hệ thống các nhà văn hóa, thư viện đến tận cấp xã để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt giải trí và học tập của người dân. Như vậy, nhìn ở một khía cạnh tích cực, chúng ta thấy rằng, về cơ bản, chúng ta đã có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng khá đầy đủ, từ nhà văn hóa, khu thể thao tại các thôn, tổ dân phố, các trung tâm văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn, tới các trung tâm văn hóa thông tin và thể thao quận, huyện, thị xã, trung tâm văn hóa, đến các thiết chế đặc thù như Cung văn hóa, Nhà văn hóa cho các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên và người lao động... Đây là hệ thống tương đối toàn diện, giúp tổ chức các hoạt động, các sự kiện văn hóa, văn nghệ gắn với đời sống văn hóa của nhân dân, đã thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt, giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao...

 PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kỳ vọng và tin tưởng thông qua các góp ý từ Hội thảo Văn hóa 2024 sẽ gợi mở được nhiều định hướng chính sách quan trọng giúp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong thời gian tới

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kỳ vọng và tin tưởng thông qua các góp ý từ Hội thảo Văn hóa 2024 sẽ gợi mở được nhiều định hướng chính sách quan trọng giúp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong thời gian tới

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, đặc biệt là so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, chúng ta thấy còn có một số vấn đề, điểm nghẽn trong chính sách quản lý và sử dụng cũng như huy động nguồn lực cho các thiết chế văn hóa, thể thao. Trong đó đặc biệt là những vấn đề liên quan đến ưu đãi đầu tư, thuế (như miễn, giảm thuế cho các khoản đóng góp, tài trợ…), quy định về tài trợ và hiến tặng cho các cơ sở văn hóa, nghệ thuật, việc hình thành các quỹ tín thác,... hay tư duy quản lý thiết chế văn hóa phù hợp với nền kinh tế thị trường, ở đó, nhu cầu thị trường buộc các thiết chế văn hóa, thể thao phải thích nghi thông qua việc tập trung cho xây dựng thương hiệu, phát triển khán giả, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất,... Xử lý được những vấn đề đó, tôi tin rằng, sẽ tạo điều kiện mới cho sự phát triển của các thiết chế văn hóa, thể thao ở nước ta theo đúng xu thế của các nước trên thế giới.

Phóng viên: Theo ông, trong thời gian tới chúng ta cần những giải pháp, chính sách như thế nào để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nghĩ là sẽ có nhiều giải pháp khác nhau. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh đến một số giải pháp.

Thứ nhất là cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi; tập trung hoàn thiện các chính sách về quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, người lao động công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.

Thứ hai là hoàn thiện quy hoạch về thiết chế văn hóa, thể thao theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc và hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu tham gia, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao của Nhân dân; đồng thời tích hợp hiệu quả quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch tỉnh theo hướng bảo đảm tính toàn diện, cụ thể, cân đối giữa các loại hình thiết chế.

Thứ ba là quan tâm, bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao ở trung ương và địa phương bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và công năng sử dụng; đầu tư, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện chuyên dùng đồng bộ; bảo đảm kinh phí hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trọng điểm, xứng tầm với công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao tầm cỡ quốc tế. Cùng với đó là đổi mới cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao; thúc đẩy hoạt động liên kết trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư tại các thiết chế văn hóa, thể thao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao; khuyến khích cộng đồng giám sát, tham gia quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Thứ tư là quan tâm hơn đến tổ chức bộ máy, nhân sự và công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các thiết chế văn hóa, thể thao, bằng cách tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, định mức biên chế, cơ cấu đội ngũ lao động; thực hiện tốt việc kiện toàn tổ chức thiết chế văn hóa, thể thao. Rà soát, đánh giá toàn diện việc sáp nhập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Ngoài ra, cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, có cơ chế đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển tài năng, nhất là nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ làm việc trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong giai đoạn tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=86755