Phận giấy long đong

Giữa vùng ánh sáng và chiều sâu của giấy, từng mảnh xơ sợi, từng vùng dày mỏng của trúc chỉ tạo nên những bức tranh thu hút lạ thường. Nhưng, hành trình của trúc chỉ chẳng hề dễ dàng gì để định hình với thời gian.

Long đong Trúc Chỉ

Nếu Nhật Bản có nghệ thuật giấy Washi hay Hàn Quốc có Hanji - Hàn Chỉ thì Việt Nam tự hào đã có Trúc Chỉ. Trúc Chỉ hiện đã vươn tới 3 khả năng của khái niệm về giấy, đó là vừa làm nền, vừa tự thân trở thành tác phẩm nghệ thuật, thêm nữa là khả năng “đối thoại” để mọi người cùng chiêm ngưỡng và cảm nhận.

Từ những cây cỏ và vật liệu bình dị, thân thuộc như tre, trúc, giang, chuối, ngô, rơm, lục bình, dừa, bã mía, cỏ... trải qua một quá trình hun đúc bởi Đất - Nước - Lửa - Gió, cùng quá trình sáng tạo từ bàn tay, trái tim và khối óc của người họa sĩ, những bình dị của đất trời, quê hương, tinh hoa văn hóa và phong tục Việt Nam đã chuyển hóa thành các tác phẩm nghệ thuật. Trúc Chỉ có khả năng hấp thu ánh sáng, xuyên sáng và trao lại cho người thưởng lãm nguồn năng lượng tinh khiết.

Một tác phẩm Trúc Chỉ độc đáo.

Một tác phẩm Trúc Chỉ độc đáo.

Nhiều người ở lần gặp gỡ đầu tiên với Trúc Chỉ đã bị ngợp trước vùng ánh sáng và chiều sâu tác phẩm, rồi sau đó, khi có nhiều thời gian để ngắm thật kỹ, thì từng mảnh xơ sợi, từng vùng dày mỏng trên bức tranh lại thu hút họ lạ thường. Và, điều đặc biệt, mỗi bức tranh hoặc nghệ phẩm Trúc Chỉ đều là độc bản, là duy nhất. Bình thường, một tờ giấy khi được vẽ lên đó một cái gì đó mới thành tác phẩm, còn với Trúc Chỉ thì tự thân khi chế tác giấy đã thành một tác phẩm, chứ không phải tô vẽ thêm gì nữa.

Gần 14 năm đeo đuổi nghiệp giấy như một “cái nợ” với nghệ thuật, họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Bộ môn Đồ họa, Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) với “một cuộc chơi liều lĩnh” đã làm nên những loại giấy và những tác phẩm hội họa bằng giấy mộc mạc mà cuốn hút. Từ năm 2000, họa sĩ Phan Hải Bằng đã tìm hiểu và nghiên cứu về giấy. Để tạo ra được chất liệu Trúc Chỉ và nâng thành tác phẩm nghệ thuật là cả một hành trình dài nhiều gian nan. Đến 2007, khi tìm được học bổng của Quỹ học bổng châu Á (Asianscholarship Foundation - ASF) do Quỹ Ford bảo trợ, ông mới có một chuyến điền dã, nghiên cứu ở Thái Lan trong một dự án nghiên cứu về giấy thủ công châu Á. Sau 7 tháng “lăn” ra làm ở các xưởng giấy tại các làng quê Thái Lan, người họa sĩ đã thấy mình “mê muội” giấy.

Kỹ năng điều khiển bóc tách tạo độ dày - mỏng của bột giấy, được gọi là “Đồ họa Trúc Chỉ - Trucchigraphy”.

Kỹ năng điều khiển bóc tách tạo độ dày - mỏng của bột giấy, được gọi là “Đồ họa Trúc Chỉ - Trucchigraphy”.

Năm 2011, khi Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế tạo điều kiện cho một căn phòng làm xưởng, giấc mơ về xưởng giấy của ông mới thành hiện thực. Để hiện thực giấc mơ cho giấy, họa sĩ Phan Hải Bằng đã đi thu gom, lượm lặt, nhặt nhạnh gạch, khung gỗ, bàn ghế hư, rơi vãi xung quanh trường về làm bếp lò. Còn nguyên liệu thì cái đi tận thu đồ phế liệu, phụ phẩm nông nghiệp, thứ thì bỏ chút tiền lương ít ỏi ra mua như tre, trúc ở khắp nơi về chế tác. Nhưng, đâu dễ thành công như thế với chỉ một đôi lần.

Họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ, ông đã phải thử nghiệm rất nhiều và thất bại cũng không ít. Tre, trúc, lồ ô, rơm, bèo lục bình, bã mía... đều được ông thử nghiệm làm nguyên liệu. Đến người mẹ già của ông vì thương ước mơ giấy của con cũng cặm cụi hằng ngày tới các quán nước mía gom bã mía mang về xưởng cho ông.

Với xưởng giấy này, Trường đại học Nghệ thuật Huế trở thành trường đầu tiên ở Việt Nam có một xưởng giấy. Tháng 4/2012, một triển lãm sắp đặt các tác phẩm giấy tự thân được tổ chức tại 49 Lê Lợi, TP Huế. Tại đây, tên gọi Trúc Chỉ đã được chính thức định danh, với ý niệm là một loại hình nghệ thuật giấy của người Việt, thông qua hình tượng cây tre như biểu hiện văn hóa và tinh thần Việt. Kể từ đây dự án chính thức mang tên Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam và vận hành với 3 tiêu chí: Thẩm mỹ, giáo dục, xã hội đã ra đời.

Những giọt mồ hôi, nước mắt của hành trình gian nan khởi nguồn ấy đã kết tinh lại thành một không gian nặng nghĩa ân tình. Không gian trưng bày Trúc Chỉ, cũng là trụ sở của Công ty TNHH một thành viên Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam tại TP Huế được họa sĩ Phan Hải Bằng cùng cộng sự đặt tên là Vườn Trúc Chỉ - Truc Chi Garden. Những ngày đầu được đặt tại đường Triệu Quang Phục, sau đó được dời về số 5, đường Thạch Hãn, nội thành Huế. Rồi cơ sở lại di dời đến địa chỉ số 52, đường Nguyễn Phúc Nguyên (phường Kim Long, TP Huế) để trả lại mặt bằng thuê sau gần 10 năm. Phận người và phận giấy cứ long đong như thế. Cho đến nay Vườn Trúc Chỉ đã định hình tại địa chỉ này với cái tên “Trúc Chỉ KM0”, tức gợi đến ý niệm về nơi xuất phát, cội rễ của Trúc Chỉ là cố đô Huế. bây giờ Trúc Chỉ đã có mặt tại KM 650 (Hà Nội) và KM 1000 (TP Hồ Chí Minh).

Họa sĩ Phan Hải Bằng với nghệ thuật Trúc Chỉ.

Họa sĩ Phan Hải Bằng với nghệ thuật Trúc Chỉ.

Định hình đẳng cấp của giấy

Tại không gian Vườn Trúc Chỉ, những họa sĩ cùng Trúc Chỉ đã đưa câu chuyện giấy đi xa hơn rất nhiều. Đó là Ngô Đình Bảo Vi, một họa sĩ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Thêm Trần Xuân Nhật, một chuyên gia về thiết kế, cũng là học trò của họa sĩ Phan Hải Bằng, hay chàng trai đồng bào vùng cao huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) nhiệt huyết công việc Hồ Văn Hưng, cùng một Trần Quang Thắng gắn với Trúc Chỉ và họa sĩ Phan Hải Bằng suốt 10 năm chia ngọt sẻ bùi. Hay Nguyễn Phước Nhật, cựu sinh viên ngành thiết kế đồ họa Trường đại học Nghệ thuật Huế, học trò ông Bằng... đã ở đây vì niềm đam mê với nghệ thuật của giấy. Dẫu có lúc thu nhập không phải lựa chọn tối ưu, cũng chẳng phải vì họ đã có người nổi tiếng bởi là tác giả của những cuộc triển lãm đình đám, là chủ nhân của những giải thưởng mỹ thuật danh giá nhưng khi cần vẫn có thể là người thợ đứng máy, chẻ tre, đóng khung, hoàn thiện nghệ phẩm với sự nâng niu và mê đắm.

Trong Vườn Trúc Chỉ, người thì miệt mài chăm chút cho lò nung tre nguyên liệu, nhiều nghệ sĩ cặm cụi với cây bút nước trên khung xeo để tạo tác, cùng làm ra những nghệ phẩm Trúc Chỉ. Để làm được cũng chẳng hề đơn giản, tre, trúc và nguyên liệu cũng có thể là bèo, dừa, chuối, bắp, rơm, mía, sen... hay cả lá thông phải chẻ nhỏ, đều, rồi trộn với nước vôi trong và nấu từ 8-10 giờ. Phải nấu cho tre cùng nguyên liệu mềm rồi đợi lò nguội mới xả lò, mang ra ngoài làm sạch, xả cặn bã, sau đó đưa vào máy xay thật mịn để tạo ra bột. Bột được đưa vào bể, lắng lọc và trải qua một số công đoạn kỹ thuật nữa rồi mới được vớt lên đưa vào khung xeo, trải đều trên khung cho nghệ sĩ chế tác.

Nếu những họa sĩ đơn thuần cần những mảng màu thì với nghệ sĩ Trúc Chỉ phải thành thục kỹ năng điều khiển bóc tách tạo độ dày - mỏng của bột giấy (được gọi là “Đồ họa Trúc Chỉ - Trucchigraphy). Tùy vào ý tưởng, chủ đề, yêu cầu, mục đích... mà các lớp bột được bóc tách có độ dày - mỏng, đậm - nhạt, hoa văn, họa tiết và cho ra các sản phẩm Trúc Chỉ khác nhau. Đấy cũng chính là sự kỳ diệu và rất lạ lẫm của Trúc Chỉ, gây bất ngờ không chỉ với người thưởng lãm tác phẩm, mà còn với chính nghệ sĩ sáng tác. Cùng với ánh sáng, người xem cảm giác có những xúc tác về mặt vật chất rất rõ. Vượt qua được yếu tố tâm lý tranh 2D thành không gian 3D và đó là một trong những hiệu ứng độc đáo của Trúc Chỉ. Trúc Chỉ đã vươn xa hơn, tiệm cận rất nhiều vấn đề của nghệ thuật đương đại.

Điều đặc biệt, việc sử dụng nguyên liệu làm Trúc Chỉ đã mang lại giá trị cộng đồng, ích lợi xã hội khi biến những phụ phẩm của nông nghiệp, biến những thứ tưởng như bỏ đi, ít giá trị trở thành giá trị hơn. Trúc Chỉ do vậy sẽ tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm áp lực về môi trường cho cộng đồng. Bây giờ, Trúc Chỉ đã định hình được đẳng cấp của giấy. Đã có nhiều giải thưởng về mỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật ứng dụng mà đội ngũ Trúc Chỉ được trao tặng từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia, cùng hàng trăm cuộc triển lãm trong và ngoài nước, những cuộc giao lưu quốc tế. Nhiều tác phẩm được làm quà tặng cho các nguyên thủ các nước, hay được trưng bày trong những nơi quan trọng như bức tranh lớn ở không gian bảo tàng đương đại ở đường hầm Quốc hội và tác phẩm công phu đồ sộ kích thước 400x800 m “Hào khí Thăng Long” trưng bày ở Văn phòng Chính phủ.

Nhiều tác phẩm đoạt giải là sản phẩm tập thể, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm là sáng tạo của cá nhân. “Với những sáng tạo ấy, những hồn cốt mà truyền thống nghệ thuật giấy bên trong của dân tộc được thể hiện, làm cho tinh thần phản ánh của Trúc Chỉ nó có chiều sâu hơn. Một khi giữ được tinh thần ấy cũng là phát huy được dân tộc tính, là đóng góp lớn của Phan Hải Bằng và Trúc Chỉ với văn hóa Việt”, PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế nhận xét.

Gần 14 năm long đong cho phận giấy, những tác phẩm đó trở thành những mẫu thiết kế làm quà tặng, đồ lưu niệm, thiết kế trang trí nội, ngoại thất, phụ kiện thời trang, trang sức hay các nghệ phẩm dù, nón, quạt, ví, cà vạt, đèn lồng... Gần đây, đội ngũ Trúc Chỉ còn phát triển dòng nghệ phẩm về tín ngưỡng dân gian, như bài vị, tranh thờ ông Táo, tranh về tôn giáo... cũng được chú trọng phát triển, thỏa mãn nhu cầu khách hàng.

Ngô Đình Bảo Vi đảm trách chức giám đốc của Công ty TNHH MTV Nghệ thuật Trúc Chỉ, đồng thời là Giám đốc điều hành Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam chia sẻ, đó chính là những hướng đi thực tế, đưa nghệ thuật gần với đời sống hơn và có ý nghĩa sống còn với Trúc Chỉ trong hành trình sau này. Điều đó cũng dung hòa được giữa sáng tác và ứng dụng để chăm lo đời sống vật chất cho đội ngũ người lao động, nhân viên trong công ty, vừa đảm bảo không gian sáng tác như ăn vào máu thịt của những nghệ sĩ.

Những nghệ phẩm được thương mại là hướng đi thực tế, đưa nghệ thuật gần với đời sống hơn và có ý nghĩa sống còn với Trúc Chỉ.

Những nghệ phẩm được thương mại là hướng đi thực tế, đưa nghệ thuật gần với đời sống hơn và có ý nghĩa sống còn với Trúc Chỉ.

Nhiều người, nhiều đơn vị cũng đã nghĩ đến việc đưa Trúc Chỉ thành ngành học, đào tạo chính khóa tại các trường nghệ thuật, tuy nhiên do những yêu cầu đặc thù của công tác đào tạo cũng như khó khăn khách quan nên chưa thể triển khai mà phải đợi một thời cơ khác phù hợp hơn. “Trúc Chỉ được chúng tôi xây dựng để trở thành một sản vật quốc gia mới của người Việt. Những trải nghiệm, những danh hiệu, giải thưởng và sự đón nhận sản phẩm, nghệ phẩm Trúc Chỉ của cộng đồng gần 14 năm qua mang lại sự động viên lớn lao cho đội ngũ phát triển Trúc Chỉ. Đấy cũng là trọng trách và cũng là triển vọng cho Trúc Chỉ trong giai đoạn phát triển mới!”, họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ.

Với ý niệm của Trúc Chỉ là đưa giấy trở thành nghệ thuật, họa sĩ Phan Hải Bằng và cộng sự đã đưa nghề giấy lên một tầm cao mới, hàm chứa giá trị thủ công và nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.

Tiêu Dao - Bảo Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/phan-giay-long-dong-i731740/